Khi dịch COVID-19 xảy ra đã khiến nhiều người tiêu dùng thay đổi thói quen mua hàng, từ thương mại truyền thống sang mua bán trực tuyến, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT), logistics thực hiện chuyển đổi số nhằm hỗ trợ giao hàng đến tận nhà, cải thiện chất lượng dịch vụ và nắm bắt cơ hội để TMĐT ngày càng phát triển.
Tuy nhiên, lợi dụng tính tiện ích của TMĐT, ngày càng ngày xuất hiện nhiều hành vi vi phạm, gian lận thương mại trong kinh doanh trực tuyến. Tình trạng hàng giả, hàng nhái, sản phẩm không đảm bảo chất lượng… khiến nhiều người tiêu dùng lo ngại khi tham gia mua bán theo phương thức này.
Ngang nhiên vi phạm quy định
Theo quy định hiện hành đối với các sàn giao dịch TMĐT, các trang web bán hàng đều phải đăng kí với Cục TMĐT và Kinh tế số (TMĐT & KTS) của Bộ Công Thương và chỉ hoạt động sau khi được cấp phép. Song trên thực tế, có hàng chục ngàn trang web bán hàng đang quảng cáo và bán hàng một cách công khai, thậm chí có doanh thu rất cao.
Đại diện Cục TMĐT & KTS cho biết, năm 2020 đã tiếp nhận và xử lý 250 lượt phản ánh trên Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử, trong đó bao gồm các hành vi vi phạm chính như không đăng ký, thông báo website, cung cấp sản phẩm không đảm bảo chất lượng, giả mạo doanh nghiệp khác nhằm lừa đảo khách hàng. Cục đã phối hợp với các đơn vị liên quan trong và ngoài Bộ, trực tiếp tiến hành kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính 11 trường hợp với tổng mức phạt hành chính là trên 300 triệu đồng.
Cũng theo quy định, chất lượng hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa bán ra đều phải được đăng kí và kiểm soát chặt chẽ, tuy nhiên trong thực tế, các cơ quan chức năng chưa thể kiểm soát được. Việc mua bán trên mạng hiện nay đa phần đều chưa có hóa đơn chứng từ và sổ sách kế toán hợp pháp, khiến những rủi ro khi mua hàng sẽ đẩy về người tiêu dùng mà ít có điều kiện để khiếu kiện và giải quyết.
Ngoài ra, có những hành động vi phạm Luật bảo vệ Người tiêu dùng khi một số sàn TMĐT bán hàng nhưng người mua lại không được kiểm tra trước khi thanh toán; Sàn TMĐT để rò rỉ thông tin qua các tài khoản mua hàng trực tuyến để kẻ xấu lợi dụng vào nhiều mục đích khác nhau mà chưa bị ngăn chặn và xử lý. Việc bán hàng trốn thuế cũng khiến Nhà nước thất thu ngân sách không phải là nhỏ.
Thực tế hiện nay là bất kể tổ chức nào cũng có thể bán hàng một cách thoải mái qua các nền tảng trực tuyến mà không phải xin phép. Các quy định hiện hành về chế tài xử lý các hành vi vi phạm của các tổ chức và cá nhân còn sở hở hoặc chưa theo kịp thực tế, khiến vì lợi nhuận nhiều người có thể vượt qua các quy định của pháp luật để vi phạm.
Hoàn thiện cơ chế bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng
Có thể nói, hoạt động TMĐT trên thực tế còn rất nhiều sơ hở, trước hết là các văn bản pháp quy hiện hành không theo kịp sự phát triển nhanh, phức tạp như các hình thức bán hàng TMĐT hiện nay. Do đó, để xây dựng thị trường TMĐT lành mạnh, có tính cạnh tranh cao, hỗ trợ các DN kinh doanh hiệu quả, thì công tác xây dựng chính sách, giám sát và kiểm tra, thanh tra việc thực thi pháp luật và phối hợp xử lý vi phạm về TMĐT là vô cùng quan trọng.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, trong quá trình điều tra, xử lý các vụ vi phạm trên sàn TMĐT, việc bắt giữ và xử lý gặp nhiều khó khăn do việc truy xuất, lưu trữ các giao dịch TMĐT, hàng hóa giao dịch trên môi trường ảo không đơn giản. Các giao dịch, thanh toán trên mạng đều chớp nhoáng và vô hình; không có địa điểm kinh doanh rõ ràng… gây nhiều trở ngại cho cơ quan chức năng.
Theo ông Linh, hành lang pháp lý cho TMĐT lại chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của thực tiễn. Sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT những năm gần đây đã và đang tạo ra những thách thức cho việc xây dựng khuôn khổ pháp lý hiệu quả để quản lý hoạt động TMĐT, cũng như đối với công tác thực thi ngăn chặn các gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ người tiêu dùng.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, tình trạng hàng gian, hàng giả, kém chất lượng tràn lan trên các kênh bán hàng online khiến cho không chỉ người tiêu dùng suy giảm niềm tin mà uy tín của các DN làm ăn chân chính cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bởi vậy, rất cần có sự hoàn thiện pháp luật về TMĐT cũng như đưa ra những quy định phù hợp để quản lý hiệu quả hơn loại hình kinh doanh này. Việc quản lý hoạt động có yếu tố TMĐT trên mạng xã hội cần có những khác biệt với các loại hình TMĐT khác để phù hợp với bản chất của hoạt động này và có tính khả thi.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, trước hết Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính cùng các địa phương cần phối hợp để xây dựng các quy định chặt chẽ, đúng pháp luật với hình thức kinh doanh trực tuyến, vừa khuyến khích kinh doanh một cách hợp pháp, vừa chống thất thu ngân sách và bảo vệ các DN kinh doanh online chân chính.
"Cần phải có những quy định chặt chẽ về mở sổ sách kế toán, hóa đơn chứng từ, địa điểm kinh doanh của cá nhân, tổ chức bán hàng online. Các lực lượng quản lý phải kiểm soát được luồng hàng hóa từ đầu vào tới đầu ra của của các tổ chức cá nhân trên các địa bàn ở thị trường nội địa. Cần công khai doanh thu nộp ngân sách ở các địa phương khác các tổ chức kinh doanh offline và online tại chính các địa phương. Các trang bán hàng trực tuyến phải chịu trách nhiệm pháp luật khi để xảy ra những vụ việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng về chất lượng, giá cả hàng hóa. Người tiêu dùng cần phải được khuyến cáo để nhìn nhận, đánh giá các trang web kinh doanh online để giảm tối đa những khiếu kiện tranh chấp có thể xảy ra cho mình", ông Phú khuyến nghị.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.36582535111601202-neyut-curt-hnaod-hnik-gnort-oh-ek-tib/et-hnik/nv.vtv