Nguy cơ nhiễm bệnh luôn rình rập
TP.HCM vẫn đang bước vào giai đoạn căng mình phòng chống dịch bệnh Covid-19 bùng phát với diễn biến phức tạp. Để góp phần chống dịch thành công đòi hỏi phải có sự phối hợp ăn ý, đồng lòng, chung tay của cả một hệ thống.
Trong thời điểm bùng dịch, bệnh viện dã chiến tăng số bệnh nhân, nhiều khu cách ly, phong toả được lập ra, đồng nghĩa với việc lượng rác thải y tế tại cũng tăng đột biến.
Xe tải vào thu gom rác tại bệnh viện dã chiến Củ Chi
Để đảm bảo môi trường an toàn cho công tác chống dịch không thể không nhắc để những công nhân môi trường ngày đêm âm thầm, lặng lẽ thu gom rác thải y tế từ các bệnh viện, khu cách ly, phong toả. Họ được ví như những "chiến binh thầm lặng" nơi tuyến cuối trong hệ thống phòng chống dịch.
Những ngày qua chúng tôi có cơ hội theo chân những người công nhân của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP.HCM đi thu gom rác thải y tế tại bệnh viện dã chiến Củ Chi. Một xe tải thu gom rác thải y tế sẽ gồm 3 người với trang phục bảo hộ đầy đủ như những nhân viên y tế.
Mỗi ngày đội công nhân vệ sinh môi trường sẽ di chuyển đến nhiều địa điểm để thu gom rác thải y tế.
Phun thuốc khử khuẩn toàn bộ xe tải trước khi mang những thùng rác tại bệnh viện dã chiến lên xe
Chỉ một buổi theo chân họ nhưng chúng tôi đã cảm nhận được sự vất vả và nguy hiểm, nguy cơ nhiễm bệnh luôn rình rập với những "chiến binh thầm lặng".
Mùi hôi thối từ rác thải luôn xộc mũi chúng tôi qua 2 lớp khẩu trang y tế khi chúng tôi cùng 3 công nhân vào bệnh viện dã chiến Củ Chi thu gom rác.
Trước khi đưa những thùng rác thải lên xe tải, 2 nhân viên cùng xuống lấy bình xịt khuẩn để khử khuẩn toàn bộ xe tải. Mọi công đoạn đều phải có quy trình bài bản hạn chế tối đa những thiếu sót để giảm nguy cơ nhiễm bệnh.
Nhân viên ghi nhật ký thu gom rác mỗi ngày
Ở bệnh viện dã chiến, các loại rác thu gom chủ yếu là dụng cụ vệ sinh cá nhân, khăn, giấy, khẩu trang…
Nhân viên vệ sinh bọc bao nilon chuyên dùng bọc vào thùng để đựng rác
Sau khi khử khuẩn xong, hai nhân viên vào thu gom rác đã để sẵn trong thùng, nhưng trước khi mang đi phải kiểm tra kỹ phần nắp để đảm bảo không bị rơi vãi ra bên ngoài. Nhân viên còn lại sẽ ghi thông tin vào nhật ký thu gom rác thải.
Ở bệnh viện dã chiến, các loại rác thu gom chủ yếu là dụng cụ vệ sinh cá nhân, khăn, giấy, khẩu trang… và tất cả những loại rác thải y tế này đều có nguy cơ lây nhiễm Covid -19 cao, nên các quy trình làm việc phải bài bản, chặt chẽ, nhanh gọn, thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch.
Quy trình xử lý rác nghiêm ngặt
Mỗi thùng rác 240 lít được các công nhân dùng băng kéo dính chặt miệng. Được biết lượng rác trong thùng không được quá 3/4 dung tích thùng để tránh tình trạng rơi vãi ra bên ngoài.
