vĐồng tin tức tài chính 365

Nỗi lo giá cả tăng nhưng không đều

2021-06-13 03:14

Nỗi lo giá cả tăng nhưng không đều

Kinh tế Sài Gòn

(KTSG) - Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm tháng đầu năm 2021 chỉ tăng 1,29% so với bình quân cùng kỳ năm 2020. Nói cách khác, CPI tháng 5-2021 chỉ tăng 1,43% so với tháng 12-2020 và tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.

Tuy nhiên, tình hình giá cả trên thế giới không cho phép chúng ta lạc quan về triển vọng lạm phát trong những tháng sắp tới. Trước tiên là sự thiếu hụt nhiều loại nguyên vật liệu, linh kiện, thiết bị làm giá của chúng và giá thành phẩm tăng vọt. Có thể kể đến các loại chip sử dụng trong công nghệ lắp ráp ô tô, máy tính, điện thoại di động, hàng hóa điện tử. Ngay ở trong nước, giá thép đã tăng hơn 40% rồi giá các loại vật liệu xây dựng khác cũng tăng mạnh.

Ở nhiều nước, phương thức sản xuất tinh gọn, chỉ sản xuất đủ dùng cho chuỗi cung ứng nhằm tiết kiệm chi phí đã làm nhiều ngành trở tay không kịp khi đại dịch Covid-19 làm đứt gãy các chuỗi cung ứng này. Cung không đủ cầu, nhất là khi cầu sau dịch phục hồi mạnh, đương nhiên dẫn tới giá cả tăng vọt.

Điều đáng lo ngại là giá cả lại tăng không đồng đều. Nhìn chung, có thể nói các loại hàng nhập khẩu thì giá tăng còn các mặt hàng là thế mạnh xuất khẩu, giá lại không tăng tương ứng. Các mặt hàng xuất khẩu giá tăng lại là sản phẩm của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài - giá đầu ra tăng là do giá đầu vào tăng - nền kinh tế gia công của chúng ta không hưởng lợi gì từ sự tăng giá này. Có thể vì những lý do này mà cán cân thương mại hàng hóa đã chuyển thành nhập siêu đến 2 tỉ đô la trong tháng 5-2021; tháng 4-2021 cũng nhập siêu chừng 1,5 tỉ đô la, trong khi ba tháng đầu năm 2021 chúng ta còn xuất siêu trên 2 tỉ đô la.

Chính vì thế, chúng ta cần có chiến lược sống chung với giá tăng bởi giá hàng hóa nhập khẩu tăng không sớm thì muộn sẽ dẫn đến hàng hóa nội địa tăng theo. Trong chiến lược này cần tính đến những yếu tố rất đặc trưng của nền kinh tế. Chẳng hạn, giá cước vận tải đường biển đang tăng kỷ lục và mức tăng này có tác động lớn đến các mặt hàng xuất khẩu cồng kềnh nhưng giá trị không cao như may mặc, đồ gỗ, gạo...

Ngoài ra, đợt bùng phát dịch Covid-19 đang diễn ra cũng có khả năng tác động lên mặt bằng giá cả. Một mặt, các mặt hàng nông sản thực phẩm khó tiêu thụ thông suốt sẽ xuống giá, gây thiệt hại thêm cho nông dân. Mặt khác, việc sản xuất các mặt hàng tiêu dùng có thể bị gián đoạn, làm giá tăng trong thời gian tới. Trước mắt, ngành công thương đã có nhiều nỗ lực để ổn định giá cả hàng hóa tại các thành phố lớn, kể cả các địa phương cần tạm thời áp dụng giãn cách xã hội. Về lâu dài, dưới quy luật cung cầu, áp lực tăng giá, tuy không đồng đều giữa các mặt hàng, sẽ diễn ra.

Các nhà kinh tế ở các nước đang tranh luận xem lạm phát có bùng phát trở lại sau đại dịch, nhất là khi nhiều nước liên tục tung ra các gói tài khóa để giải cứu và kích cầu. Điều cần quan tâm ở nước ta là giá cả tăng đã và sẽ ảnh hưởng đến những người có thu nhập thấp như nông dân, người lao động ở thành thị. Giá cả, một khi tăng không đồng đều, sẽ là gánh nặng cho những người phải chi hầu hết thu nhập cho các mặt hàng thiết yếu trong khi người giàu vẫn sẽ hài lòng khi thấy giá nhà đất, giá cổ phiếu... của họ tăng đều đặn.

Xem thêm: lmth.ued-gnohk-gnuhn-gnat-ac-aig-ol-ion/551713/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Nỗi lo giá cả tăng nhưng không đều”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools