Lạm phát ở Mỹ chạm mốc đỉnh cao nhất trong 13 năm, thị trường chứng khoán sẽ phản ứng ra sao?
Tâm điểm chú ý của giới đầu tư toàn cầu đang đổ dồn về cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của Fed tổ chức vào tuần tới. Câu hỏi lớn nhất lúc này: “Liệu Fed có nâng lãi suất sớm hơn dự kiến?”.
Lạm phát cao thường được coi là tín hiệu tiêu cực cho thị trường chứng khoán vì khiến cho chi phí vay, chí phí đầu vào (nguyên vật liệu, lao động) tăng theo và giảm mức sống của người dân. Điều quan trọng nhất là lạm phát sẽ khiến cho tăng trưởng thu nhập kỳ vọng giảm xuống, gây áp lực cho giá cổ phiếu.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 của Mỹ tăng 5%, đánh dấu mức cao nhất trong 13 năm qua và vượt mọi dự báo của giới chuyên gia. CPI tháng 5 tăng 0,6% so với tháng trước đó.
Nỗi lo lớn nhất của nhà đầu tư lúc này là lạm phát gia tăng ở nền kinh tế lớn nhất thế giới đang gia tăng áp lực, buộc các nhà hoạch định chính sách cân nhắc việc thu hẹp dần chương trình kích thích kinh tế, hay nói cách khác là thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn dự kiến.
Khi nền kinh tế thế giới còn chưa hồi phục hoàn toàn từ đại dịch COVID-19, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ vào lúc này có thể dẫn tới sự đảo chiều của các dòng vốn trên toàn cầu.
Fed đã nói sẽ chỉ bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ khi nhận thấy nền kinh tế và thị trường lao động đã đủ khoẻ. Fed cũng nói sẵn sàng cho phép lạm phát vọt qua mục tiêu 2%, miễn sao mức lạm phát bình quân dài hạn dao động quanh ngưỡng 2%.
Chủ tịch Fed Jerome Powell trong bài phát biểu mới đây cho biết Fed sẽ duy trì chương trình mua trái phiếu khổng lồ và lãi suất thấp cho đến khi các số liệu phản ánh sự cải thiện dài hạn trên thị trường lao động.
Bất chấp lạm phát gia tăng, tốc độ phục hồi việc làm còn chậm được cho là lý do có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ vững lập trường chính sách tiền tệ trong cuộc họp vào tuần tới.
Trước đó, bà Janet Yellen - Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ có phát biểu gây xôn xao thị trường tài chính thế giới: “Có thể lãi suất sẽ phải được điều chỉnh tăng để đảm bảo kinh tế Mỹ không tăng trưởng quá nóng. Dù rằng mức độ chi tiêu thêm để hỗ trợ cho kinh tế khá nhỏ so với tổng quy mô của nền kinh tế, tuy nhiên nâng nhẹ lãi suất cơ bản đồng USD là cần thiết”.
Lạm phát tại Mỹ tiếp tục tăng mạnh, đẩy tình huống trên càng trở nên căng thẳng hơn. Cuộc họp của FOMC vào tuần này được chờ đợi sẽ đưa ra thông điệp cho thị trường ngắn hạn.
Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nào cũng lo lắng về lạm phát, nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp đồng quan điểm với Cục Dự trữ Liên bang khi nói rằng kỳ vọng giá tăng sẽ chỉ là "nhất thời". Nhiều chuyên gia phân tích ở Phố Wall cũng kỳ vọng mức tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ của các công ty sẽ tiếp tục khi nền kinh tế và thị trường việc làm được cải thiện. Điều đó sẽ giúp hỗ trợ giá cổ phiếu.
Xem thêm: odl.111029-cod-oal-naohk-gnuhc-neihk-oc-ueil-oac-tahp-mal-def-oav-nod-od-meid-mat/et-hnik/nv.gnodoal