vĐồng tin tức tài chính 365

Biến động nguyên liệu đầu vào: Kẻ được người mất

2021-06-11 11:09

Biến động nguyên liệu đầu vào: Kẻ được người mất

Hải Lý

(KTSG) - Không chỉ hàng hóa năng lượng như dầu mỏ, quặng sắt, đồng, lithium... tăng mạnh từ đầu năm đến nay, giá nông sản và các nguyên vật liệu đầu vào cho ngành thực phẩm cũng tăng vọt. Điều này ảnh hưởng như thế nào đến Việt Nam và nhất là các doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn?

Giá cao su thiên nhiên đang bắt đầu một chu kỳ tăng trưởng mới. Ảnh: N.K

Bảo hiểm rủi ro giá nguyên liệu

Trong bản tin Economist’s Note cuối tháng 5-2021, Công ty Quản lý quỹ VinaCapital cho biết ba doanh nghiệp thực phẩm lớn là Vinamilk, tập đoàn Kinh Đô (KDC) và Công ty Đường Quảng Ngãi (QNS) đã mua bảo hiểm (hedg) giá nguyên liệu đầu vào ngay từ đầu năm.

Bột sữa, đường chiếm khoảng 30% chi phí đầu vào của Vinamilk và những hàng hóa này hiện đã tăng giá 35-40% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ việc mua bảo hiểm cho 50% nguyên liệu nói trên nên chi phí chỉ tăng 16%. Tuy nhiên, vấn đề đối với Vinamilk là không thể tăng giá bán các sản phẩm sữa tương ứng, mà chỉ có thể tăng một phần, làm ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp của công ty. VinaCapital ước tính biên lợi nhuận gộp của Vinamilk có khả năng giảm 6%.

Kinh Đô có một trong những mảng kinh doanh chủ lực là dầu ăn cũng chịu tác động của giá dầu đậu nành và dầu cọ thế giới liên tục biến động. Ông Bùi Thanh Tùng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dầu thực vật Tường An (TAC), nơi Kinh Đô sở hữu trực tiếp gần 62% cổ phần, cho biết so với cùng kỳ giá dầu đậu nành và dầu cọ đã tăng gấp đôi, dầu cọ từ 14.000 đồng lên 28.000-29.000 đồng/ki lô gam; dầu đậu nành từ 20.000 đồng lên 40.000 đồng/ki lô gam.

Cũng như Vinamilk, doanh nghiệp này không thể chạy đua nâng giá bán sản phẩm bù đắp giá nguyên liệu nhập khẩu. “Ăn thua bây giờ là chất lượng sản phẩm, quy mô nhà máy, quản trị doanh nghiệp để tiết giảm chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp”, ông Tùng nhấn mạnh.

VinaCapital dự báo biên lợi nhuận gộp mảng dầu ăn của Kinh Đô giảm 12 điểm phần trăm và với mức này, tập đoàn có thể chuyển việc tăng giá nguyên liệu sang cho người tiêu dùng.

Ngoài Tường An, Kinh Đô đang nắm giữ cổ phần lớn ở Golden Hope và Vocarimex. Kinh Đô cũng đã mua bảo hiểm một phần giá nguyên liệu dầu đậu nành cho cả năm nay.

Hưởng lợi

Hơn 80% doanh thu của QNS đến từ các sản phẩm sữa đậu nành. QNS đã mua bảo hiểm một phần cho nguyên liệu đậu nành nhập khẩu. Trong khi đó giá đường tăng mạnh khiến công ty được hưởng lợi kép. Giá đường đã tăng 35% so với cùng kỳ. Như vậy, biên lợi nhuận gộp của QNS sẽ không bị ảnh hưởng nếu tính chung doanh thu các sản phẩm.

Theo VinaCapital, giá nguyên liệu nông sản gia tăng đã giúp đẩy giá trị xuất khẩu nông sản Việt Nam. Với hơn 40% lực lượng lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, sự gia tăng giá hàng hóa nông sản như cao su, cà phê, chè, hạt tiêu... sẽ tạo điều kiện tăng thu nhập cho hai phần ba dân số sống ngoài khu vực đô thị. Thu nhập tăng sẽ tác động tích cực đến tiêu dùng, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

“Thí dụ, Việt Nam là quốc gia đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hạt tiêu. Hơn một nửa sản lượng hạt tiêu cả nước đến từ sản xuất của các hộ gia đình và các nông trại quy mô nhỏ”, bản tin của VinaCapital viết, “Giá hạt tiêu đã tăng 30% cùng kỳ giúp nông dân và hộ gia đình trồng tiêu cải thiện thu nhập và tiêu dùng trong cuộc sống”.

Giá cao su thiên nhiên tiếp tục trên đà tăng mạnh bất chấp có sự sụt giảm so với mức đỉnh thiết lập tháng trước. So với cùng kỳ, giá cao su trên sàn Tokyo đã tăng từ 130 yen/ki lô gam giữa năm ngoái lên 248 yen/ki lô gam cuối tuần trước. Sau đúng một thập kỷ, giá cao su thiên nhiên đang bắt đầu một chu kỳ tăng trưởng mới.

Tổng công ty Cao su Việt Nam (GVR) và các công ty cao su niêm yết trên sàn như DPR, PHR, TRC... đã để lại phía sau những năm tháng khó khăn khi giá cao su rớt thảm. Giờ đây, ngoài doanh thu thanh lý vườn cây già cỗi, chuyển đổi một tỷ lệ nhất định đất trồng cao su thành khu công nghiệp, khai thác và xuất khẩu cao su tự nhiên mới là hoạt động cốt lõi đang trên đà lấy lại phong độ của ngành cao su.

Một trong những doanh nghiệp kém may mắn nhất trong cuộc “đảo điên” tăng giá hàng hóa nông sản có lẽ là Hoàng Anh Gia Lai (HAG). Ba năm trước, HAG đã bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng chi phí xóa bỏ hàng ngàn héc ta dầu cọ sắp đến ngày khai thác để chuyển đổi sang trồng cây ăn quả ngắn ngày. Tương tự, nếu kiên trì duy trì hàng chục ngàn héc ta cao su vốn được trồng từ năm 2010-2011 thì đến nay HAG đã có thể hái quả ngọt. Tuy nhiên “người tính không bằng trời tính”. 

Xem thêm: lmth.tam-iougn-coud-ek-oav-uad-ueil-neyugn-gnod-neib/561713/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Biến động nguyên liệu đầu vào: Kẻ được người mất”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools