Ngày mùng năm lá gì cũng sạch sẽ, lá gì cũng sẽ được chặt nhỏ phơi khô làm thành chè - Ảnh: TRƯƠNG ANH QUỐC
Tết mùng năm (ngày 5 tháng 5 âm lịch) lại về, tôi háo hức được ăn bánh trái cúng và phụ má đi cắt lá.
Từ thời còn ông bà ngoại, sáng sớm ông bà đã dậy sắm sửa bánh trái để cúng. Đồ cúng thường là các loại trái chín trong vườn như mít, đu đủ, chuối mốc… Ông bà còn gói thêm bánh ú tro và nấu xôi chè đường tán. Cúng mùng năm thường vào buổi trưa, ông bà cúng kiếng rất thành tâm và luôn dặn con cháu như thế.
Từ ngày mùng một mùng hai, tôi lên rẫy chọn hái trái mít nghệ trẵn da, giòng dây thả xuống đất cho khỏi bị rớt trúng đá mít bị bầm, trụi đoạn tre tầm vông giữa cuống gánh về. Ông bà dặn hái mỗi ngày một trái để có mít chín nhằm ngày cúng. Có năm may mắn cúng được trái mít chín cây.
Chừng nửa buổi, mẹ quẩy đôi giỏ bội lên đồi cắt lá mùng năm. Vào sáng sớm mùng năm hay từ ngày mùng bốn thường có cơn mưa nhẹ. Ngoại nói mưa rửa sạch cây lá cho dân chúng cắt chè mùng năm. Ngày đó không ai dắt trâu bò lên đồi núi cho ăn, sợ trâu bò ăn hay tiểu tiện làm bẩn cây lá, lỡ người vô tình cắt về làm chè uống nước sẽ có tội.
Đầy đôi giỏ lá, mẹ lo về nấu đồ cúng. Ngoại đã chuẩn bị dao thớt chặt nhỏ lá bỏ ra nong nia phơi liền cho kịp nắng.
Trưa mùng năm, cả làng xách giỏ ra đồng dạo bắt cá tay không. Dù trời không nắng gắt như những ngày hè chói chang, có năm mùng năm trúng ngày chỉ hanh nắng nhưng cá dưới ruộng cứ trồng đầu lên chết ngất, có con còn nhảy lên bờ ruộng nằm thở dốc.
Lúa cấy vụ hè thu đang thời con gái, đứng trên bờ đã thấy cá rô cá tràu cá trê hấp hối vẫy yếu ớt. Cá chỉ chết giấc vào một hai tiếng giấc trưa ngày hôm đó, sau giờ đó lại khỏe mạnh trở lại. Ai cũng nói đó là ngày bà Giàng, ngày diệt sâu bọ…
Chiều mẹ lại tiếp tục quẩy giỏ bội đi cắt lá mùng năm. Mỗi thứ lá một ít: lá ổi, lá dủ dẻ, lá dung lá sim lá móc lá chè vối cam thảo… Ngày mùng năm lá gì cũng sạch sẽ, lá gì cũng sẽ được chặt nhỏ phơi khô làm thành chè. Chè mùng năm.
Ông bà phơi chè khô, lót lá chuối dồn chè vô bao tời cất để dành uống vừa giáp lại mùng năm năm sau. Vị chè có mùi thơm thơm chan chát đăng đắng có hậu ngòn ngọt. Ai mất ngủ sôi bụng thình ruột đái láu uống một ly nước chè mùng năm nấu chín nóng hổi sẽ hết bệnh trong tức khắc.
Ông nói, chè mùng năm là vị thuốc nam trị bá bệnh. Chè mùng năm còn là món biếu làm quà cho khách quý từ phương xa tới thăm chơi.
Ngày mùng năm nếu không nhằm ngày nghỉ, tôi cũng nghỉ học để theo thanh niên trong làng lên núi cao hái trái mè tré, sa nhân. Sa nhân hái vào ngày này mấy thầy thuốc đông y và thuốc nam tìm mua lại với giá cao gấp mấy lần ngày thường. Trong lúc hái trái sa nhân, tôi thường bứt thêm mấy cuống hoa sa nhân trắng xóa về trộn với chè mùng năm cho đủ gia vị thuốc nam.
Xưa bày nay bắt chước, con cháu vẫn cúng vào ngày mùng năm theo lệ dù rằng khó cảm nhận ý nghĩa của nó gắn liền với đời sống vùng nông thôn như trước. Phong tục tập quán ở nông thôn mai một, ngày mùng năm dần bị nghĩ lệch hiểu sai.
Ngày mùng năm, ông thường bày mẹo rằng, hễ cây mít nào không ra trái hay trái dở thì một đứa con trai vác rựa ra gốc mít ấy giá rựa đốn.
Đứa con gái kéo tay can ngăn rằng: "Ông đừng chặt làm chi, để sang năm nó sẽ ra trái và ra trái ngon thôi". Cuối cùng nếu có chặt cũng chặt một nhánh nhỏ xíu làm phép. Cứ thế, chưa thấy cây mít nào năm sau sẽ bị đốn thật cả.
TTO - Nhưng người Việt mình ăn Tết mùng 5-5 cũng từ bao đời. Chỉ cần nhớ ấy là ngày Tết giết sâu bọ. Đồ cúng chủ yếu là hoa quả và cơm rượu nếp. Còn tại sao lại gọi là ngày Tết giết sâu bọ, có lẽ bởi ông cha mình chọn ngày này để tẩy giun sán?
Xem thêm: mth.92984402141601202-man-gnum-al-tac-ev-ogn-naod-tet/nv.ertiout