Các chuyên gia kinh tế nhận định, tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm có thể đạt mức từ 6,5-7%. Công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục dẫn đầu.
Tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm từ 6-6,5%
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế (Moody’s, S&P và Fitch) đồng loạt nâng điểm triển vọng lên tích cực. Đây là tín hiệu tích cực cho tăng trưởng kinh tế năm 2021.
Trao đổi với PV Lao Động, chuyên gia kinh tế cấp cao - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) bày tỏ lạc quan: Căn cứ mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2021, có thể lạc quan GDP 6 tháng cuối năm 2021 đạt mức tăng trưởng trên 7%.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng đưa ra những lý giải để minh chứng cho khả năng tăng trưởng kinh tế mức 7% của nửa còn lại năm 2021, đó là, nền kinh tế thế giới đang hồi phục tốt, các nước dần mở cửa trở lại.
Mỹ, Trung Quốc, EU đang tăng trưởng. “Cầu tín dụng thế giới tăng sẽ là cơ hội cho xuất khẩu của Việt Nam. Hiện tại, tăng trưởng Mỹ rất lạc quan. Xuất khẩu Việt Nam vào Mỹ đang tăng mạnh” – PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Tại Việt Nam, mặc dù làn sóng thứ tư của dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng đến thời điểm này dịch bệnh đang dần được kiểm soát tốt hơn. Sản xuất trong nước cũng đạt mức tăng trưởng khả quan, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng mạnh, hiện đang dần tăng trên 10% và có thể đạt mức 17-18% trong các tháng cuối năm.
Dự báo các tháng cuối năm, tăng trưởng GDP nông nghiệp cũng ở mức tăng trên 3%.
“Điểm lạc quan là khoảng 86% doanh nghiệp công nghiệp, chế tạo có hợp đồng và tin sản xuất, kinh doanh sẽ ổn định và tốt hơn, chỉ 14% có thể còn gặp khó khăn hơn trong tìm kiếm hợp đồng, khách hàng và sản xuất, kinh doanh” – ông Đinh Trọng Thịnh phân tích thêm.
Theo Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp của Việt Nam tiếp tục mở rộng trong tháng 5 năm 2021 với mức tăng 1,6% so với tháng trước và 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp tình hình phức tạp của đại dịch trên khắp cả nước.
Tại báo cáo mới công bố của Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), VDSC dự báo tăng trưởng GDP quý II/2021 đạt 7,2%; tăng trưởng GFDP cả năm ở mức 6,5%.
Ở góc nhìn của mình, TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) tỏ ra thận trọng hơn, cho rằng tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam sẽ ở mức 6%.
“Tăng trưởng kinh tế năm 2021 phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, khả năng vẫn đạt được tăng trưởng trên 6% cho cả năm, vì chỉ phải so với nền thấp của năm ngoái” – TS Nguyễn Đức Độ nhận định.
"Vượt bão" COVID-19 để hoàn thành mục tiêu
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân và giữ cho dịch bệnh không lây lan vào các doanh nghiệp, các khu công nghiệp. Đẩy mạnh tiêm chủng và giữ cho dịch không bùng phát là nhân tố quan trọng để tăng trưởng, bởi dịch bệnh bùng phát, thu nhập hạn chế, điều kiện kinh tế giảm sút sẽ là những tác động lâu dài đối với đời sống, hành vi của người tiêu dùng.
“Ngày càng nhiều người tiêu dùng trở nên dè dặt và thận trọng hơn trong lựa chọn hàng hóa. Các sản phẩm thiết yếu, bảo vệ sức khỏe sẽ là những ưu tiên trong đời sống. Các doanh nghiệp nên tận dụng xu hướng này" – PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu ý kiến.
Theo các chuyên gia kinh tế, một trong những thói quen thay đổi cách sống và doanh nghiệp cần thích ứng là ứng dụng công nghệ số trong tiếp cận sản phẩm và tiêu dùng hàng hoá.
Doanh nghiệp cần tiếp tục số hoá và việc quảng cáo, tiếp thị cần rõ ràng, cụ thể, ngắn gọn, thực chất và đúng thực tế. Kinh tế số sẽ giúp người tiêu dùng và doanh nghiệp gần nhau hơn, tiết kiệm thời gian và chi phí, giúp nền kinh tế phục hồi trong đổi mới với chất lượng cao hơn.
Xem thêm: odl.645919-7-6-ut-gnor-od-neib-o-man-iouc-gnaht-6-pdg-gnourt-gnat-oab-ud/et-hnik/nv.gnodoal