Đeo khẩu trang tắm biển vẫn... vui
Nhân Tâm
(KTSG Online) - Vậy là được bốn ngày kể từ khi Đà Nẵng nới lỏng một số hoạt động đã tạm dừng trước đây để phòng chống dịch. Một trong số các hoạt động được nới lỏng là tắm biển.
Người dân và du khách được phép tắm biển trong hai khung giờ, sáng sớm và chiều tối, kèm theo nhiều quy định như phải đeo khẩu trang trước khi xuống biển và ngay sau khi lên bờ, giữ khoảng cách 1 m với người khác, tắm ở khu vực quy định, phải rời ngay sau khi tắm và không được sử dụng dịch vụ tắm nước ngọt tại các bãi tắm công cộng dọc biển.
Và nhiều câu chuyện dở khóc dở cười đã đi theo sau đó.
Sáng sớm ngày đầu tiên được phép tắm biển, một người - tạm gọi là A, đến khu vực biển Mỹ Khê, quận Sơn Trà để tắm. Sau khi gửi xe, tư trang và thay đồ tại một bãi tắm công cộng có dịch vụ tắm nước ngọt ở đây, người này đeo khẩu trang theo quy định để xuống tắm biển. Theo thói quen, sau khi tập thể dục trên cát, người này mới xuống biển để tắm và lúc này hơi lúng túng: “Để khẩu trang ở đâu? Không thể đeo khẩu trang xuống tắm biển được”. Sau vài giây suy nghĩ, người này chôn khẩu trang xuống cát, đánh dấu rồi xuống tắm biển, và sau khi lên bờ, lấy khẩu trang, phủi sạch cát biển, đeo trở lại. Khi vào lại bãi tắm, người này mới sực nhớ thêm một điều là không thể tắm nước ngọt, nên đành để “nước biển ngấm trên người lâu một chút”, chịu khó đi về nhà tắm nước ngọt.
Khác với người A, người B lâu nay gửi tư trang, tắm nước ngọt tại một nhà dân có cung cấp dịch vụ này, cách bờ biển 100 m, trong khu dân cư đối diện bên đường. Người này xuống biển tắm ngoài việc đeo khẩu trang còn đem theo một túi nylon nhỏ và cái khăn. Sau khi tập thể dục trên cát, người này bỏ khẩu trang vào túi nylon, để trên cát, lấy khăn che lại để làm dấu và xuống tắm biển, cứ lâu lâu phải ngó lên bờ xem cái khăn… còn không. Sau khi tắm biển xong, may mắn hơn người A, người này có thể tắm lại nước ngọt vì thành phố không cấm dịch vụ tắm nước ngọt tại nhà dân.
Câu chuyện của người A và người B có thể xem là ví dụ điển hình của hàng ngàn người có thói quen đi tắm biển sáng sớm hoặc chiều tối tại thành phố Đà Nẵng lúc này.
Người dân tại Đà Nẵng vốn xem việc đi biển để tập thể dục và tắm biển là một sinh hoạt hàng ngày không thể thiếu, đã như vậy từ xưa đến nay. Đó là chưa kể còn có hàng triệu du khách đến Đà Nẵng mỗi năm, nhất là vào mùa hè, để được tắm biển.
Trong các đợt bùng phát dịch Covid-19, mỗi đợt Đà Nẵng thực hiện giãn cách, cấm tắm biển với thời gian kéo dài hơn một tháng. Người dân chưa quen, cảm thấy tù túng, đếm từng ngày để được đi tắm biển. Tuy rất khó chịu, nhưng họ vẫn chấp hành nghiêm quy định để bảo vệ mình và cộng đồng. Và sau mỗi lần biển được mở trở lại, họ vui mừng giống như cảm giác vỡ òa lúc nhỏ sau khi ngóng mẹ đi chợ về.
Lần này cũng vậy. Khi dịch bùng phát, Đà Nẵng lại cấm biển và người dân chấp nhận ở nhà, tìm cách giải khuây, chờ ngày quay lại biển trong nỗ lực cùng với thành phố chống dịch. Tuy nhiên, lần trở lại biển này sau hơn một tháng với họ hơi khác một chút vì thành phố đưa ra một số quy định phòng chống dịch khi tắm biển trong bối cảnh dịch có thể bùng phát lại bất cứ lúc nào.
Trong những phút trà dư tửu hậu tại các quán cà phê, người dân kể những câu chuyện vui về người A, người B hay của chính mình khi đi tắm biển. Họ cũng chỉ xem đó là những câu chuyện vui và không hề đòi hỏi gì hơn, vì họ hiểu rằng họ đang may mắn gấp nhiều lần người dân ở Bắc Giang, TPHCM, Tiền Giang…, những nơi đang gồng mình chống dịch từng giờ từng phút.
Họ cảm thấy rất may mắn vì còn được la cà cà phê, quán nhậu để tám chuyện, được dùng “món ăn tinh thần” mỗi ngày với những quy định khắt khe trong phòng chống dịch. Họ hiểu rằng phải làm như vậy mới có thể giảm thiểu rủi ro virus SARS-CoV-2 quay trở lại cộng đồng.
Và họ không ngại đeo khẩu trang xuống biển.
Xem thêm: lmth.iuv-nav-neib-mat-gnart-uahk-oed/233713/nv.semitnogiaseht.www