Thanh niên nằm dài
Khi đang kẹt xe trên đường cùng bố mẹ trong kỳ nghỉ lễ Lao động vào tháng trước, Hu Ai nhận ra văn hóa làm việc quá sức của Trung Quốc đã thực sự trở nên quá đáng.
“Sếp của tôi gọi điện và bảo tôi đi bộ từ đường cao tốc đến ga tàu điện ngầm gần nhất để quay lại làm việc gấp”, cô gái 33 tuổi nhớ lại.
“Lần đầu tiên bố mẹ tôi nhận ra công việc của tôi vất vả như thế nào và điều đó khiến mẹ tôi phải khóc trong xe”.
Trong những tuần sau đó, Hu - người làm việc cho một công ty truyền thông ở Thâm Quyến - tìm thấy sự đồng cảm trong một hình thức phản đối xã hội trực tuyến đang quét qua nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Theo SCMP, giới trẻ Trung Quốc chán ngấy với những gì họ coi là triển vọng u tối của nền kinh tế, trải qua những giờ làm việc mệt mỏi, xu hướng tiêu dùng phô trương và giá nhà tăng chóng mặt. Thay vì cố gắng mua nhà, xe hơi, hoặc thậm chí khởi tạo một gia đình, họ đang từ chối tất cả để "nằm dài" ở nhà.
Từ công nhân ở các thành phố nhộn nhịp của Trung Quốc cho đến sinh viên đại học, một đội quân gồm những người trẻ tuổi thất vọng đang lên mạng xã hội tuyên bố mình là “thanh niên nằm dài”.
Trên khắp cả nước, những chiếc áo phông in dòng chữ “Thanh niên nằm dài không làm gì” đã trở thành mặt hàng bán chạy và các cơ quan chức năng đang vào cuộc để trấn áp hiện tượng này, lo sợ về một thách thức đối với trật tự xã hội và kinh tế đang bùng nổ.
Nguồn gốc của phong trào có thể được bắt nguồn từ một bài đăng trên internet có tên "nằm dài vì công lý", khi một người có tên Kind-Hearted Traveller đã liên hệ đến các triết gia Hy Lạp để biện minh cho cuộc sống chỉ tiêu 200 nhân dân tệ (31 USD) một tháng, ăn hai bữa một ngày và không làm việc trong hai năm.
Theo người này, cuộc sống tối giản giúp họ khỏe mạnh về thể chất và tự do về tinh thần.
Mặc dù bài đăng gốc đã bị loại bỏ trên internet, nhưng các bản sao đã lan truyền nhanh chóng trên mạng, tạo nên những video hàng triệu lượt xem.
Jane Peng, một sinh viên đại học 19 tuổi ở Thiều Quan, tỉnh Quảng Đông, cho biết: “Chủ đề này rất nóng trong giới sinh viên đại học. Chúng tôi dường như đã thức tỉnh và thấy một lối thoát mới."
Elaine Tang, người làm việc cho một công ty công nghệ có trụ sở tại Quảng Châu, cho biết thuật ngữ này đã gây được tiếng vang đối với giới trẻ Trung Quốc, những người nhìn thấy mọi thứ đều chống lại họ.
“Những năm gần đây, giá bất động sản tăng chóng mặt, khoảng cách giữa các tầng lớp xã hội ngày càng lớn”, người phụ nữ 35 tuổi, đã kết hôn 7 năm nhưng chưa có con cho biết.
“Người giàu và người có quyền thế nắm hầu hết các nguồn tài nguyên và ngày càng nhiều tầng lớp lao động như chúng tôi phải làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, sáu ngày một tuần, nhưng vẫn không đủ khả năng chi trả cho cuộc sống, thậm chí là chi phí sinh con”.
Thức tỉnh
Một cuộc khảo sát trên Weibo của Trung Quốc, được thực hiện từ ngày 28/5 đến ngày 3/6, cho thấy 61% trong số 241.000 người tham gia cho biết họ đồng tình với trào lưu nằm ườn ở nhà.
Suy thoái kinh tế trong nước do dịch bệnh và căng thẳng thương mại với Mỹ càng khiến nhiều người tiếp nhận ý tưởng này hơn.
Phong trào đã khiến các nhà chức trách lo lắng, những người coi đây là mối đe dọa tiềm tàng đối với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc và giấc mơ trẻ hóa đất nước.
Về lâu dài, “nằm dài” không chỉ ảnh hưởng đến tiêu dùng và tăng trưởng của Trung Quốc, mà giảm tỷ lệ sinh, đe dọa nhân khẩu học của đất nước và hệ thống phúc lợi xã hội.
Trong những tuần gần đây, nhiều người nổi tiếng và các kênh truyền thông đã đưa ra những thông điệp tươi sáng để trấn áp phong trào này.
Tiến sĩ Gavin Sin Hin Chiu, một nhà bình luận độc lập, từng công tác tại Đại học Thâm Quyến, cho biết rất dễ hiểu sự lo lắng của các nhà chức trách Trung Quốc trước phong trào “nằm dài”.
“Nếu trở nên phổ biến, phong trào sẽ ảnh hưởng đến kỳ vọng của giới trẻ về tăng trưởng thu nhập, tiêu dùng, kết hôn và sinh con, điều này sẽ gây bất lợi cho khả năng tránh bẫy thu nhập trung bình của Trung Quốc, khiến tăng trưởng đình trệ và thu nhập đình trệ”.
Các nhân viên công nghệ là một trong những nhóm đầu tiên thấm thía điều mà phong trào “nằm dài” đang phản đối, bởi họ là những người làm việc tại các công ty lớn có văn hóa "996"- lịch làm việc từ 9 giờ sáng - 9 giờ tối, sáu ngày một tuần.
“Nhiều khả năng bạn sẽ làm việc chăm chỉ cả đời nhưng vẫn không thể mua được một căn nhà. Có lẽ tốt hơn là nên từ bỏ mục tiêu này”, Frank Lin, sinh viên tốt nghiệp từ một trong những trường đại học tốt nhất Trung Quốc, người ủng hộ phong trào nằm dài, cho biết.
“Chỉ vì tôi tốt nghiệp một trường đại học hàng đầu, không có nghĩa là tôi có cơ hội mua nhà cao hơn”.
Đối với Hu, người thường xuyên phải làm thêm giờ khiến sức khỏe ảnh hưởng, phong trào nằm dài mang lại cho cô sự thoải mái. Cô biết mình không đơn độc trong văn hóa làm việc quá sức của Trung Quốc.
“Tôi từng thích đi mua sắm, đặc biệt là sau giờ làm thêm vất vả, để giải tỏa căng thẳng”, cô nói.
“Hiện tại, tôi đang nghĩ về việc sống một cuộc sống đơn giản, tìm một công việc không làm thêm giờ, hai ngày nghỉ một tuần, kiếm được 4.000 nhân dân tệ một tháng. Tôi không cần phải làm đến kiệt sức như vậy”.