Tối 11-6, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết một nữ bệnh nhân đã phải tháo bỏ một ngón chân do bị thương nhưng chỉ ở nhà đắp lá cây không rõ nguồn gốc, khiến vết thương bị nhiễm trùng nặng và có giòi.
Theo đó, bà P.T.K.H. (75 tuổi, phường Cam Lập, TP Cam Ranh, Khánh Hòa) có tiền sử bệnh đái tháo đường type 2, bị một vết thương ở ngón chân cái bàn chân trái. Ngại đi viện, bà H. chỉ đắp lá cây không rõ nguồn gốc khiến vết thương ngày càng trầm trọng.
Khi bà nhập viện, vết thương đã nhiễm trùng hoại tử, nhiều mủ xanh và mùi hôi thối, có nhiều giòi ở vết thương.
Các bác sĩ đã phải tháo bỏ ngón cái cho bệnh nhân vào ngày 5-6. Đến nay sức khỏe bà H. dần bình phục. Bệnh nhân được cấy khuẩn làm kháng sinh đồ.
Theo thống kê của khoa chấn thương - chỉnh hình tổng quát Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, từ đầu tháng 6 đến nay bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp bị biến chứng ở vết thương do bệnh nhân đắp thuốc nam hoặc lá cây không rõ nguồn gốc. Hầu hết các trường hợp nhập viện đều nặng, phải cắt bỏ một phần chân hoặc tay, có trường hợp tử vong.
Như ngày 6-6, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân N.T.N. (55 tuổi, TP Nha Trang) trong tình trạng chân trái bị hoại tử nặng, có bệnh nền đái tháo đường type 2. Bệnh nhân N. cho biết 10 ngày trước bị bỏng nước sôi ở bàn chân trái. Theo lời mách, bệnh nhân đắp thuốc nam, nhưng vết thương không lành mà ngày càng đau nhức nên mới nhập viện.
Do bàn chân của bệnh nhân N. bị nhiễm trùng nặng, các bác sĩ phải cắt, lọc hết các chỗ bị hoại tử; đồng thời chạy máy áp lực âm VAC nhiều lần để hút tất cả các dịch, máu, mủ chỗ nhiễm trùng; kích thích các tế bào ở vùng tổn thương phát triển để ghép da.
Tuy nhiên do vết thương bị nhiễm trùng quá nặng nên vài ngày tới nếu vết thương không lành, các bác sĩ sẽ cắt bỏ bàn chân trái của bệnh nhân N..
Tương tự, bệnh nhân C.T.H. (59 tuổi, TP Nha Trang) đã bị cắt bỏ 1/3 cẳng chân bên trái do bị hoại tử nặng vì đắp thuốc lá chỗ bị bỏng.
Trong tháng 2, một bệnh nhân khác cũng bị nhiễm trùng nặng do đắp thuốc lá. Tuy được các bác sĩ tận tình cứu chữa, nhưng bệnh nhân đã không qua khỏi.
Bác sĩ Phạm Đình Thành, trưởng khoa chấn thương - chỉnh hình tổng quát, cho biết: "Việc người dân đắp thuốc lá không rõ nguồn gốc ở vết thương dễ gây nhiều biến chứng và hậu quả khó lường, nhất là những người có bệnh nền đái tháo đường.
Đối với các trường hợp bị biến chứng nhẹ, nhập viện sớm, chúng tôi có thể xử lý bảo toàn được các chi cho bệnh nhân. Trường hợp nặng thì phải phẫu thuật cắt bỏ các chi. Những trường hợp bị biến chứng suy đa tạng gần như không thể cứu được".
Theo bác sĩ Thành, đắp lá thiên nhiên hay thuốc nam không rõ loại là thói quen dân gian, nhất là ở vùng nông thôn hay những vùng sâu vùng xa. Đặc biệt, hiện nay trên mạng xã hội có nhiều trang không chính thống, hướng dẫn điều trị bằng dược liệu phản khoa học.
Khi bị chấn thương hoặc có vết lở, người dân tuyệt đối không nên đắp thuốc bằng các lá cây hoặc bôi dầu nóng… vì sẽ làm nóng vùng bị tổn thương, gây chảy máu mạnh hơn, dẫn tới nguy cơ teo cứng khớp, viêm khớp, hoại tử sinh hơi; nặng hơn là suy đa tạng...
TTO - Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cho biết vừa tiếp nhận cấp cứu một bệnh nhân nam nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu không tiếp xúc, phải thở máy. Bệnh nhân bị nhiễm trùng huyết vì tự ý đắp lá chữa vết mụn nhỏ.
Xem thêm: mth.73261328111601202-gnam-tam-iougn-nahc-yat-tam-iougn-hneb-auhc-yac-al-pad/nv.ertiout