“Tính đến hết tháng 5-2021, tỉnh Đồng Tháp có 18.679 người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, tăng 10.494 người so với cùng kỳ năm 2020…”.
Bà Huỳnh Nguyễn Phương Oanh, Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Tháp cho biết như trên về công tác tuyên truyền người dân tham gia bảo hiểm tự nguyện.
Tuyên truyền nhóm nhỏ, hiệu quả cao
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngay từ đầu năm 2021, BHXH tỉnh Đồng Tháp đã chủ động triển khai đa dạng nhiều giải pháp vận động người dân tham gia bảo hiểm tự nguyện. Đặc biệt là giải pháp mô hình truyền thông trực tiếp theo nhóm nhỏ.
Theo đó, các nhân viên ngành bảo hiểm, bưu điện lập nhóm 3-4 người, đều đặn duy trì ngày nghỉ hằng tuần “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, tư vấn chính sách BHXH tự nguyện cho người dân. Từ sự kiên trì “mưa dầm thấm lâu, đi sâu, tư vấn sát” của những nhóm vận động này mà nhiều người dân đã hiểu và đăng ký tham gia bảo hiểm tự nguyện.
Nhân viên ngành bảo hiểm tuyên truyền người dân tham gia bảo hiểm tự nguyện. Ảnh: T.HƯƠNG
Là một trong những đơn vị tiên phong triển khai mô hình trên, ông Tăng Phước Long, Giám đốc BHXH TP Sa Đéc, cho biết sau nhiều lần trăn trở, bàn mô hình tối ưu để tuyên truyền trong tình hình dịch, đơn vị đã mạnh dạn đề xuất thành lập mô hình “truyền thông nhóm nhỏ”. Trong đó nhân viên bưu điện làm trưởng nhóm trực tiếp đến từng nhà để tư vấn, vận động người dân.
Hằng tuần, trưởng nhóm sẽ thông tin cho các thành viên ngày, giờ, địa điểm vận động. Nhân viên đại lý thu BHXH sẽ chịu trách nhiệm tổng hợp và thông báo số người tham gia trong tuần cho nhóm. Bên cạnh đó, lãnh đạo BHXH và bưu điện còn trực tiếp tham gia giám sát hoặc đi cùng nhóm để nắm tình hình, qua đó vừa rút kinh nghiệm, vừa động viên khen thưởng kịp thời những nhóm vận động được nhiều người tham gia.
Kết quả, 5 tháng đầu năm 2021, toàn TP Sa Đéc đã vận động được 280 người tham gia BHXH tự nguyện (bình quân 56 người/tháng). Trong đó, có những đợt cao điểm của tháng 5-2021, chỉ trong ngày thứ bảy hoặc chủ nhật các nhóm đã trực tiếp đi vận động được 41 người tham gia BHXH tự nguyện.
Chị Huỳnh Thị Thảo (khóm Tân Mỹ, phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc) cũng như nhiều người dân Sa Đéc rất phấn khởi khi được nhân viên đại lý thu BHXH đến tư vấn chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình trực tiếp tại nhà. Ngay sau khi được tư vấn, chị đã đăng ký tham gia BHXH tự nguyện cho mình, sau đó đăng ký thêm cho con gái.
“Hàng tháng tôi chỉ cần dành dụm một khoản tiền nhỏ để tham gia BHXH tự nguyện, sau này khi hết tuổi lao động tôi cũng có lương hưu, không phải lo vướng bận tới con cháu, lại có thêm tấm thẻ BHYT khi nghỉ hưu để yên tâm vì được chăm sóc sức khỏe lúc già. Rất hữu ích” - chị Thảo chia sẻ.
Hiểu được lợi ích thiết thực khi tham gia BHXH tự nguyện, chị Thảo còn tích cực tuyên truyền với người thân, bà con hàng xóm để ngày càng có nhiều người tham gia BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu và chăm sóc sức khỏe khi về già.
Đi từng nhà, gặp từng người
Từ hiệu quả của BHXH TP Sa Đéc, mô hình truyền thông nhóm nhỏ hiện đã được nhân rộng ra toàn tỉnh. Trong đó, xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh cũng là một trong những địa phương nổi bật trong áp dụng mô hình này.
Ông Đoàn Văn Đông, Giám đốc BHXH huyện Cao Lãnh, cho biết ở huyện Cao Lãnh, nói về lợi thế trong công tác phát triển người tham gia thì không thể không nhắc đến sự nhiệt huyết của những người làm công tác tuyên truyền. Đây là yếu tố đóng vai trò quyết định cho sự thành công trong việc đem chính sách BHXH tự nguyện đến với người dân.
Từng nhóm nhân viên bảo hiểm đi vận động người dân tham gia bảo hiểm. Ảnh: T. THƯ
Thực tế cho thấy năm 2020, huyện Cao Lãnh nói chung và xã Gáo Giồng nói riêng đã phát huy rất tốt vai trò của người làm công tác tuyên truyền. Bằng chứng là đến ngày 3-6, huyện Cao Lãnh có 2.921 tham gia BHXH tự nguyện, đạt 87,59% kế hoạch.
Chị Lê Thị Như Trúc, nhân viên đại lý thu BHXH, được biết đến là người hăng say nhất và nắm vững chính sách BHXH tự nguyện. Nhờ vậy từ năm 2020 đến nay, chị Trúc đã vận động được 146 người trên địa bàn tham gia BHXH tự nguyện.
Dưới cái nắng chói chang của miệt đồng, chị Trúc vẫn không quản ngại lặn lội vào những khu dân cư xa trung tâm xã để đưa chính sách BHXH tự nguyện tới bà con.
Lau nhanh những giọt mồ hôi, chị Trúc trải lòng: “Có khi để vận động một người tham gia, tôi phải đi hàng chục lần, ngồi mấy tiếng đồng hồ để nói cho bà con hiểu hết được lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện. Dù vất vả nhưng cứ nghĩ đến việc có thể giúp bà con đảm bảo an sinh xã hội về sau thì mình lại có thêm động lực bước tiếp”.
Với chị, dù hơi cực nhưng việc đến từng hộ gia đình tiềm năng để tư vấn, tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện thật sự mang lại hiệu quả.
“Khi xác định được hộ gia đình tiềm năng thì rất dễ vận động vợ hoặc chồng tham gia. Mà khi đã có một người tham gia thì việc vận động thêm những người trong gia đình là không khó. Thực tế, tôi đã vận động được rất nhiều gia đình cả vợ và chồng đều tham gia BHXH tự nguyện trong năm 2020”- chị Trúc chia sẻ.
Tuyên truyền đúng đối tượng Để mô hình này phát huy hiệu quả, theo bà Huỳnh Nguyễn Phương Oanh, trước hết phải có sự rà soát kỹ số lượng người có tiềm năng về kinh tế. Từ đó đưa ra hình thức tư vấn phù hợp về phương thức và thời gian đóng BHXH tự nguyện cho người dân. “Nếu như ở các khu vực thành thị, bà con được tư vấn có thể tích cóp hằng ngày để tham gia theo tháng thì ở vùng nông thôn, bà con có thể tham gia theo hình thức mùa vụ, cứ xong vụ lúa thì đóng một lần” - Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Tháp chia sẻ. |