Ngay sau quyết định thanh tra hành chính của Bộ trưởng Bộ Tài chính đối với Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE), thị trường chứng khoán (TTCK) đồng loạt hồi phục và tăng mạnh trên cả 3 sàn HoSE, HNX và UpCoM trong phiên giao dịch cuối tuần.
Xử lý dứt điểm trục trặc
Nhiều nhà đầu tư bày tỏ quan điểm ủng hộ việc thanh tra này, đặc biệt là làm rõ về tính minh bạch trong việc hệ thống nghẽn lệnh và việc không được hủy, sửa lệnh làm cho họ bị thiệt hại nặng khi thị trường đảo chiều, giảm mạnh… "Quyết định thanh tra lúc này phần nào xoa dịu sự phẫn nộ của nhà đầu tư. Nhưng quan trọng hơn là kết luận thanh tra và giải pháp xử lý sau đó như thế nào để nhà đầu tư yên tâm, bởi chứng khoán là kênh huy động vốn rất tốt của doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế trong nước" - anh Hùng, một nhà đầu tư trên TTCK, góp ý.
Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển nhận định trong suốt 2 tháng qua, thị trường trục trặc nghiêm trọng không thấy Ủy ban Chứng khoán nhà nước lên tiếng hoặc thông tin về giải pháp, hướng xử lý cụ thể. Do đó, ngoài quyết định thanh tra hành chính của Bộ Tài chính đối với HoSE, nhà đầu tư, thị trường cũng cần Ủy ban Chứng khoán nhà nước làm rõ về phần mềm quản lý đầu tư, giao dịch tại HoSE như thế nào? Việc giám sát, quản lý của cơ quan này thời gian qua ra sao? Hướng khắc phục cụ thể trong thời gian tới?...
Thị trường chứng khoán phục hồi và tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 11-6 Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ông Lê Quang Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Mirae Asset, cho rằng hiện P/E (hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) của TTCK Việt Nam khoảng 18 lần, bằng khoảng 2/3 so với nhiều thị trường khác trong khu vực như Thái Lan, Malaysia… Tiềm năng của TTCK Việt Nam trong trung dài hạn là rất lớn. Dù không còn rẻ nhưng vẫn là thị trường hấp dẫn. Tuy nhiên, những trục trặc liên quan đến hệ thống giao dịch đang là một trong những rào cản đối với sự phát triển của thị trường nên cần sớm giải quyết.
"Để thị trường phát triển bền vững cần tầm nhìn của cơ quan quản lý, mà ở đây là khả năng phân tích, dự báo về xu hướng phát triển từ sự bùng nổ về tài khoản nhà đầu tư cá nhân mới, kỷ lục thanh khoản, kỷ lục giao dịch… Từ đó, đưa ra lộ trình về giải pháp phù hợp nhất, đáp ứng nhu cầu giao dịch của nhà đầu tư" - ông Lê Quang Minh đề xuất.
TS Hồ Quốc Tuấn, giảng viên Đại học Bristol (Anh), cho rằng ở các thị trường lớn và lâu đời như Anh, Mỹ…, các nhà đầu tư bị tổn thất có thể kiện các đơn vị cung cấp dịch vụ trực tiếp của mình là công ty chứng khoán (đối tác ký hợp đồng trung gian giao dịch giúp nhà đầu tư). Còn sau đó, công ty chứng khoán có thể kiện tổ chức thực sự gây tổn thất cho họ và nhà đầu tư. "Nhưng đó là ở các thị trường khác, các bên đều ký hợp đồng cung cấp dịch vụ rõ ràng, ai là khách hàng của ai, cam kết dịch vụ gì.
Ở Việt Nam, những ràng buộc và điều khoản giữa nhà đầu tư với công ty chứng khoán, cũng như giữa công ty chứng khoán và HoSE chưa rõ ràng nên vấn đề kiện tụng cũng không dễ. Nhưng điều đó không có nghĩa là mọi thứ có thể rơi vào im lặng" - TS Hồ Quốc Tuấn đặt vấn đề.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ hơn
Để TTCK phát triển lành mạnh, là kênh hỗ trợ vốn tích cực cho cả nền kinh tế, TS Hồ Quốc Tuấn nhận định có 2 vấn đề có thể thấy rõ ở Việt Nam. Thứ nhất là phải đổi mới công nghệ để thu hút nhiều nhà đầu tư. Không ai muốn tham gia vào một thị trường mà tính năng cơ bản là "đơ" mỗi khi thanh khoản cao.
Thứ hai là phải thay đổi tư duy "vắt sữa" cạn kiệt nhà đầu tư. Khi có nhiều vấn đề về quản trị hệ thống, bất cân xứng thông tin, nhà đầu tư phải chịu nhiều rủi ro mà vẫn đóng nhiều loại thuế, phí… là không công bằng. "Nhà nước phải làm sao để người dân có thể yên tâm xem chứng khoán là một kênh đầu tư dài hạn nhằm chuẩn bị cho tuổi về hưu hay tích lũy thu nhập. Khi đó, TTCK mới thực sự là một kênh dẫn vốn hiệu quả bên cạnh ngân hàng" - TS Hồ Quốc Tuấn nói.
Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho rằng trong cả tiến trình phát triển của TTCK Việt Nam, tốc độ tăng trưởng không hẳn là quá nóng. Trong 10 năm qua, thị trường có thăng có giáng, có biến động nhưng không quá bất thường. Sức nóng và bất thường được coi là xuất hiện từ hơn một năm nay dưới tác động của dịch Covid-19 làm đảo lộn nhiều hoạt động kinh tế, xã hội và khiến nhiều người tìm đến kênh đầu tư mới.
Nhưng dù nóng, điều mà thị trường và sàn cần làm quen với những biến động này để có phản ứng phù hợp, song song với việc cải thiện hạ tầng, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong quá trình họ tìm kiếm một kênh đầu tư giữa bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước đều biến động bất định, khó lường. "TTCK Việt Nam còn quá nhỏ bé để thúc đẩy kinh tế phát triển. Do vậy, các cơ quan quản lý cần xem xét và đưa ra giải pháp để thị trường phát triển lành mạnh, trở thành kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế" - TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng để TTCK phát triển lành mạnh, tiếp tục thu hút dòng vốn bền vững, bản thân DN niêm yết trên sàn phải làm ăn tốt, công bố thông tin minh bạch, rõ ràng với nhà đầu tư. Bởi xu hướng thời gian qua, dòng vốn trên thị trường đã dịch chuyển từ những cổ phiếu đầu cơ, cổ phiếu của DN làm ăn thua lỗ… sang cổ phiếu của những DN tốt, doanh thu ngàn tỉ.
Trong đợt sóng vừa qua, hầu hết những cổ phiếu tăng giá mạnh nhất đều thuộc các nhóm ngân hàng, chứng khoán, thép… có kết quả kinh doanh ấn tượng. "Bản thân các công ty chứng khoán cũng cần chuyên nghiệp hơn để tạo niềm tin cho nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư mới tham gia thị trường, giúp chứng khoán thành kênh đầu tư dài hạn" - một chuyên gia kinh tế nói.
Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực nhận định để TTCK tăng trưởng bền vững hơn cần có sự đồng bộ của nhiều giải pháp, trong đó gồm nỗ lực nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi, hiện đại hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Đồng thời, mở rộng room (tỉ lệ sở hữu) cho khối ngoại tạo điều kiện cho thị trường tăng trưởng trong tương lai. Luật Chứng khoán vừa sửa đổi có hiệu lực với những quy định tăng tính minh bạch, theo thông lệ quốc tế, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa định chế (bao gồm cả quỹ đầu tư bất động sản)... cũng được kỳ vọng góp phần giúp thị trường phát triển.
VAFI kiến nghị nhiều nội dung thanh tra
Ngày 11-6, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã có văn bản gửi tới Bộ Tài chính và Thanh tra Bộ Tài chính đề xuất một số nội dung thanh tra HoSE. Trong đó, nhấn mạnh nội dung thanh tra về các dự án công nghệ thông tin của HoSE. Cụ thể, VAFI kiến nghị thanh tra cần làm rõ nguyên nhân tại sao đã qua 20 năm vận hành phần mềm giao dịch do Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan cung cấp mà sàn HoSE không thể làm chủ công nghệ vận hành? Theo VAFI, các Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan hay Hàn Quốc không thể tự bản thân họ làm ra phần mềm giao dịch ban đầu mà họ phải mua công nghệ từ các công ty chuyên làm phần mềm, sau đó nhanh chóng làm chủ công nghệ vận hành và tiến tới bán phần mềm mà họ sở hữu cho các đối tác nhỏ khác như HoSE. "Việt Nam là một cường quốc về công nghệ thông tin (IT) nhưng vì sao mỗi lần gặp trục trặc là HoSE lại khẩn cấp mời chuyên gia Sở Giao dịch Thái Lan sang giải quyết?" - VAFI đặt nghi vấn.
Đối với dự án làm phần mềm giao dịch mới được cung cấp bởi Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc, VAFI kiến nghị thanh tra làm rõ lý do dự án được khởi động từ năm 2012 nhưng đã 10 năm rồi dự án vẫn chưa hoàn thành. Thanh tra cũng nên tìm hiểu giá trị dự án có tăng lên so với ban đầu, nguyên nhân làm cho giá trị dự án tăng lên (nếu có)?
Một vấn đề nữa là tại sao không chọn những nhà thầu hàng đầu Việt Nam để sau này nếu có sự cố sẽ nhanh chóng được giải quyết mà không lệ thuộc vào chuyên gia nước ngoài? "Cần phải biết rằng Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc, Thái Lan không phải là các doanh nghiệp chuyên về công nghệ thông tin, họ có mảng IT và có chuyên gia IT giỏi nhưng nhiệm vụ hàng đầu của bộ phận IT này là bảo đảm cho hệ thống của họ hoạt động trơn tru, thông suốt và sau cùng khi có thời gian thì họ mới làm các công việc phụ khác. Bài học rút ra là khi mua công nghệ phần mềm giao dịch nước ngoài thì bộ phận IT sàn HoSE hay nhà thầu quản lý hệ thống phải làm chủ được công nghệ vận hành, phải biết sửa chữa các lỗi phát sinh" - VAFI nêu ý kiến.
S.Nhung
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 10-6