3 tháng sau khi Greensill Capital sụp đổ, "kỳ lân" (startup có giá trị trên 1 tỷ USD) thứ hai của quỹ Vision Fund là Kattera cũng nộp đơn xin phá sản. Các tài liệu nộp lên tòa cho thấy startup Mỹ hoạt động trong ngành xây dựng này đã bị phụ thuộc tài chính vào Greensill như thế nào. Sụp đổ dây chuyền là điều không thể tránh khỏi.
Tổng cộng bộ đôi này đã "thiêu rụi" khoảng 4 tỷ USD của các nhà đầu tư tại SoftBank. Và câu chuyện được dự báo sẽ chưa dừng lại ở đó. Ngân hàng Credit Suisse đã cắt đứt quan hệ với SoftBank và xem xét kiện công ty Nhật Bản để lấy lại 440 triệu USD trong các quỹ mà Greensill dựa vào Katerra để huy động, theo Financial Times.
Để 1 startup phá sản sau khi đã rót 1 tỷ USD vốn đầu tư là vận xui đối với SoftBank, nhưng khi con số là 2 thì nguyên nhân chắc hẳn là do bất cẩn. Đó chính là bài học về việc 1 quỹ với quy mô lên tới 100 tỷ USD và đã đầu tư vào rất nhiều công ty có liên quan đến nhau sẽ gây nên đổ vỡ dây chuyền như thế nào khi mọi việc không diễn ra như dự định.
Câu chuyện về sự trỗi dậy và sụp đổ của Katerra khá giống với WeWork – 1 thất bại khác của SoftBank. Được thành lập năm 2015, Katerra có tham vọng sẽ tạo ra cuộc cách mạng trong ngành xây dựng dân dụng và thương mại bằng cách tạo ra những đơn nguyên giống hệt nhau có thể dễ dàng nhân rộng và triển khai nhanh chóng trên thực tế.
Katerra đã mở rộng rất nhanh thông qua các vụ M&A nhưng cũng đốt tiền rất nhanh. Công ty này thường xuyên đưa ra mức giá siêu thấp khi tham gia đấu thầu và sau đó lại thường xuyên thi công chậm trễ. 3 năm gần đây Katerra lỗ gần 2,8 tỷ USD.
Không rõ tại sao tháng 12/2019 Greensill lại quyết định cho 1 công ty đầy rủi ro như vậy vay tiền, mặc dù giữa họ có 1 điểm chung là được SoftBank rót vốn. Tạm thời Katerra không cần phải xin thêm tiền từ SoftBank và đã nhanh chóng nhận được 440 triệu USD từ Greensill. Công ty tài chính có trụ sở tại London đã "đóng gói" các khoản nợ này thành chứng khoán và bán chúng cho các khách hàng trong quỹ tài trợ chuỗi cung ứng của Credit Suisse.
Sau đó đại dịch ập đến, làm gián đoạn hoạt động xây dựng và khiến tình hình tài chính của Katerra càng trở nên tồi tệ hơn. Những rắc rối do Katerra tạo nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng huy động vốn. Các nghiệp vụ ghi nhận doanh thu bất hợp lý được phát hiện tại 1 chi nhánh. Katerra báo cáo tình hình lên Ủy ban chứng khoán Mỹ.
Đáng lẽ đó là thời điểm tốt để Softbank đánh giá lại các cam kết với Katerra. Tuy nhiên thay vào đó lại bơm thêm 200 triệu USD tính đến cuối năm ngoái, giúp Katerra tránh được việc nộp đơn xin phá sản nhưng lại khiến các cổ đông khác mất tiền. Greensill xóa nợ cho Katerra và Vision Fund "đầu tư 440 triệu USD vào công ty mẹ của Greensill".
Khi Greensill sụp đổ hồi tháng 3, Katerra bị "khủng bố bởi những câu hỏi" về khả năng sống sót của Katerra. Credit Suisse chất vấn liệu "khoản nợ được miễn trừ 440 triệu USD có liên quan gì đến Greensill hay không".
Các khách hàng của Katerra run sợ. Các công ty bảo lãnh hợp đồng xây dựng cho Katerra bắt đầu yêu cầu tăng tài sản đảm bảo trong khi các ngân hàng từ chối cấp thêm khoản vay. Nói ngắn gọn thì gần như Katerra đã "nhận án tử" và 2 tháng sau thì chính SoftBank cũng bỏ cuộc.
Nhìn lại sự việc, có thể thấy Greensill đã không mảy may nghi ngờ và cảm thấy rất thoải mái khi giải ngân khoản vay cho 1 công ty có SoftBank chống lưng. Sự tham gia của Credit Suisse càng tăng thêm uy tín. Còn đối với SoftBank, những cú đặt cược thành công như công ty thương mại điện tử Hàn Quốc Coupang Inc bù đắp phần nào cho những "cú nổ" như Katerra và Greensill.
Ở đây vẫn có những bài học cho tập đoàn công nghệ khổng lồ của tỷ phú Masayoshi Son. Không phải mọi ý tưởng đột phá đều có thể thành công về mặt thương mại dù bạn có ném bao nhiêu tiền vào đó đi chăng nữa. Và khi đã trở thành cổ đông lớn nhất của 1 startup, hãy thật sự cẩn trọng vì nếu startup đổ vỡ thiệt hại là rất lớn.
Hiện tại SoftBank vẫn phải bơm 35 triệu USD để tài trợ cho các hoạt động của Katerra trong quá trình phá sản theo Chapter 11. Tổng cộng tập đoàn Nhật Bản đã rót vào đây 2,5 tỷ USD.
Khi Greensill gặp rắc rối, cấu trúc tài chính của SoftBank và mối liên kết giữa các công ty trong quỹ Vision Fund cũng trở nên rối rắm. Cái chết của 1 kỳ lân lại mở đường cho 1 kỳ lân khác "băng hà".
Tham khảo Bloomberg