Bãi biển Bình Định hiện vắng người tắm - Ảnh: LÂM THIÊN
Ngày 13-6, ông Lâm Hải Giang, phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết tỉnh này vừa có văn bản nhắc nhở mọi người thực hiện giãn cách, không tụ tập tắm biển vào dịp Tết Đoan Ngọ.
"Ngày 14-6 (tức mồng 5 tháng 5 âm lịch) là Tết Đoan Ngọ, dự báo người dân sẽ tập trung đông người tắm biển vì theo quan niệm của người dân địa phương, giờ ngọ (12h trưa) là thời điểm tắm biển tốt nhất trong năm để nước biển cuốn đi những xui xẻo, phiền toái, rắc rối và mang lại cho bản thân cùng gia đình nhiều may mắn lẫn sức khỏe.
Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân trong tình hình hiện tại, tỉnh yêu cầu người dân phải thực hiện việc giãn cách, không tập trung tắm biển đông người", ông Lâm Hải Giang nói.
Theo người dân tỉnh Bình Định, Tết Đoan Ngọ là tết lớn thứ 2 sau Tết Nguyên đán. Mọi người dù làm ăn xa đều cố gắng trở về quây quần bên gia đình để ăn tết.
Ông Nguyễn Văn Hùng (người dân sống tại TP Quy Nhơn) cho hay: "Hằng năm thời điểm Tết Đoan Ngọ là lúc mọi người thường hay ra biển tắm để cầu may mắn, bình an. Đây là tập tục có từ lâu, nhưng trong thời điểm hiện tại chúng tôi thấy việc không tập trung đông người là cần thiết. Chúng tôi sẽ thực hiện việc giãn cách đúng quy định khi tắm biển để đảm bảo an toàn phòng chống dịch".
Ngoài việc tắm biển, người dân Bình Định cũng chào đón Tết Đoan Ngọ bằng những mâm cúng đơn giản nhưng gần gũi, ấm áp với bánh tro, xôi chè, trái cây…
Để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19, UBND tỉnh Bình Định yêu cầu chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt là TP Quy Nhơn, phối hợp với cơ quan công an tăng cường lực lượng kiểm tra, kiểm soát, không để xảy ra tình trạng tập trung đông người tắm biển.
"Do tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, tôi rất mong mọi người cùng chung tay hưởng ứng lời kêu gọi của tỉnh không tập trung đông đúc tắm biển vào Tết Đoan Ngọ. Nếu người dân không chịu thực hiện giãn cách đúng quy định khi đi tắm biển, lực lượng chức năng có mặt tại chỗ sẽ lập tức có biện pháp xử lý theo quy định", ông Lâm Hải Giang nhấn mạnh.
TTO - Nhưng người Việt mình ăn Tết mùng 5-5 cũng từ bao đời. Chỉ cần nhớ ấy là ngày Tết giết sâu bọ. Đồ cúng chủ yếu là hoa quả và cơm rượu nếp. Còn tại sao lại gọi là ngày Tết giết sâu bọ, có lẽ bởi ông cha mình chọn ngày này để tẩy giun sán?
Xem thêm: mth.24410052121601202-ogn-naod-tet-neib-mat-iougn-gnod-pat-ut-gnohk-iog-uek-hnid-hnib/nv.ertiout