Thuốc lá làm nóng là thuốc lá “dạng khác” theo Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, do đó cần xem xét đưa vào luật để quản lý.
Tuy nhiên, hiện tại các loại thuốc lá không khói trong đó có thuốc lá làm nóng đang nằm ngoài hành lang pháp lý tại Việt Nam, dẫn đến các sản phẩm này gặp phải các rào cản về chính sách, chưa có cơ hội chứng minh về việc hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng dù nhiều quốc gia trên thế giới đang cho phép sử dụng và quản lý bởi luật.
Cần đưa thuốc lá làm nóng vào luật để quản lý?
Thời gian qua, các cơ quan chức năng thường xuyên phát hiện nhiều vụ nhập lậu thuốc lá, trong đó có các loại thuốc lá không khói như thuốc lá làm nóng. Việc định nghĩa các loại thuốc lá này còn nhiều cách hiểu khác nhau đang làm "đau đầu" các nhà làm chính sách.
Ông Phạm Sĩ Hải Quỳnh - luật sư thành viên của Công ty Luật TNHH Quốc tế Việt Nam (VILAF- Hồng Đức) - cho rằng về nguyên tắc, các sản phẩm thuốc lá là những mặt hàng không khuyến khích tiêu dùng. Vì vậy, quy định hiện tại là chỉ có doanh nghiệp được nhà nước chỉ định mới được phép nhập khẩu để kinh doanh trong nước.
Theo quy định của Thông tư số 37/2013/TT-BCT quy định về nhập khẩu thuốc lá điếu, xì gà của Bộ Công Thương ban hành ngày 30-12-2013 thì kể từ ngày 20-2-2014, chỉ có Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) là đơn vị được Bộ Công Thương chỉ định nhập khẩu thuốc lá điếu, xì gà.
Theo luật sư Hải Quỳnh, Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định: "Thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác".
Theo quy định này, ngoài những dạng cơ bản được liệt kê, pháp luật Việt Nam còn thừa nhận thuốc lá ở "dạng khác".
Luật sư Quỳnh cho biết thêm thuốc lá sử dụng trong thuốc lá làm nóng có hình dạng giống thuốc lá điếu truyền thống. Tuy nhiên, theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6666:2000, 6667:2000 dành cho thuốc lá điếu đầu lọc và thuốc lá điếu không đầu lọc do Bộ Y tế ban hành, một trong những tiêu chuẩn để đánh giá thuốc lá điếu đó là "độ cháy".
Trong khi đó, cơ chế của thuốc lá làm nóng là sử dụng nhiệt để làm nóng mà không đốt cháy như thuốc lá điếu thông thường. Do vậy, thuốc lá làm nóng không phải là thuốc lá điếu.
"Thuốc lá làm nóng cũng không phải xì gà, thuốc lá sợi hay thuốc lào. Nói khác đi, thuốc lá làm nóng được xem là "dạng khác" theo định nghĩa tại Điều 2.1 của Luật Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá và cần phải đưa vào quản lý theo luật hiện hành" - luật sư Quỳnh phân tích.
Mù mờ thông tin sản phẩm thay thế
Theo khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Povaddo thực hiện cuối năm 2020 với hơn 20.000 người trưởng thành (21-74 tuổi) tại 20 quốc gia (trong đó có Việt Nam), có đến 77% đối tượng khảo sát tin rằng những người hút thuốc lá cần được tiếp cận với thông tin đầy đủ về các sản phẩm thay thế không khói giảm thiểu tác hại hơn thuốc lá điếu đốt cháy.
Điều này cho thấy người hút thuốc vẫn chưa nhận được thông tin đầy đủ về các sản phẩm không khói hay giải pháp giảm thiểu tác hại.
Kể từ khi thuốc lá làm nóng được thương mại hóa, nhiều quốc gia đã nhận thấy những tín hiệu tích cực về sự dịch chuyển trên biểu đồ sản lượng tiêu thụ các sản phẩm thuốc lá.
Theo dữ liệu của Công ty nghiên cứu thị trường Frost & Sullivan tháng 11-2020, trong khoảng thời gian từ 2015 đến 2019, tổng doanh số thuốc lá điếu tại Nhật Bản đã giảm xuống, thay vào đó sự phát triển của các sản phẩm thuốc lá làm nóng tăng từ 5,1 tỉ lên 37,1 tỉ sản phẩm.
Sự chuyển hướng nhu cầu tiêu thụ thuốc lá điếu sang các sản phẩm thuốc lá làm nóng không chỉ được ghi nhận ở Nhật mà còn diễn ra tương tự ở Hàn Quốc, mặc dù nước này áp dụng mức thuế cao đối với thuốc lá làm nóng.
Theo Tập đoàn Philip Morris International (PMI), 28% doanh thu toàn cầu của PMI đến từ các sản phẩm không khói, trong đó sản phẩm thuốc lá làm nóng của doanh nghiệp này đã ra mắt tại 66 thị trường toàn cầu. Trong số các thị trường này có gần 2/3 quốc gia nằm trong Công ước Khung về Kiểm soát Thuốc lá (FCTC) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đặc biệt sản phẩm này cũng được tiêu thụ ở những thị trường nghiêm ngặt như Hoa Kỳ.
Tổng giám đốc điều hành PMI, ông Jacek Olczak cho biết mục tiêu PMI sẽ giảm tỷ trọng doanh thu của thuốc lá điếu, nâng doanh thu của thuốc lá làm nóng lên 50% vào năm 2025.
Theo ông Jacek Olczak, PMI có đủ nguồn lực để đưa ra giải pháp cho tất cả những người hút thuốc lá trên thế giới, song cần phải tiếp cận một cách toàn diện, mang đến lợi ích cho mọi đối tượng.
"Các giải pháp, nền tảng công nghệ cũng như khả năng mở rộng của công nghệ tạo điều kiện ứng phó với vấn nạn hút thuốc lá tại bất kỳ quốc gia nào, ở bất kỳ mức thu nhập nào trên thế giới" - ông Jacek Olczak khẳng định.
Thuốc lá làm nóng là gì?
Theo luật sư Phạm Sĩ Hải Quỳnh, thuốc lá làm nóng bao gồm sản phẩm thuốc lá đặc chế và hệ thống làm nóng sản phẩm thuốc lá đặc chế này. Thuốc lá làm nóng hoạt động bằng thiết bị điện để làm nóng nguyên liệu thuốc lá bên trong để tạo ra nicotin. Do có nguyên liệu thuốc lá chứa trong sản phẩm thuốc lá đặc chế và như giải thích ở trên nên về góc độ luật pháp, thuốc lá làm nóng được xem là "dạng khác" theo định nghĩa tại của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Trong khi đó, thuốc lá điện tử hoàn toàn không có nguyên liệu thuốc lá mà chỉ làm hóa hơi dung dịch có chứa hoặc không có chứa nicotin. Do vậy, chưa đủ cơ sở để phân loại thuốc lá điện tử là "thuốc lá" như thuốc lá làm nóng.
TTO - Bước đầu, nam tài xế xe khách 16 chỗ khai nhận cùng một người phụ nữ nhận vận chuyển thuê thuốc lá lậu từ Long An về TP.HCM.
Xem thêm: mth.56143917111601202-oan-eht-uhn-hnad-hnid-coud-nac-gnon-mal-al-couht/nv.ertiout