Gian thờ các họa sĩ - liệt sĩ tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM - Ảnh: L.ĐIỀN
Gian thờ với tấm bia chất liệu đá hoa cương được bố trí tại tầng 2 tòa nhà 2 của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Có thể nói đây là không gian độc đáo trong tổng thể khuôn viên của bảo tàng mỹ thuật, được dành để ghi danh đầy đủ tên 61 nghệ sĩ đã bỏ mình trong bom đạn chiến tranh.
Trên bia, ngoài họ tên và quê quán từng người, còn có cả năm sinh và thời điểm hi sinh của từng người. Vẫn còn một vài chỗ trống, đó là thông tin chưa được cập nhật tính cho đến thời điểm lập bia.
Ý tưởng bia thờ có trước cả bảo tàng mỹ thuật
Trong ký ức họa sĩ Trang Phượng, sau ngày thống nhất đất nước, những họa sĩ xuất thân từ chiến sĩ, từng sinh hoạt tại B11 (mật danh của Phòng Hội họa giải phóng) đều nghĩ ngay đến những bạn bè đồng nghiệp đã hy sinh không kịp thấy ngày hòa bình.
Một thế hệ họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà nghiên cứu đã đem cả kiến thức chuyên môn mình học được từ trường nghệ thuật lao vào chiến tranh để sáng tác và làm nên các tác phẩm bất kể điều kiện khắc nghiệt của chiến trường Nam Bộ lúc bấy giờ.
Trong lần gặp mặt kỷ niệm Phòng Hội họa giải phóng mới đây, họa sĩ Trang Phượng nhắc lại con số 61 họa sĩ đã hy sinh trong chiến tranh. "Tôi chưa thấy cuộc chiến tranh ở đất nước nào mà có số họa sĩ hy sinh nhiều như vậy", họa sĩ Trang Phượng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Trang Phượng, ý tưởng về việc lập một bia tưởng niệm dành cho các họa sĩ đã hy sinh hình thành trong ông và một số đồng nghiệp ngay khi TP.HCM còn chưa có bảo tàng mỹ thuật.
"Khi đó tôi bán được 1 bức tranh giá 4 cây vàng, tôi dành ra 1 cây để làm bia. Chúng tôi gửi thư cho các tỉnh thành từ Trị Thiên - Huế vào đến trong Nam đề nghị họ thống kê các họa sĩ, nhà điêu khắc đã hy sinh. Nên con số 61 người này là từ thực tế thống kê của các tỉnh thành", ông Trang Phượng cho biết.
Và thời điểm đó là đầu thập niên 1980, khi nước nhà vừa thống nhất được mấy năm. Trong số này chỉ có 1 người quê ở miền Tây Nam Bộ là hy sinh trong thời kỳ chống Pháp, còn 60 liệt sĩ hy sinh trong thời kỳ chống Mỹ.
Dù vậy, hiện nay trên bia vẫn còn 2 cái tên ghi quê quán ở Hà Nội, nhưng ông Trang Phượng khẳng định việc gửi thư để nắm con số liệt sĩ - họa sĩ các ông chỉ làm được từ Trị Thiên - Huế trở vào.
Nhưng xúc động hơn chính là còn nhiều ô trống trên bia ở mục quê quán. Điều này cho thấy có nhiều họa sĩ - liệt sĩ khi ngã xuống trên chiến trường, đồng đội/ đồng nghiệp chỉ kịp ghi tên và ngày tháng hy sinh chứ không kịp biết quê quán ở đâu.
Kết nối nghĩa tình
Từ những ngày đầu thành lập Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM năm 1987, họa sĩ Trang Phượng trong vai trò kết nối đồng đội cũ đã dành một không gian nho nhỏ trong bảo tàng để dựng tấm bia khắc tên họa sĩ - liệt sĩ, trên bục có bát hương, và hằng năm đến Ngày thương binh liệt sĩ hoặc các ngày lễ, các sự kiện có liên quan đến những họa sĩ B11, nhân viên bảo tàng đều dâng hoa và thắp hương tưởng niệm.
Như vậy, tính năm ra đời Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM từ 1987, đến nay đã tròn 34 năm, cũng ngần ấy thời gian tấm bia tưởng niệm và ban thờ các họa sĩ - liệt sĩ được duy trì tại bảo tàng.
Ông Trần Thanh Bình - giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM - cho rằng không gian tưởng niệm cùng với bia khắc tên các họa sĩ đã hy sinh là một nét độc đáo của bảo tàng - vừa gợi nhớ một đặc điểm riêng biệt trong lịch sử hội họa của Việt Nam do hoàn cảnh chiến tranh của chúng ta, vừa phản ánh sự kết nối nghĩa tình giữa những người được sáng tác trong không khí hòa bình với những đồng nghiệp không có được may mắn ấy.
Một nén hương để tưởng nhớ đồng đội, khái quát cả một tâm thức nghĩa tình của người thành phố hôm nay.
TTO - Với chất liệu màu nước, sơn dầu, sơn mài, gốm, lụa...; 22 nghệ sĩ Hà Nội và TP.HCM cùng "phiêu" ở triển lãm mang tên Phiêu đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.