Kamala Harris lớn lên ở Oakland, California là con gái lớn của một cặp vợ chồng là người nhập cư. Cha bà đến từ Jamaica, mẹ bà đến từ Ấn Độ, và họ gặp nhau khi học cao học tại Đại học Berkeley. Họ đã nuôi dạy bà và em gái trong một gia đình coi trọng giáo dục, hoạt động chính trị và phục vụ cộng đồng. Tuy nhiên, khi Kamala được bảy tuổi, và em cô còn nhỏ, họ đã ly hôn. Mẹ bà, Shyamala - người đã đã quyết định ở lại nước Mỹ sau khi học xong đại học như một hành động nổi loạn chống lại một cuộc hôn nhân sắp đặt tại Ấn Độ- đã tìm thấy ngôi nhà của mình trong cộng đồng người da màu ở Oakland, nơi mẹ bà được "chào đón và bao bọc". Shyamala đã nuôi dạy các cô gái của mình trở thành "những phụ nữ da màu tự tin, kiêu hãnh", với một tuổi thơ phong phú bởi âm nhạc, các bài học piano, hoạt động sôi nổi tại nhà thờ và một trung tâm cộng đồng - nơi "bùng nổ niềm tự hào về người da đen".
Khi mẹ bà, một nhà nghiên cứu chữa trị ung thư, nhận công việc ở Montreal, hai chị em Kamala đã theo mẹ chuyển đến một thành phố mới lạnh lẽo, và học tập tại đây. Sau thời gian lưu trú tại Canada, Harris theo học tại Đại học Howard, và sau đó quay trở lại California, nơi chôn nhau cắt rốn, để học tiếp Trường luật Hasting.
Giống như nhiều cuốn sách thuộc thể loại này, trong cuốn sách "Sự thật mà ta nắm giữ" Kamala Harris kết hợp kể những câu chuyện của cá nhân với những trải nghiệm trên con đường chính trị của mình, khiến người đọc bị cuốn hút vào những câu chuyện bà kể. Viết về con đường chính trị, Kamala Harris cung cấp một bức tranh rất rõ ràng về kiểu nhà lãnh đạo mà bà hy vọng trở thành, cũng như cách tâm trí của bà hoạt động khi phải đối mặt với nhiều vấn đề khác nhau, bao gồm tội phạm, chăm sóc sức khỏe và chính sách đối ngoại.
Kamala dành hẳn một chương dài viết về nhiệm kỳ của mình với tư cách là luật sư quận Alameda, California, công việc đã gây ra một số hoài nghi trong số các cử tri tiềm năng ở phe cánh tả. Bà tự nhận mình là "một công tố viên tiến bộ", tập trung vào sự công bằng và công lý. Bà viết:
"Tôi biết khá rõ rằng luật pháp công bằng là điều ai nấy đều khát khao. Tôi biết rằng uy quyền của luật pháp được áp dụng không đồng đều, đôi khi là do cố ý. Nhưng tôi cũng biết rằng những điều sai trái của hệ thống này rồi sẽ thay đổi. Và tôi muốn đóng góp một phần để thay đổi điều đó. Một trong những câu nói yêu thích của mẹ tôi là "Đừng để người khác nói cho con biết con là ai. Con hãy cho họ biết con là ai". Và tôi đã làm đúng như vậy. Tôi biết một phần của việc tạo ra thay đổi chính là điều mà tôi đã chứng kiến trong suốt cuộc đời mình, khi xung quanh tôi là những người trưởng thành hò hét, diễu hành và đòi công lý ở bên ngoài. Nhưng tôi biết vai trò của người bên trong cũng quan trọng khi họ ngồi ở bàn làm việc và đưa ra quyết định. Khi các nhà hoạt động xã hội diễu hành và đến đập cửa, tôi muốn ngồi ở phía bên trong để đón họ vào."
Kamala cũng gây ấn tượng sâu đậm khi nói về tình hình hiện tại của người Mỹ - cả về chính trị và kinh tế. Trong những lá thư từ các cử tri của mình, bà viết, bà thấy "câu chuyện về những người Mỹ bị mắc kẹt trong cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, nơi mà mọi thứ từ nhà ở, chăm sóc sức khỏe đến chăm sóc và giáo dục trẻ em đều đắt hơn trước đây, trong khi tiền lương vẫn ở mức thấp như trong nhiều thập kỷ qua. Những lá thư tôi nhận được liên tục kể câu chuyện về sự sa sút của tầng lớp trung lưu". Và bà muốn góp sức để thay đổi những điều đó.
Xuyên suốt cuốn sách độc giả có thể một số thông điệp đã từng được nhấn mạnh bởi cựu Tổng thống Mỹ Obama. "Đối với tất cả sự khác biệt của chúng ta, đối với tất cả các trận chiến, chúng ta vẫn là một gia đình Mỹ," Kamala viết, "và chúng ta nên hành động như vậy". Nhưng vào những thời điểm khác, bà gợi ý về một khía cạnh khó hơn so với cựu tổng thống. Trong thời gian làm Tổng chưởng lý của California, trong giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc suy thoái kinh tế, Kamala đã dũng cảm đối mặt - như bà luôn thế - trong cuộc chiến với các chủ ngân hàng cho vay thế chấp lớn nhất để giúp đỡ người dân trong cuộc chiến không cân sức đó. "Họ dường như đã hiểu sai rằng tôi có thể bị bắt nạt khi phục tùng," bà chế giễu. Sau đó, bà bày tỏ hy vọng trở thành "một chiến binh vui vẻ", một cụm từ có từ thế kỷ trước, báo trước việc bà sẽ tham gia vào một cuộc chiến khốc liệt cho chức vụ hàng đầu của đất nước.
Sau cùng, Kamala Harris đã kiên cường chiến đấu với sự giúp sức của người thân, bạn bè, đồng nghiệp thân thích và trở thành nữ Phó Tổng thống đầu tiên, nữ quan chức cấp cao nhất trong lịch sử, đồng thời là người Mỹ gốc Phi, gốc Á đầu tiên làm Phó Tổng thống Mỹ.
"Sự thật mà ta nắm giữ" là một cuốn hồi ký hấp dẫn giúp độc giả hiểu rõ về con người, cuộc đời và chặng đường sự nghiệp đã qua của đương kim nữ Phó Tổng thống của Hoa Kỳ - một nhà lãnh đạo bản lĩnh, chính trực, giàu lòng nhân hậu, luôn hành động vì sự công bằng của xã hội. Bên cạnh đó cuốn sách còn giúp cung cấp thông tin về những thực trạng còn bất ổn của chính phủ Mỹ, cùng những thách thức lớn mà người dân Mỹ phải đối mặt; cũng như những gì mà cá nhân và những cộng sự của bà cam kết sẽ gắng sức giải quyết trong nhiệm kỳ này cũng như chặng đường dài hơn phía trước. Thông điệp lớn mà Kamala muốn gửi gắm đến độc giả là: Nền dân chủ, sự tự do và công lý không thể bén rễ, phát triển và nở rộ giữa lòng căm thù, cơn thịnh nộ. Mỗi người phải phản đối sự thờ ơ, sợ hãi, căm ghét và ngờ vực. "Chúng ta phải bắt đầu và kết thúc bằng việc nói ra sự thật".
Và như vậy "Sự thật mà ta nắm giữ" là cuốn sách cần phải đọc cho bất cứ ai làm việc làm việc trong các cơ quan chịu trách nhiệm đưa ra các chính sách đối ngoại với Hoa Kỳ, những người quan tâm đến cánh tay phải đắc lực của đương kim Tổng thống Mỹ, một nữ Phó Tổng thống gốc Á kiêm gốc Phi đầu tiên trong lịch sử của xứ sở cờ hoa.
Những kiến thức, kinh nghiệm lãnh đạo, giải quyết vấn đề, xử lý khủng hoảng… được tác giả chia sẻ trong cuốn sách cũng là những kiến thức hữu ích cho bất cứ một nhà lãnh đạo nào trong thời điểm nhiều biến động như hiện nay.
"Sự thật mà ta nắm giữ" đồng thời cũng là cuốn sách truyền cảm hứng cho tất cả những ai đang hàng ngày nỗ lực để vươn tới thành công và tương lai tốt đẹp.
Kamala Harris (sinh ngày 20 tháng 10 năm 1964) là một chính trị gia và luật sư người Mỹ, Phó Tổng thống thứ 49 của Hoa Kỳ. Bà là nữ phó tổng thống đầu tiên và là nữ quan chức cấp cao nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, đồng thời là người Mỹ gốc Phi, gốc Á đầu tiên là Phó Tổng thống của Hoa Kỳ.
Kamala Harris bắt đầu sự nghiệp tại Văn phòng Uỷ viên công tố hạt Alameda, sau đó được bầu làm uỷ viên công tố quận San Francisco. Với tư cách là công tố viên liên bang tại California, bà Harris đã truy tố nhiều băng đảng xuyên quốc gia, các ngân hàng lớn, nhóm 5 công ty dầu khí lớn nhất thế giới và nhiều trường đại học vì lợi nhuận, đồng thời đấu tranh chống các cuộc công kích vào Đạo luật Chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền. Bà còn đấu tranh để giảm tình trạng trốn học ở trường tiểu học, đi tiên phong trong việc phơi bày nạn phân biệt chủng tộc trong hệ thống tư pháp hình sự của quốc gia và triển khai các khoá đào tạo về thành kiến ngầm cho các sĩ quan cảnh sát. Là người phụ nữ da màu thứ hai được bầu vào Thượng viện Hoa Kỳ, bà Harris luôn nỗ lực cải cách hệ thống tư pháp hình sự, tăng mức lương tối thiểu, miễn học phí bậc đại học cho đa số người Mỹ và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tị nạn và người nhập cư.
Hà My
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị