Tuần này và đầu tuần sau sẽ là thời gian hết sức bận rộn với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Sau gần năm tháng nhậm chức, Tổng thống Biden có chuyến công du nước ngoài đầu tiên và kéo dài tới tám ngày. và điểm đến có lẽ không quá nhiều bất ngờ nhưng rất được chú ý: Châu Âu. Cũng trong chuyến đi này Tổng thống Biden sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh rất được chờ đợi với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Cụ thể, theo báo USA Today, ngày 9-6 (giờ Mỹ) ông Biden khởi hành đến Anh và dự kiến sẽ tham dự hội nghị G7 (bảy nước công nghiệp phát triển của thế giới: Pháp, Đức, Ý, Nhật, Anh, Canada, Mỹ) từ ngày 11 đến 13-6, sau đó sang Brussels (Bỉ) dự thượng đỉnh NATO (khối hiệp ước an ninh Bắc Đại Tây Dương) và gặp các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 14-6, trước khi sang Geneva (Thụy Sĩ) gặp ông Putin vào ngày 16-6.
Sứ mệnh quan trọng của ông Biden
Hãng tin Reuters cũng như hầu hết các hãng truyền thông Mỹ đánh giá chuyến công du xuyên Đại Tây Dương lần này là phép thử với khả năng của ông Biden trong quản lý và sửa chữa quan hệ với các đồng minh lớn, vốn lâu nay bất mãn với các chính sách của người tiền nhiệm Donald Trump về thương mại cũng như rút Mỹ khỏi các hiệp ước quốc tế. Sứ mệnh chính của ông Biden trong chuyến đi là cứu vãn quan hệ hai bên vốn đã xấu đi nhiều dưới thời ông Trump, cũng như để điều chỉnh lại quan hệ với Nga. Đài NBC News đánh giá đây là sứ mệnh tối quan trọng của ông Biden nhằm đối phó với các đe dọa ngày càng gia tăng từ Trung Quốc và từ Nga.
Chiếc Không lực Một chở vợ chồng Tổng thống Mỹ Joe Biden hạ cánh xuống Trạm không quân Hoàng gia Anh RAF Mildenhall thuộc hạt Suffolk (Anh), ngày 9-6. Ảnh: ABC NEWS
Theo NBC News, nếu xét về khách quan thì nhiệm vụ này không khó với ông Biden khi châu Âu là nơi quen thuộc với ông, hơn nữa so với nhiều đời tổng thống Mỹ thì không có nhiều người có được kinh nghiệm về chính sách đối ngoại như ông. Trước khi làm phó tổng thống rồi tổng thống, ông Biden từng có hàng chục năm là nghị sĩ cấp cao trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện. Ông Biden cũng từng có mối quan hệ tốt với các lãnh đạo châu Âu.
Tuy nhiên, thực tế không đơn giản vậy khi thế giới hơn bốn năm qua đã có nhiều thay đổi lớn, so với hồi ông Biden còn là phó tổng thống, đứng ở tuyến đầu trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Kinh tế toàn cầu đã bị suy sụp vì đại dịch; Trung Quốc phát triển vượt trội về kinh tế và quân sự; nguy cơ Mỹ bị tấn công mạng xuất phát từ Nga ngày càng tăng. Với tất cả thách thức này, các đồng minh lâu đời nhất hoài nghi liệu họ có thể tin tưởng Mỹ, đặc biệt sau bốn năm Mỹ hoạt động theo nguyên tắc đối ngoại “Nước Mỹ trên hết” thời ông Trump.
Nhận thức được thực tế này, ông Biden đặt mục tiêu sẽ thiết lập lại được vị trí của Mỹ trên bàn đàm phán quốc tế, chứ không vội kỳ vọng đặt ra các mục tiêu Mỹ sẽ đạt được một khi ở vị trí này.
Liệu các liên minh và thể chế dân chủ đóng vai trò lớn trong việc định hình thế giới ở thế kỷ trước có chứng minh được năng lực đối phó với các mối đe dọa và đối thủ thời hiện đại hay không? Tôi tin rằng câu trả lời là có. Và tuần này ở châu Âu, chúng ta có cơ hội chứng minh điều đó. Tổng thống Mỹ JOE BIDEN khẳng định trong một bài viết của ông đăng trên báo Washington Post ngày 6-6 |
Chủ đề 3C
Theo thông tin từ phía các quan chức chính phủ Mỹ mà NBC News thu thập được, các chủ đề được bàn đến trong các cuộc gặp giữa ông Biden với các lãnh đạo G7 sẽ là 3C (climate change - biến đổi khí hậu, COVID-19, China - Trung Quốc).
Cụ thể các lãnh đạo G7 sẽ bàn về ngoại giao vaccine, thương mại, khí hậu, sáng kiến tái thiết hạ tầng ở các nước đang phát triển - sở dĩ vấn đề này sẽ được bàn đến là vì các quan chức đánh giá đây là cách đối phó với đà mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc. Ông Biden cũng có thể gặp áp lực phải chia sẻ nguồn vaccine nhiều hơn sau lời cam kết phân phối 20 triệu liều đến các nước mà ông thông báo tuần trước, và sẽ phân phối 80 triệu liều vào cuối tháng 6.
Cam kết của Mỹ lớn hơn bất cứ nước nào nhưng vẫn quá nhỏ bé so với con số 1,8 tỉ liều mà các tổ chức quốc tế mong muốn có để phân phối đến các nước thu nhập thấp vào đầu năm 2022. Theo bà Julia Friedlander, thành viên cấp cao tại tổ chức các vấn đề quốc tế Atlantic Council (Mỹ), trợ lý Nhà Trắng phụ trách các vấn đề về EU, Nam Âu và kinh tế thời ông Trump, “sự thành công cũng như sự phục hồi lâu dài của các nước G7, các nước phát triển, phụ thuộc vào việc phân phối vaccine tới các nước đang phát triển”. Trước mắt, nhiều quan chức Mỹ phát tín hiệu rằng cam kết này chỉ là bước khởi đầu trong kế hoạch ủng hộ vaccine của Mỹ. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết ông Biden sẽ nói rõ hơn về kế hoạch nhóm G7 đối phó đại dịch.
Bên cạnh đại dịch, ông Biden và các lãnh đạo G7 sẽ bàn cách phối hợp phản ứng với đà biến đổi khí hậu, nạn tấn công mạng gia tăng, cũng như bàn cách đối phó đà gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc “để các nền dân chủ chứ không phải nước nào khác, không phải Trung Quốc hay các chế độ chuyên quyền khác viết ra các quy tắc về thương mại và công nghệ cho thế kỷ 21”, theo ông Sullivan.
Các chủ đề chính tại các cuộc gặp giữa ông Biden với các lãnh đạo NATO, EU chủ yếu sẽ về Nga, Trung Quốc và chuyện đóng góp của các đồng minh NATO cho khối phòng thủ chung.
Thượng đỉnh Biden - Putin không tránh khỏi căng thẳng
Chuyện ông Biden bỏ cả tuần dài để gặp các lãnh đạo đồng minh thân thiết trước khi sang Geneva gặp ông Putin không phải không có lý do. Theo ông Sullivan, việc tính toán thời gian, thời điểm này là ý đồ của Mỹ để ông Biden có thể đối mặt với ông Putin “cùng làn sóng ủng hộ sau lưng”. Cố vấn Sullivan cho biết ông Biden hy vọng các cuộc gặp của ông ở G7 và NATO sẽ giúp củng cố cảm giác đoàn kết đồng minh khi ông bắt đầu cuộc gặp với ông Putin.
Hội nghị thượng đỉnh của ông Biden với ông Putin được xem là nền tảng của chuyến đi, là cơ hội để ông Biden nêu trực tiếp mối quan ngại của Mỹ về các cuộc tấn công mã độc xuất phát từ Nga, sự gây hấn của Moscow đối với Ukraine, vi phạm nhân quyền, can thiệp bầu cử và một loạt vấn đề khác.
Ông Sullivan cho biết ông Biden sẽ lưu ý với ông Putin về các kỳ vọng của Mỹ với Nga, và Mỹ sẽ phản ứng thế nào nếu Nga vẫn tiếp tục các hành động trên. Các quan chức chính phủ Mỹ đoán cuộc gặp một đối một này sẽ kéo dài và căng thẳng.
Chưa biết thực tế sẽ thế nào nhưng trước mắt phía Mỹ không kỳ vọng sẽ có bước đột phá nào lớn từ cuộc gặp, theo Reuters. Chuyện họp báo chung sau cuộc gặp cũng chưa được thống nhất, mà hai lãnh đạo sẽ bàn cụ thể tại cuộc gặp.
Các đồng minh không thể chắc chắn ông Trump ra đi hẳn chưa NBC News dẫn lời một số quan chức an ninh quốc gia từ chính phủ tổng thống Trump và chính phủ tổng thống Barack Obama rằng khả năng ông Biden sẽ nhận được sự chào đón nồng nhiệt từ các đồng minh vốn bốn năm qua phải chật vật với phong cách ngoại giao đầy tranh cãi của ông Trump. Các lãnh đạo thế giới sẽ hoài nghi liệu các thỏa thuận quốc tế mà họ có thể đạt được với Mỹ trong nhiệm kỳ ông Biden lại sẽ bị tổng thống tiếp theo của Mỹ hủy bỏ, chẳng hạn thỏa thuận khí hậu Paris và thỏa thuận hạt nhân Iran. Nói rõ hơn về điều này, ông Alexander Vershbow - cựu phó tổng thư ký NATO và cựu đại sứ Mỹ tại Nga giải thích rằng các đồng minh hiện vẫn còn chưa chắc chắn về khả năng quay lại chính trường của ông Trump sau khi ông Biden hết nhiệm kỳ. |