Đại dịch Covid-19 đã tạo ra nhiều thiệt hại cho thế giới, nhưng đi cùng đó cũng là vô số cơ hội kinh doanh. Việc chính phủ các nước hạ lãi suất để kích tích kinh tế đã thúc đẩy mọi người đổ tiền vào những kênh đầu tư như bất động sản. Tính đến cuối năm 2020, khoảng 4,3 nghìn tỷ USD hợp đồng mua nhà thế chấp đã được ký kết, phá kỷ lục của 3,7 nghìn tỷ USD năm 2003.
Điều đáng ngạc nhiên là phần lớn những thương vụ này được thực hiện khi các bậc phụ huynh phải làm việc tại nhà, bận rộn với con cái và hầu như chẳng thể đi khảo sát thị trường trong mùa giãn cách.
Trên thực tế, sự bùng nổ của thị trường bất động sản trong mùa đại dịch phải kể công lớn của những cựu chuyên gia đánh bài Poker như anh Nima Ghamsari, nhà khởi nghiệp xây dựng lên startup chuyên cung cấp nền tảng công nghệ cho kinh doanh nhà đất trực tuyến.
Anh Nima Ghamsari
Cuộc đời của Ghamsari chẳng khác gì một bộ phim khi trở thành chuyên gia đánh bài Poker, kiếm hàng trăm nghìn USD khi vẫn còn là sinh viên trường đại học Stanford. Thế rồi anh từ bỏ thú vui này để theo ngành công nghệ khi tốt nghiệp để rồi khởi nghiệp năm 26 tuổi vào năm 2012.
"Tôi luôn luôn đặt cược vào bản thân mình. Tôi sẵn sàng chấp nhận nhiều rủi ro để đặt cược cho những cơ hội thành công", anh Ghamsari cho biết.
Bất động sản online
Dù chưa mấy nổi tiếng nhưng startup Blend của Ghamsari đã cung ứng dịch vụ xây dựng nền tảng hạ tầng cho kinh doanh bất động sản trực tuyến của 287 ngân hàng ở Mỹ, bao gồm cả những ông lớn như Wells Fargo hay First Republic Bank.
Năm 2020, ứng dụng của Blend đã được dùng để thực hiện 1,4 nghìn tỷ hợp đồng vay thế chấp bất động sản, tăng gần 3 lần so với năm trước đó. Tổng doanh thu của hãng cung tăng gấp đôi lên 100 triệu USD.
Sản phẩm của Blend giúp các ngân hàng giao dịch hợp đồng bất động sản trực tuyến gần như tự động, tiết kiệm được nhiều bước giấy tờ và điện thoại. Theo ước tính của MarketWise Advisors, ứng dụng Blend có thể giúp mỗi khoản vay tiết kiệm được 7,3 ngày xét duyệt và 520 USD chi phí vận hành. Nhờ đó bình quân mỗi nhân viên ngân hàng có thể chốt được 14 hợp đồng vay thế chấp bất động sản hàng tháng.
Không đơn thuần là một ứng dụng giải quyết hành chính, Blend còn liên kết với các bên như Core Logic để tính toán tiêu chuẩn vay vốn, hợp tác với Plaid để kiểm tra tài khoản ngân hàng của người vay và dùng Google Maps nhằm định vị khu bất động sản. Chính nhờ sự kết hợp của nhiều bên mà nhân viên ngân hàng chỉ cần vài cú click chuột là đã có thể ra quyết định vay vốn, tăng tốc hợp đồng trong bối cảnh thị trường nóng lên từng ngày ở Mỹ.
Năm 2020, các ngân hàng Mỹ chứng kiến doanh thu từ phí tư vấn hợp đồng vay thế chấp bất động sản tăng 136% mà không hề phải thuê thêm nhân viên mới nào.
Ngay từ ban đầu, định hướng chiến lược phát triển của Ghamsari và Blend đã khác so với nhiều startup tài chính thông thường. Cựu chuyên gia Poker này nhắm đến việc hỗ trợ các ngân hàng và tính phí dịch vụ thay vì xây dựng hẳn cả một nền tảng để cạnh tranh và phá vỡ các tổ chức tài chính truyền thống.
Nhờ quyết định này mà Ghamsari có thể tiết kiệm thời gian lẫn tiền bạc trong quảng bá marketing cũng như tiếp cận được hàng trăm triệu khách hàng của ngân hàng thay vì chỉ 1-2 triệu người như thông thường.
Với nước đi khôn ngoan và kết quả kinh doanh tốt, Blend đã gọi vốn thêm được 300 triệu USD vào tháng 1/2021. Tại thời điểm đó, Blend được định giá ở mức 3,3 tỷ USD, tăng gấp đôi so với 5 tháng trước đó. Đến tháng 4/2021, Ghamsari đã đăng ký để phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và nhiều khả năng đợt IPO này sẽ biến cựu chuyên gia Poker trở thành tỷ phú.
Kiếm tiền thời sinh viên
Gia đình của Ghamsari nhập cư từ Iran vào Mỹ năm 1987 khi anh mới được 1 tuổi. Tại thời điểm đó, việc được sở hữu một căn nhà là điều đáng mơ ước với nhiều gia đình, nhất là với những người nhập cư như cha mẹ anh Ghamsari.
Sau nhiều năm lao động vất vả, gia đình anh cũng mua thế chấp bất động sản được một căn hộ nhỏ vào năm 1998. Vốn là gia đình nhập cư nên Ghamsari phải tự lực từ bé để giúp bố mẹ. Cậu làm rất nhiều công việc, từ phục vụ trong quán đồ ăn nhanh đến nhận sửa máy tính, nhận dạy viết code... để kiếm tiền.
