- Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất 6 nội dung hợp tác xây dựng châu Á hậu COVID-19
- Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Không để một người chủ quan khiến cả xã hội vất vả"
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 154/TB-VPCP truyền đạt Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp về tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác của Bộ Giao thông - Vận tải giai đoạn 2016-2020 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2021, giai đoạn 2021-2025.
Theo Thông báo, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Giao thông -Vận tải rà soát, tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong theo hướng giảm đầu mối, giảm trung gian, giảm cấp phó và bảo đảm hiệu lực, hiệu quả.
Để thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực giao thông vận tải, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông - Vận tải quán triệt đến từng lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, từng cán bộ, chuyên viên tiếp tục phát huy thành tích, khắc phục tối đa khuyết điểm hạn chế, không thỏa mãn, chủ quan, tự mãn với thành tích đã đạt được.
Kế thừa và đổi mới, ổn định và phát triển; tuyên truyền, nhân rộng, phát huy những bài học kinh nghiệm tốt, mô hình làm việc hiệu quả, cách làm hay trong phạm vi cả nước; bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo cho tư duy và hành động.
Bộ Giao thông - Vận tải quán triệt nguyên tắc “ba không” trong giải quyết tháo gỡ, khó khăn: “Không nói không”, “không nói khó” và “không nói có mà không làm”.
Về tư tưởng chỉ đạo trong xử lý công việc: “Suy nghĩ phải chín”, “tư tưởng phải thông”, “quyết tâm phải cao”, “nỗ lực phải lớn”, “hành động phải quyết liệt, hiệu quả”, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó.
Đối với những vấn đề đột xuất, bất ngờ, Bộ phải nắm chắc tình hình, bám sát thực tiễn và căn cứ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết để có giải pháp phù hợp và xử lý công việc đạt hiệu quả cao nhất.
Trong xây dựng thể chế và rà soát chính sách: Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật, cơ chế, chính sách; hoàn thành việc rà soát, sửa đổi, bổ sung và đề xuất sửa đổi, bổ sung để khắc phục những tồn tại, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật của ngành Giao thông - Vận tải ngay trong năm 2021 để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết.
Trong đó, lưu ý lắng nghe ý kiến của người dân, doanh nghiệp, địa phương để chủ động nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực xã hội trong bối cảnh nguồn lực ngân sách hạn chế; ngân sách Nhà nước chỉ đóng vai trò là vốn mồi, có tính chất hỗ trợ.
Bộ nghiên cứu đề xuất cơ chế Nhà nước thu phí đối với các tuyến đường Nhà nước đầu tư để tạo nguồn vốn tái đầu tư phát triển giao thông vận tải, báo cáo cấp có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan.
Về công tác tổ chức cán bộ, phòng chống tham nhũng, Thủ tướng lưu ý, Bộ Giao thông - Vận tải rà soát, tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong theo hướng giảm đầu mối, giảm trung gian, giảm cấp phó và bảo đảm hiệu lực, hiệu quả; thực hiện nguyên tắc trong phân công công việc, bảo đảm một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính; rà soát khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý và cắt giảm các đầu mối trung gian.
Tăng cường công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng trong mọi hoạt động; tiếp tục và cương quyết đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, quan liêu một cách hiệu quả và tránh phô trương hình thức; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, chấm dứt tình trạng nhũng nhiễu phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông - Vận tải tập trung khẩn trương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ các quy hoạch ngành quốc gia thuộc lĩnh vực giao thông vận tải đáp ứng yêu cầu trước mắt và tầm nhìn lâu dài, bảo đảm gắn kết, đồng bộ, hiệu quả trong cả 5 lĩnh vực (đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải, đường thủy nội địa) phục vụ phát triển kinh tế-xã hội quốc gia từng thời kỳ; trong đó, phải xác định những nhiệm vụ, công việc trọng tâm, trọng điểm, phát huy tối đa các nguồn lực, tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh sẵn có về điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội, ưu thế của từng vùng để tập trung nguồn lực; có cơ chế ưu đãi, hỗ trợ phù hợp nhằm tạo điều kiện phát triển tối đa trên cơ sở lợi thế của từng lĩnh vực.