Sử dụng bao bì tự hủy, hạn chế rác thải
Bà Nguyễn Thị Tuyết Trinh, Giám đốc truyền thông và phát triển bền vững Tập đoàn L’Oréal Việt Nam, cho biết trọng lượng bao bì các sản phẩm (SP) của L’Oréal đã giảm hơn 30% và vẫn đang tiếp tục giảm; tất cả bao bì nhựa của L’Oréal đều là nhựa tái chế.
Đặc biệt, nhãn mỹ phẩm (MP) Kiehl’s dẫn đầu đi theo hướng thân thiện môi trường, không những dùng nhựa tái chế làm bao bì mà nguyên liệu SP cũng từ các nhà cung cấp chứng minh được đó là nguồn khai thác bền vững, nguồn nguyên liệu không bị cạn kiệt khi khai thác. L’Oréal triển khai nhà máy khô không thải nước ra môi trường, sản xuất theo quy trình khép kín - nước sử dụng xong được đưa vào bồn xử lý và đưa ngược lại cho sản xuất. Nước sạch chỉ dùng trong việc tạo công thức cho SP.
Không chỉ giảm trọng lượng bao bì và dùng nhựa tái chế, L’Oréal còn kết hợp cùng Công ty công nghệ Carbio đưa ra các giải pháp cho bao bì theo hướng bền vững; thay thế nhựa bằng vật liệu giấy FSC qua liên kết với Albea, tạo ra loại bao bì giấy dạng ống đầu tiên trên thế giới, giúp giảm 45% lượng nhựa từ việc sản xuất bao bì. Hai thương hiệu đang thực hiện là La Roche-Posay và Garnier.
Bà Trinh cho hay, từ năm 2021, L’Oréal thực hiện dán nhãn “lý lịch môi trường của SP” cho các dòng SP xanh. Người tiêu dùng sẽ có thể biết: SP đến từ nguồn nguyên liệu nào, nguồn nước tiết kiệm bao nhiêu, công thức ra sao... Một số nhãn hàng có vỏ hộp bằng thủy tinh có thể được tận dụng làm lọ trồng cây. Bên cạnh đó, Kiehl’s còn mời khách hàng đổi vỏ hộp MP lấy cây cảnh mini... Trong 5 năm liên tục, L’Oréal đạt CDP A List là chứng chỉ dành cho các công ty đứng đầu về phát triển bền vững theo ba tiêu chí đánh giá: bảo vệ khí hậu, quản lý nguồn nước, bảo tồn rừng.
Bà Phạm Thị Đào - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất MP Anh Đào - cũng cho biết công ty của bà luôn đi theo hướng bảo vệ môi trường, sử dụng bao bì, vỏ hộp tự hủy. Mặc dù vỏ hộp, bao bì làm từ chất liệu thân thiện môi trường có giá đắt hơn các loại bao bì, vỏ hộp thông thường khoảng 50% nhưng công ty vẫn chấp nhận đầu tư.
Theo bà Đào, trước đó, Hiệp hội MP Asian đã sang tư vấn cho DN phương thức sản xuất MP vừa đảm bảo chất lượng, vừa thân thiện môi trường. Trong quy trình sản xuất, công ty hạn chế tối đa xả chất thải, rác thải ra môi trường nhờ quy trình sản xuất khép kín - không phát sinh khói hay mùi hóa chất khó chịu ra môi trường.
Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các nhãn hiệu mỹ phẩm đi theo hướng thân thiện môi trường |
Cũng đi theo hướng bảo vệ môi trường, đại diện Công ty Amway Việt Nam cho biết, công ty sản xuất dòng SP Artistry Skin Nutrition™ kết hợp giữa công nghệ làn da tiên tiến cùng nguồn dưỡng chất thực vật hữu cơ, Artistry cam kết minh bạch tất cả thành phần nguyên liệu có trong SP và tuân thủ tiêu chuẩn MP sạch Clean Beauty.
“Các thành phần thực vật trong SP có thể truy xuất được nguồn gốc. SP đã được Hiệp hội The Vegan (The Vegan Society) chứng nhận không chứa thành phần có nguồn gốc từ động vật và không thử nghiệm trên động vật. Đồng thời, SP được cam kết không chứa hơn 1.300 thành phần trong danh sách chất cấm sử dụng trong MP của Ủy ban châu Âu. Ngoài ra, SP Artistry Skin Nutrition™ còn tự nguyện không sử dụng những thành phần có thể gây hại cho da như dầu khoáng, phthalates, chất hoạt động bề mặt sulfate, những chất bảo quản parabens, formaldehyde, CIT/MCIT... Bên cạnh đó là bao bì có thể tái chế và các chất thải ra môi trường có thể phân hủy sinh học”, đại diện Amway Việt Nam khẳng định.
Bảo vệ môi trường, phát triển bền vững
Theo xu hướng “xanh hóa MP”, những năm gần đây, nhiều thương hiệu lớn từ châu Âu, châu Á đang từng bước cải tiến ngành công nghiệp MP trở nên xanh, sạch và thân thiện với môi trường hơn.Caudalie, một hãng MP thiên nhiên của Pháp, đã trở thành thành viên tổ chức “1% dành cho trái đất”. Theo đó, Caudalie quyên góp 1% tổng doanh thu cho hoạt động bảo vệ môi trường.
Neal’s Yard ReNeal’s Yard Remedies, thương hiệu MP organic nổi tiếng từ Anh, cũng trở thành hãng MP đạt tiêu chuẩn về lượng CO2 cho phép thải ra trong sản xuất mười năm liên tiếp; góp phần lớn vào việc hạn chế tối đa sự ảnh hưởng của ngành công nghiệp MP đến môi trường, hướng đến một ngành công nghiệp xanh, sạch thân thiện với môi trường trong tương lai.
Tập đoàn L’Oréal cũng đã triển khai chương trình “Phát triển bền vững” ở tất cả các nước với cam kết cụ thể, gồm: thiết kế văn phòng theo hướng trung hòa carbon, giảm bớt lượng điện sử dụng, giảm lượng nước thải... Trong một năm qua, công ty đã giảm được hơn 65% lượng điện tiêu thụ.
“Hiện, tất cả nhân viên của chúng tôi đều đã quen với việc sử dụng bình, ly riêng; có ý thức không sử dụng chai, ly nhựa dùng một lần. Công ty cam kết đến năm 2030 sẽ không thải ra môi trường rác thải nào không tự hủy được nữa. Đặc biệt, rác hữu cơ của văn phòng sẽ được chuyển đổi thành phân bón bằng máy chuyên dụng. Theo kế hoạch trong năm nay, L’Oréal Việt Nam sẽ xây dựng vườn hoa tại các địa phương và dùng lượng phân được chuyển đổi từ rác hữu cơ này để bón cho cây”, bà Trinh chia sẻ.
Theo bà Trinh, quá trình thử nghiệm đã hoàn tất. Dự kiến tháng Sáu này, công ty sẽ đến các địa phương, tặng thiết bị chuyển rác thành phân và xin một khoảnh đất trống của địa phương để trồng cây, hoa tạo không gian xanh cho cộng đồng. Với máy móc trang bị sẵn tại địa phương, người dân cũng có thể mang rác hữu cơ tại nhà ra đổi thành phân về bón cây, hoa cho gia đình thay vì đổ rác bừa bãi gây ảnh hưởng môi trường.
Ngoài ra, ở khâu vận chuyển hàng hóa, công ty không vận chuyển theo đường hàng không nữa (vì lượng CO2 thải ra từ máy bay rất lớn), chuyển sang dùng đường thủy (ít phát thải CO2 hơn).
Đáng lưu ý, toàn bộ giấy sử dụng đều được khai thác từ các khu rừng có chứng nhận FSC (phát triển bền vững); toàn bộ thiết kế quầy hàng đều theo hướng tái sử dụng, tái chế được. Công ty phối hợp với sàn thương mại điện tử Lazada hạn chế sử dụng hộp giấy nhựa, bong bóng nhựa, hạt xốp... Tất cả bao bì chứa SP làm đẹp của L’Oréal được thay bằng bao gói nhựa sinh học có khả năng tự phân hủy. Sau Lazada công ty sẽ làm việc tiếp với các sàn thương mại điện tử áp dụng “thùng hàng xanh” (nhỏ gọn, tự phân hủy). Nhiều khách hàng cảm thấy rất vui khi nhận hàng được bao gói bằng chất liệu thân thiện môi trường.
Bà Đào cũng chia sẻ thêm: “Chúng tôi đang sản xuất một loại túi xách thân thiện môi trường để đựng MP nhưng túi có hạn chế là khá nặng, ảnh hưởng tới khối lượng khi vận chuyển, xuất khẩu. Vì vậy, chúng tôi đang tìm nguồn nguyên liệu vừa đảm bảo thân thiện môi trường, vừa nhẹ hơn khoảng tám lần”.
Hiện tại, không ít nhãn hiệu MP quảng cáo rầm rộ dùng nguyên liệu hữu cơ, thiên nhiên, bao bì tự hủy, bảo vệ môi trường… để dễ bán hàng. Người tiêu dùng có thể tự kiểm tra: những vỏ hộp giấy tan rã khi cho vào nước mới thật sự là nguyên liệu thân thiện môi trường.
Bà Trinh cũng cho biết những bao bì, vỏ hộp tự hủy phải áp dụng công nghệ hiện đại để sản xuất nên giá thành cao còn những vỏ hộp đựng MP được mua đại trà, giá rẻ khó đảm bảo tiêu chí tự hủy.
Theo thống kê của hãng MP Garnier, tại Anh, chỉ có 56% bao bì MP gia dụng được tái chế. Tại Mỹ, con số này còn thấp hơn 30%. Vì vậy, chiến dịch hạn chế sử dụng bao bì MP bằng nhựa đang ngày càng phổ biến và được hưởng ứng bởi các doanh nghiệp sản xuất MP.
Mỗi năm, ngành công nghiệp sản xuất MP thải ra hàng chục ngàn tấn hóa chất gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến hệ sinh thái và nhiều loài động vật biển. Vì vậy, để ngành MP trở nên thân thiện hơn với môi trường cần xuất phát từ chính người tiêu dùng. Người tiêu dùng cần xây dựng nhu cầu sử dựng các SP thiên nhiên, đặc biệt là MP organic, để góp phần vào công cuộc hạn chế sự ô nhiễm và bảo vệ môi trường sống.
Nguyễn Cẩm
Xem thêm: lmth.4176341a-gnourt-iom-ac-ped-mal-iahp-mahp-ym-ihk/nv.moc.enilnounuhp.www