Khi lên đại học, dù Ghamsari có học bổng tại Stanford nhưng cậu vẫn cố gắng trở thành chuyên gia đánh bài Poker qua mạng để kiếm thêm tiền cho gia đình. Thế rồi khi lợi nhuận từ việc này lên đến 6 con số, Ghamsari nhận ra tiềm năng của Internet và kinh doanh trực tuyến.
"Đấy là lần đầu tiên tôi được nếm trải hương vị phải bỏ tất cả trí lực và năng lượng của bản thân vào đó nhằm giành chiến thắng", anh Ghamsari nhớ lại.
Kiếm được quá nhiều tiền khi còn đang trên ghế nhà trường, anh Ghamsari đã phải mua một chiếc xe thường dùng chạy trên sân golf để di chuyển tại Stanford do khuôn viên trường đại học này quá lớn và tốn thời gian để đi từ ký túc xá qua lớp học lẫn thư viện, nhờ đó có thêm thời gian đánh bài. Thậm chí anh còn mua một loạt áo phông đen để dễ tiết kiệm thời gian mặc đồ.
"Tôi cố gắng để làm mọi thứ mà tôi không có hứng thú trở nên hiệu quả, tiết kiệm thời gian nhất. Tôi chẳng muốn tốn thời gian ngồi chỉ để nghĩ hôm nay nên mặc gì", anh Ghamsari chia sẻ.
Tất nhiên câu chuyện của Ghamsari khiến bảo vệ trường Stanford không đồng tình và tịch thu xe của cậu. Thế nhưng với chàng trai nhập cư từ Iran này, thói quen giảm thiểu những thứ không cần thiết để dành thời gian kiếm tiền chẳng thể thay đổi.
Khi tốt nghiệp vào năm 2008 với tấm bằng kỹ sư máy tính, Ghamsari đã tự mua được một chiếc ô tô Aston Martin và được hãng công nghệ Palantir Technologies tuyển dụng trực tiếp. Tại đây, Ghamsari chịu trách nhiệm phát triển phần mềm cho những ngân hàng lớn và cậu nhận ra tiềm năng công nghệ trên thị trường này.
Mặc dù việc ở lại Palantir sẽ có lợi khi doanh nghiệp này IPO vào năm 2020 và mọi nhận viên đều có quyền chọn mua cổ phiếu, nhưng Ghamsari quyết định tách ra khởi nghiệp với sự hỗ trợ từ quỹ đầu tư của tỷ phú Peter Thiel.
Gia đình anh Ghamsari khi còn bé
Con đường khởi nghiệp
Ban đầu Ghamsari và 2 người bạn phải đặt trụ sở tại căn hộ đi trọ thuê ở San Francisco cho đến khi những người trọ cùng phàn nàn khi nhóm khởi nghiệp này thức đêm nhiều và quá bừa bộn. Cuối cùng nhóm phải thuê một phòng trọ nhỏ ở Mission Bay, mua những chiếc túi ngủ nằm trên sàn để viết code thâu đêm suốt sáng.
Tương tự như bao startup khác, ứng dụng của Ghamsari nhận được vô số hoài nghi. Bản thân nhà khởi nghiệp này đã rất nhiều lần bị nhà đầu tư nghi ngờ, nói những câu như "Nó sẽ không sống sót nổi" hay "Ngân hàng sẽ không dùng chúng". Thế nhưng chàng thanh niên không nhụt chí.
Nhằm giảm rủi ro tương tự như cuộc khủng hoảng bất động sản năm 2008, nhiều ngân hàng lớn như Bank of America quyết định chi hàng trăm tỷ USD cho bên thứ 3 để xây dựng nền tảng vay thế chấp. Nhờ đó cơ hội của Ghamsari xuất hiện.
Tuy nhiên Blend chỉ lấy được những hợp đồng nhỏ và mọi chuyện chỉ khởi sắc vào năm 2015 khi tỷ phú Dan Gilbert của Quicken Loans phát triển ứng dụng Rocket Mortage, qua đó giảm số thời gian chốt hợp đồng vay thế chấp từ 40 ngày xuống 1 tháng. Từ đây nhiều tổ chức tài chính giật mình sợ hãi sẽ chậm chân và đổ tiền vào các ứng dụng như Blend.
Nửa đầu năm 2017, startup này nhận 67 triệu USD đầu tư nhưng sau khi họ chiến thắng các hợp đồng của Wells Fargo và US Bank, hàng loạt nhà đầu tư bắt đầu ồ ạt rót vốn. Đến tháng 8/2017, Blend gọi vốn được 100 triệu USD và được định giá tới 500 triệu USD. Đến năm 2019, startup này gọi vốn tiếp được 130 triệu USD với hàng trăm khách hàng là những ngân hàng trên toàn nước Mỹ.
Tầm nhìn của Ghamsari trong 10 năm tới rất rõ ràng khi anh cho rằng công nghệ sẽ tiết kiệm hàng chục tỷ USD chi phí hành chính cho giới tài chính. Khách hàng sẽ nhận tư vấn trực tuyến qua ứng dụng dựa trên tình hình tài chính hiện tại của họ và nếu điều đó là chính xác, Blend sẽ là một trong số những hãng công nghệ tài chính lớn nhất thế giới.
Huyền Băng
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị