Startup đem sản phẩm IT "không ai tin là hàng Việt" lên Shark Tank gọi vốn
10 năm trước, khi còn giữ cương vị Giám đốc điều hành của một công ty đa quốc gia tại Việt Nam, Nguyễn Xuân Hoàng manh nha ý tưởng kết nối máy tính với IT Support trong thời gian rảnh và đăng ký sáng chế tại Mỹ và Việt Nam.
Đến năm 2016, sáng chế này được Mỹ và Việt Nam chấp nhận, Hoàng cùng đối tác quyết định đầu tư để thương mại hóa sản phẩm.
Doanh nghiệp của Hoàng - E Link Gate - sản xuất thiết bị phần cứng là eLinkKVM cho khách hàng doanh nghiệp và eLinkMe cho khách hàng cá nhân. Khi khách hàng gặp sự cố chỉ cần cắm USB vào máy tính, thiết bị sẽ tự động kết nối lên cloud (điện toán đám mây) và sau đó kết nối với chuyên gia IT để được hỗ trợ xử lý sự cố.
Điểm khác biệt của các sản phẩm E Link Gate so với các sản phẩm khác trên thế giới, theo Hoàng, tóm gọn trong 3 từ:
- Simple - đơn giản: Chỉ cần 1 thao tác chạm có thể yêu cầu dịch vụ
- Smart - thông minh: Có thể giải quyết mọi sự cố công nghệ thông tin từ lỗi phần mềm đến lỗi hư hệ điều hành, cấu hình hệ thống mạng
- Safe - an toàn: Dữ liệu trên máy tính khách hàng không thể bị đánh cắp, thậm chí bởi chính chuyên gia đang xử lý sự cố
Đây cũng là điểm khác biệt cốt lõi của E Link Gate với Teamviewer - một giải pháp kết nối IT support phổ biến trên thế giới. Bên cạnh đó, Teamviewer chỉ có thể hoạt động khi máy đang chạy hệ điều hành, còn E Link Gate của Hoàng có thể chạy khi máy hư hệ điều hành, thậm chí cài lại toàn bộ window từ xa.
"Năm 2019, khi sản phẩm lần đầu được thương mại hóa, về mặt design, công nghệ, khách hàng không tin đây là sản phẩm Việt Nam".
"Trong covid-19, xu hướng làm việc từ xa ngày càng tăng cao. Tôi thấy đây là cơ hội tiến ra thị trường thế giới, hoàn thiện sản phẩm eLinkMe và xây dựng một nền tảng chúng tôi gọi là "Uber cho IT Support", với doanh số tiềm năng có thể lên tới vài tỷ USD/năm", Hoàng nói.
Anh lên Shark Tank gọi vốn 400.000 USD cho 7% cổ phần.
Founder được khen "mặt như Bill Gates", có tướng tỷ phú, nhưng khó đi nhanh
Trước định giá pre-money của doanh nghiệp lên đến 5,3 triệu USD, Shark Hưng liền chất vấn về tình hình kinh doanh và bức tranh tài chính.
Hoàng cho biết mô hình kinh doanh của E Link Gate là bán sản phẩm cho công ty IT Support và công ty IT Support bán lại cho khách hàng. Khi có sự cố, khách hàng chỉ cần cắm thiết bị vào, sẽ tự động kết nối IT Suport và xử lý.
"Trước kia nếu máy ở tỉnh hư, ngân hàng phải gửi máy hư qua bưu điện về trung tâm để sửa. Nếu hư phần cứng lại gửi đến nhà cung cấp => Nhà cung cấp sửa xong lại gửi về trung tâm cài đặt. Giờ có thể phân loại luôn nếu hư phần cứng gửi về nhà cung cấp, hư phần mềm thì sửa tại chỗ".
"Các khách hàng ở tỉnh xa, tôi thấy IT phải đi máy bay tới xử lý. Với sản phẩm này, hoàn toàn có thể xử lý được. Có thể trước khi đi ngủ cắm vào, sáng hôm sau tất cả vấn đề được giải quyết và bạn có thể đem máy tính đi làm", Hoàng nói.
Về số liệu tài chính, 2020 E Link Gate mới có doanh số 1,2 tỷ đồng, dự kiến 2021, chỉ riêng doanh số bán sản phẩm eLinkKVM đạt ít nhất 10 tỷ đồng, dựa trên 3 khách hàng lớn nhất của E Link Gate hiện giờ là 3 ngân hàng đã mua sản phẩm, đã kết thúc quá trình thử nghiệm và đánh giá hiệu quả, đang xúc tiến áp dụng cho toàn hệ thống.
Một sản phẩm eLinkKVM được bán với giá 249 USD, thiết bị cho phân khúc khách hàng cá nhân dùng máy tính ở nhà eLinkMe ước lượng giá khoảng 30 USD.
Ngoài ra, một nguồn thu khác của startup là bán license (quyền) cho công ty IT support để kết nối với khách hàng, đồng thời giúp tìm kiếm khách hàng. Hoàng cho rằng E Link Gate "có thể ăn lớn hơn các công ty TeamViewer".
Trước chất vấn về lỗ tích lũy của Shark Phú, Hoàng cho biết doanh nghiệp đã bỏ vốn thực 9 tỷ đồng, hiện đã tiêu hết.
Về chi phí cố định, thông tin chi phí sản xuất của eLinkMe chiếm 70% giá bán khiến các Shark ngã ngửa. Các cá mập cho rằng nguyên tắc chi phí sản xuất chỉ chiếm 30% hoặc 50% giá bán, còn lại là chi phí bán hàng.
Đến màn chốt deal, Shark Liên bày tỏ rất thích khuôn mặt của Hoàng, chuẩn kiểu "dân kỹ thuật", có tướng tỷ phú. Shark Hưng ví von khuôn mặt Founder rất giống Bill Gates. Tuy nhiên, cả 2 cá mập đều từ chối đầu tư vì không hiểu về sản phẩm và thị trường quá hẹp.
"Đứng ở góc độ khách hàng, tôi ‘nuôi’ cả đội IT, trả bằng cơm thấy an toàn hơn", Shark Hưng nhìn nhận.
Shark Louis và Shark Phú cũng từ chối đầu tư.
Dù không hứng thú với mô hình bán hàng B2B2B nhưng hứng thú với sản phẩm eLinkMe, Shark Bình đề nghị rót 400.000 USD, trong đó 100.000 USD đổi lấy 10% cổ phần, 300.000 USD sẽ chuyển đổi cổ phần theo KPI cụ thể để sản xuất và thương mại hóa sản phẩm trên quy mô lớn. "Đồng thời tôi sẽ hỗ trợ cho startup ngân sách nhất định thử sức trên Shark Tank Mỹ. Sản phẩm này nếu thực sự đúng như anh nói thì xứng đáng là sản phẩm toàn cầu", Shark Bình nói.
Đề nghị này của Shark Bình ngay lập tức được startup chấp thuận.
Bảo Bảo
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị