Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Iran - Chuẩn đô đốc Habibullah Sayyari cho biết tàu khu trục Sahand và tàu Makran của hải quân Iran đã đến Đại Tây Dương, hãng thông tấn IRNA của Iran đưa tin.
Theo ông Sayyari, chuyến đi lần này đánh dấu lần đầu tiên tàu chiến hải quân Iran có thể đến Đại Tây Dương mà không cần cập cảng quốc tế nào. Ông nói thêm, các tàu đã ra khơi hơn một tháng trước từ cảng Bandar Abbas ở Iran.
Tàu khu trục Sahand được sản xuất trong nước, tàu hậu cần Makran đóng vai trò như một căn cứ hải quân di động trên biển.
Hai tàu chiến của Iran tại Đại Tây Dương. Ảnh: AP
Hình ảnh vệ tinh cho thấy một trong hai tàu chở một loại tàu nhỏ, tấn công nhanh mà Iran đã sử dụng để đối phó các tàu hải quân Mỹ ở khu vực Vịnh Ba Tư. Tuy nhiên, vào tuần trước, nhiều quan chức Mỹ cho biết rằng không rõ các tàu này có mang theo vũ khí gì hay không.
Theo CNN, tính đến thời điểm hiện tại, chính quyền Tehran vẫn chưa tiết lộ các tàu này sẽ đi đâu, nhưng chúng có thể sẽ đến Venezuela - một đối tác thương mại quan trọng với Iran nhưng bị Mỹ trừng phạt.
“Di chuyển trong vùng biển quốc tế là quyền hợp pháp của lực lượng hải quân Iran. Chúng tôi sẽ tiếp tục con đường này với toàn bộ lực lượng và sức mạnh. Hạm đội sẽ tiếp tục thực hiện sứ mệnh hải quân dài nhất của mình tới Bắc Đại Tây Dương” - chuẩn đô đốc Sayyari tuyên bố.
Theo hãng tin Drive, "tàu căn cứ tiền phương” Makran được nâng cấp từ một tàu chở dầu cỡ lớn, có kích thước và khả năng tương tự các căn cứ viễn chinh di động của Mỹ. Tàu dài 230 m, có khả năng vận hành cùng lúc từ sáu đến bảy trực thăng.
Theo đó, tàu Makran có thể thực hiện các nhiệm vụ tác chiến điện tử và tác chiến đặc biệt. Đồng thời, chiến hạm này có thể mang theo một lượng lớn tên lửa cũng như có khả năng triển khai tên lửa hành trình chống hạm phóng từ container và tên lửa phòng không tầm xa trên boong.
Trong khi đó, tàu khu trục Sahand có khả năng tránh các loại radar và có khả năng di chuyển liên tục trong vòng năm tháng mà không cần tiếp tế, theo IRNA.
Theo Drive, tàu Sahand được trang bị các tên lửa chống hạm Qader, tên lửa phòng không tầm xa Sayyad-2, hải pháo đa dụng 76 mm, súng phóng ngư lôi cùng nhiều loại súng máy và pháo tự động nhỏ hơn.
Iran đã nhiều lần nói về ý định gửi tàu chiến của hải quân đến Đại Tây Dương trong vài năm qua.
Hai tàu hải quân Iran vào Đại Tây Dương chỉ vài tuần sau khi tàu Kharg - một trong những tàu lớn nhất của hải quân Iran - bốc cháy và chìm ở Vịnh Oman hồi 2-6.