Các nhà lãnh đạo nhóm G7 họp ngày 11-6 tại Cornwall, Vương quốc Anh - Ảnh: G7 UK/Twitter
Không ngạc nhiên khi đại dịch COVID-19 phủ bóng nội dung chương trình nghị sự của kỳ họp G7 năm nay.
Những thảo luận xung quanh đại dịch, bao gồm vắc xin, ở góc độ nào đó, là dịp để G7 thể hiện rõ ràng hơn trách nhiệm và vai trò trọng tâm của khối này trong các nỗ lực xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, như chủ đề "Build Back Better" (Xây dựng lại tốt hơn) của phiên làm việc đầu tiên.
Bài học lịch sử
Ngồi giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 11-6, Thủ tướng nước chủ nhà Anh Boris Johnson khẳng định các nước phải "học được bài học từ đại dịch tồi tệ này". Ông Johnson nhấn mạnh "điều quan trọng là không lặp lại sai lầm" trong phục hồi kinh tế như cuộc khủng hoảng năm 2008, vốn đã tạo ra bất bình đẳng lan rộng.
Trên tinh thần "tốt hơn và bình đẳng hơn", trong cuộc họp ngày 12-6, G7 tập trung thảo luận hai nội dung quan trọng. Trước hết là thống nhất về mức thuế tối thiểu toàn cầu ít nhất là 15%. Đây là một phần cho thỏa thuận rộng hơn về luật thuế quốc tế áp dụng cho nền kinh tế kỹ thuật số và toàn cầu hóa.
Các lãnh đạo cũng bàn về kế hoạch thay thế thuế dịch vụ kỹ thuật số, nhắm vào các hãng công nghệ lớn của Mỹ. Kế hoạch này liên quan tới việc đánh thuế các công ty đa quốc gia tại nơi họ đang kinh doanh, thay vì nơi đặt trụ sở.
Thuế tối thiểu toàn cầu được xem là bước đi cụ thể của chính quyền Tổng thống Joe Biden trong việc tạo ra một "chính sách đối ngoại cho tầng lớp trung lưu", bảo vệ lợi ích của người lao động Mỹ, thay vì chỉ cổ vũ cho các tỉ phú hay tập đoàn đa quốc gia.
Còn với thế giới, đây là cách ngăn những công ty "ma" thành lập tại các "thiên đường thuế", từ đó chấm dứt cuộc "chạy đua xuống đáy" trong giảm thuế ở những "thiên đường" ấy.
Tương tự, G7 cũng xem xét mở rộng nguồn cung vốn vay của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để giúp các nước nghèo. Trong bối cảnh hiện nay, ngân sách cho vay của IMF có ý nghĩa lớn với nhiều nước trước các nhu cầu tài chính cấp thiết như mua vắc xin COVID-19 hay phục hồi kinh tế hậu đại dịch.
Tái thiết thế giới
Trong mục tiêu đảm bảo một thế giới phát triển bình đẳng hơn, trong chính sách đối ngoại được G7 thảo luận không thể không nhắc tới Trung Quốc.
Hãng tin Reuters ngày 12-6 cho biết phía Mỹ đã thúc giục các lãnh đạo G7 khác nêu lập trường về cái mà Washington cáo buộc là lao động cưỡng bức ở Tân Cương (Trung Quốc). Phía Mỹ xem đây là sự xúc phạm nhân phẩm con người và là "một ví dụ điển hình cho sự cạnh tranh kinh tế không công bằng của Trung Quốc".
Dự kiến thông điệp về Tân Cương sẽ được đưa vào bản tuyên bố chung của G7 khi hội nghị kết thúc ngày 13-6 và gần như chắc chắn sẽ làm phật ý Trung Quốc. Bắc Kinh đã luôn bác bỏ mọi cáo buộc về Tân Cương.
"Bài học" của phương Tây cũng như nhóm G7 không chỉ là cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Sau sự kiện ấy là một kỳ Olympic Bắc Kinh hoành tráng như để chứng tỏ sức mạnh kinh tế của Trung Quốc.
Và đó là vấn đề mà Mỹ và các đồng minh châu Âu, châu Á đã băn khoăn từ lâu. Con rồng Trung Hoa sau khi được gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới đã càng mạnh mẽ hơn, sẵn sàng bay lượn chứ không cần ẩn mình nữa.
Hôm 12-6, Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ khẳng định G7 sẽ tìm cách tạo ra một kế hoạch cơ sở hạ tầng toàn cầu làm đối trọng với Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI) của Trung Quốc.
BRI là một kế hoạch phát triển hạ tầng trị giá hàng ngàn tỉ USD mà phương Tây cho rằng phục vụ tham vọng bành trướng của Bắc Kinh. Vị này khẳng định Mỹ sẽ thúc đẩy một sáng kiến không chỉ là sự thay thế cho BRI.
Tại Cornwall, mỗi nhà lãnh đạo G7 ôm một tham vọng mới mẻ và khác biệt. Mỹ muốn trở lại đối ngoại truyền thống, gắn kết với đồng minh. Anh kỳ vọng tìm lại vị thế toàn cầu. Pháp, Đức và Liên minh châu Âu (EU) cần tìm câu trả lời cho việc bị kẹp giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như cần "nói chuyện phải quấy" với nước chủ nhà về phương thức hợp tác sau khi Anh rời EU.
Việc đưa ra một lập trường chung, một chính sách đối ngoại thống nhất, hay thậm chí một sáng kiến thay thế BRI như trên, sẽ là thước đo cho ý chí của G7 trong việc định hình thế giới một cách thống nhất trong lúc vẫn đảm bảo những ưu tiên của riêng mình.
TTO - Sáng kiến "Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn" (B3W) được công bố chi tiết vào ngày mai 13-6 sẽ đối đầu với sáng kiến "Vành đai, con đường" vốn bị phương Tây chỉ trích là "ngoại giao bẫy nợ".
Xem thêm: mth.6343632221601202-ioig-eht-hnih-hnid-iat-gnov-maht-av-7g/nv.ertiout