Kỳ họp Hội đồng IBEC là hoạt động định kỳ của cơ quan quản lý cấp cao nhất của Ngân hàng với thành phần tham dự là Lãnh đạo cấp Thứ trưởng/Bộ trưởng đại diện cho 8 nước thành viên IBEC.
Tại kỳ họp, Hội đồng đánh giá cao các kết quả đáng ghi nhận mà Ngân hàng đã đạt được trong năm 2020, bất chấp các tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19. IBEC đã đạt và hoàn thành vượt mức kế hoạch hầu hết các chỉ tiêu đặt ra, trong đó nổi bật bao gồm: tổng tài sản đạt 815 triệu Euro (tương đương 133% kế hoạch); vốn chủ sở hữu 317 triệu Euro (105%); lợi nhuận ròng 6,8 triệu Euro (280%); và các chỉ số ROA, ROE, NPL, CAR.... đều trong giới hạn cho phép. Xếp hạng tín nhiệm được giữ vững với triển vọng tích cực, cụ thể: Moody’s - Baa3, Fitch - BBB, ACRA - A, ACRA Europe – BBB.
Ngoài việc rà soát và đánh giá định kỳ kết quả hoạt động của IBEC năm 2020, Hội đồng Ngân hàng đã tập trung thảo luận định hướng cải cách, hiện đại hóa hệ thống quản trị điều hành của Ngân hàng trong thời gian tới nhằm phát huy thế mạnh của Ngân hàng trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, qua đó góp phần hỗ trợ hơn nữa cho các nước thành viên. Hội đồng cũng dành thời gian thảo luận và thông qua Chính sách về hệ thống đánh giá và khen thưởng cán bộ nhằm đảm bảo đánh giá một cách hữu hiệu chất lượng công việc và thu hút, tạo động viên lực cho cán bộ cống hiến và gắn bó với Ngân hàng. Ngoài ra, tại kỳ họp, Hội đồng đã phê duyệt việc bổ nhiệm và miễn nhiệm một số thành viên là Phó Chủ tịch Ban Lãnh đạo Ngân hàng.
Phát biểu tại kỳ họp, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh ghi nhận những kết quả tích cực mà IBEC đã đạt được và đề nghị IBEC tiếp tục triển khai các hoạt động cải cách phù hợp nhằm tiếp tục mở rộng và phát triển hoạt động của Ngân hàng một cách bền vững, tương xứng với tiềm năng của Ngân hàng và đáp ứng kỳ vọng của các nước thành viên.
Về quan hệ hợp tác với Việt Nam, Phó Thống đốc đánh giá cao kết quả hợp tác của IBEC với các đối tác Việt Nam, đặc biệt là các hoạt động tài trợ thương mại và bao thanh toán đang triển khai với các ngân hàng TMCP của Việt Nam trong năm 2020 và Quý 1/2021 như SHB (49,9 triệu USD), BIDV (2,9 triệu USD) và HDBank (5 triệu USD). Phó Thống đốc đề nghị trong năm 2021, IBEC tiếp tục tăng cường và phát huy hơn nữa các hoạt động hợp tác đang triển khai với các ngân hàng này; đồng thời tập trung thực hiện có kết quả và hiệu quả các hoạt động hợp tác theo kế hoạch đã đề ra với một số ngân hàng TMCP và doanh nghiệp mà hai bên đã ký thỏa thuận hợp tác vào năm 2019, gồm HDBank, BIDV và Công ty Hateco. Ngoài ra, Phó Thống đốc cũng đề nghị IBEC thúc đẩy hơn nữa quảng bá hình ảnh tới các tổ chức và doanh nghiệp của Việt Nam, chủ động tìm hiểu và mở rộng thị trường cung cấp các sản phẩm tại Việt Nam, qua đó góp phần tăng cường quan hệ hợp tác giữa IBEC và Việt Nam trong tương lai.
IBEC là tổ chức tài chính quốc tế có 8 nước thành viên (gồm Bungari, Ba Lan, Mông Cổ, Liên bang Nga, Rumani, Slovakia, Cộng hòa Séc và Việt Nam,) được thành lập năm 1963 trong khuôn khổ Hội đồng Tương trợ Kinh tế (Khối SEV cũ), có trụ sở đặt tại Matxcơva, Liên bang Nga. Nhiệm vụ chính của IBEC là tài trợ thương mại, cấp tín dụng, thanh toán đa phương và cung cấp các dịch vụ ngân hàng khác để hỗ trợ các nước thành viên thúc đẩy quan hệ kinh tế đối ngoại và phát triển kinh tế. Việt Nam tham gia IBEC từ năm 1977. Trong quá trình tồn tại và phát triển, IBEC đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử phát triển thăng trầm. Nhờ nỗ lực và quyết tâm cao của các nước thành viên cũng như Ban Lãnh đạo IBEC trong triển khai các Chiến lược cải cách và phát triển, hoạt động của IBEC thời gian qua đã có những cải thiện rõ rệt, bước đầu đáp ứng kỳ vọng của các nước thành viên cũng như củng cố hình ảnh và vị thế của IBEC trong cộng đồng tài chính quốc tế. Trên nền tảng đó, IBEC xác định tiếp tục thực hiện cải cách một cách tổng thể nhằm củng cố cơ cấu tổ chức quản trị điều hành và nâng cao chất lượng hoạt động của Ngân hàng.
HTQT
Xem thêm: 728554VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www