Những lo ngại ngày càng lớn về “sức khỏe” của China Evergrande Group, tập đoàn bất động sản hàng đầu tại trung Quốc, do ông Hui Ka Yan thành lập đã kéo giá cổ phiếu xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020. Các trái chủ cũng đang ráo riết rút tiền vì lo sợ tập đoàn này không thể trả nợ của các công ty con, chưa kể có thông tin cho rằng cơ quan quản lý đang điều tra mối quan hệ của Evergrande với một ngân hàng ít người biết tới ở miền bắc Trung Quốc.
Đây là một bước ngoặt kịch tính khác đối với nhà tài phiệt Trung Quốc vốn đã trải qua nhiều thăng trầm vô cùng khắc nghiệt. Khối tài sản ròng của ông Hui giảm khoảng 1/3 xuống còn 19 tỷ USD từ sau khi Evergrande đạt được thỏa thuận với các nhà đầu tư nhằm ngăn chặn khủng hoảng tiền mặt vào tháng 9/2020. So với mức đỉnh được ghi nhận vào năm ngoái, tài sản của vị tỷ phú này đã giảm hơn một nửa, theo số liệu của Bloomberg Billionaires Index.
Tỷ phú Hui Ka Yan. Ảnh: Bloomberg.
Đợt khủng hoảng này của Evergrande có khả năng lan rộng hơn. Với khoản nợ 1.950 tỷ nhân dân tệ (305 tỷ USD), bao gồm số trái phiếu được định giá bằng đồng USD đang nằm trong danh mục của các nhà đầu tư từ Hong Kong (Trung Quốc) tới London và New York, Evergrande hiện là tập đoàn bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới và là một trong những công ty vay nợ quan trọng nhất ở Trung Quốc.
Nếu ông Hui không thể khôi phục lại niềm tin của nhà đầu tư, một cuộc khủng hoảng thanh khoản sẽ càn quét hệ thống tài chính của Trung Quốc, thậm chí hơn cả thế. Rủi ro này lớn tới mức cơ quan quản lý Trung Quốc gần đây phải nói với giới nhà băng thực hiện một cuộc kiểm tra sức khỏe mới nhằm đánh giá mức độ ảnh hưởng của Evergrande tới họ.
“Nếu tập đoàn này gặp vấn đề, rõ ràng nó sẽ tác động lớn đến thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế Trung Quốc nói chung. Không chỉ các ngân hàng cho Evergrande vay tiền phải đối mặt với rủi ro tài chính lớn, mà nhiều lĩnh vực khác của kinh tế Trung Quốc cũng sẽ chịu ảnh hưởng dây chuyền bởi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới gắn bó rất chặt chẽ với lĩnh vực bất động sản”, Lan Deng, giáo sư tại Đại học Michigan, nhận định.
Giá cổ phiếu của Evergrande gần như đi ngang khi thị trường chứng khoán Hong Kong mở phiên ngày 11/6. Giá trái phiếu USD đáo hạn vào tháng 6/2025 của tập đoàn này cũng đi ngang.
Giá cổ phiếu của một số mảng kinh doanh chính của Evergrande giảm liên tục từ đầu năm 2021. Ảnh: Bloomberg. |
Trên thực tế, ông Hui vẫn có một số lựa chọn để có thể giúp Evergrande có chỗ dựa tài chính vững chắc hơn.
Tập đoàn này đã huy động được hàng tỷ USD trong vài tháng gần đây thông qua việc bán vốn cổ phần tại quỹ quản lý tài sản và công ty sản xuất xe điện của tập đoàn. Mặc dù chưa bán được chiếc xe nào, song công ty sản xuất xe điện của Evergrande lại được định giá cao hơn cả Nissan Motor. Ngoài ra, tập đoàn này cũng có một số công ty con khác có thể thực hiện niêm yết trong thời gian tới như công ty sản xuất nước đóng chai và nền tảng bán nhà – xe trực tuyến.
Evergrande cũng đang hưởng lợi từ sự phát triển của thị trường bất động sản Trung Quốc, theo Maggie Hu, giáo sư về tài chính bất động sản tại Đại học Hong Kong Trung Quốc. Tập đoàn này ghi nhận có khoản tiền mặt gần 52 tỷ nhân dân tệ trong tháng 5 nhờ doanh thu hợp đồng tăng 6%. Hơn nữa, Evergrande có thể có thêm nhiều tiền mặt hơn bằng cách giảm tốc độ mua lại đất đại cũng như bán bớt một số bất động sản đầu tư và du lịch, giám đốc Edwin Fan của Fitch Ratings cho hay.
Số phận của Evergrande có lẽ phụ thuộc lớn vào việc chính quyền Trung Quốc có cho phép ngân hàng tiếp tục rót vốn cho họ hay không. Theo chuyên gia phân tích Kristy Hung của Bloomberg Intelligence, 81% nợ đáo hạn trong năm 2021 của tập đoàn này là dưới dạng vay vốn ngân hàng.
Thạch Lam
NDH