Tài xế Phong đã có gần 15 năm gắn bó với nghề chia sẻ: "Nghề này tuy nguy hiểm nhưng nghề chọn mình mà, làm nhiều cũng quen. Mọi hoạt động, ăn uống... hầu hết đều diễn ra trong một cabin xe tải nhỏ, tôi hạn chế tiếp xúc với nhiều người vì chẳng biết mình nhiễm bệnh hay không, nên cần đảm bảo an toàn cho mọi người".
Anh Phong chia sẻ về công việc thu gom rác y tế tại bệnh viện dã chiến, khu cách ly
Theo anh Phong, hằng ngày anh đều dậy sớm lái xe đi hơn 200km khắp TP.HCM để thu gom rác tại các khu cách ly, bệnh viện điều trị bệnh nhân mắc Covid-19.
Chia sẻ về công việc thu gom rác thải y tế, anh Phong cũng cho hay, mọi hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải lây nhiễm được công ty thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt, đảm bảo an toàn cho công nhân, không để dịch bệnh lây lan ra ngoài.
Chỉ hơn 10 phút, anh Phong cùng 2 nhân viên đã thu gom 20 thùng rác chất lên xe tải. Sau đó xe tải sau đó được nhóm nhân viên phun khử khuẩn. Để tránh nguy cơ lây nhiễm, cả nhóm thay bộ đồ bảo hộ trước khi rời khỏi bãi tập kết rác, vận chuyển về nơi xử lý tại bãi rác Đông Thạnh, huyện Hóc Môn.
Xe tải thu gom rác tại bệnh viện dã chiến về khu xử lý rác Đông Thạnh
Lúc này công nhân sẽ tiến hành phun khử khuẩn một lần nữa trước khi mang các thùng rác xuống xử lý
Giữa trời nắng nóng, trong cabin xe tải, 3 công nhân vệ sinh môi trường với bộ đồ "phi hành gia" gần như toát mồ hôi nhưng vẫn cố gắng hoàn thành thành công việc mà không chút thở dài nào.
Về đến khu vực xử lý rác Đông Thạnh và đây cũng là nơi ở ăn ngủ anh Phong cùng 5 đồng nghiệp khác. Những công nhân ở đây chọn nơi xử lý rác là nơi sinh sống vì đặc thù công việc.
Rác được gom lại một chỗ chờ xử lý
Nơi đây cũng nơi sinh sống của các công nhân thu gom rác thải y tế. Họ làm việc thầm lặng nơi tuyến cuối, góp một phần không nhỏ trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19
Tuy nhiên dù quen thuộc với mùi hôi, nhưng cũng có đôi lúc sức chịu đựng của con người đến giới hạn. Không ít lần các đồng nghiệp của anh Phong bị ngất xỉu do làm việc cả ngày với bộ đồ "phi hành gia", cùng với nhiệt độ khu vực lò đốt rác lúc nào cũng trên 50 độ C.
Đó là chưa kể sức nóng bên trong lò đốt 1.000 độ C tỏa ra trong khi công nhân chỉ đứng cách lò đốt vài mét, cùng với việc họ phải thường xuyên tiếp xúc môi trường toàn mùi dung dịch sát khuẩn nên nếu người nào không bị ngất thì bị choáng.
Các công nhân cho biết, rác thải y tế được xử lý qua 2 lần phun xịt khử khuẩn, sau đó xử lý bằng công nghệ đốt nhiệt độ cao với công suất 21 tấn mỗi lần bằng lò quay sử dụng nhiên liệu gas.
Tro thải sau khi đốt phải hoá rắn, chôn lấp tại nơi dành riêng cho chất thải nguy hại.
Kết thúc buổi làm việc, các công nhân tranh thủ nghỉ ngơi rồi tiếp tục đến những khu cách ly để thu gom rác. Công việc của những "chiến binh thầm lặng" nơi tuyến cuối cứ thế diễn ra đến đến khi nào hết dịch mới hết sự vất vả, nguy hiểm.
TỨ QUÝ
DOANH NGHIỆP VÀ TIẾP THỊ