Đề thi môn ngữ văn dành cho học sinh dự thi vào trường THPT chuyên của Hà Nội năm học 2021-2022
Ngày 14-6, học sinh dự thi vào lớp 10 các trường chuyên của Hà Nội đã thi các môn chuyên sau khi dự thi cùng học sinh khối đại trà. Đề thi văn thu hút sự quan tâm của nhiều người bởi đưa ra những đoạn ngữ liệu và yêu cầu học sinh nghị luận về những điều khá mới mẻ.
"Dù bản thân mỗi chúng ta và thế gian đều có những điều không hoàn hảo nhưng ta vẫn không thể ngừng yêu thương chính những điều không hoàn hảo ấy" - đề thi trích nội dung từ một cuốn sách để yêu cầu học sinh bàn về sự yêu thương "những điều không hoàn hảo".
"Tôi sinh ra trong một gia đình bố mẹ chỉ lao động phổ thông, không phải "ông nọ, bà kia", cũng có lúc tôi nghĩ sao bố mẹ không thành đạt, có những vị trí tốt hơn trong xã hội. Ở khía cạnh nào đó, bố mẹ không hoàn hảo theo các tiêu chí xã hội. Nhưng tôi lại yêu sự không hoàn hảo ấy và không gì thay thế được" - một thí sinh dự thi vào Trường THPT Hà Nội Amsterdam chia sẻ khi nói về đề thi.
Phụ huynh cài dây mũ cho con khi kết thúc buổi thi tại một điểm thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội - Ảnh: CHU HÀ LINH
Cô Đỗ Khánh Phượng - giáo viên ngữ văn Hệ thống giáo dục HOCMAI - chia sẻ: "Thường người ta chỉ quan niệm yêu thương phải gắn với cái tốt, cái đẹp, sự hấp dẫn, sự hoàn hảo. Nhưng trong cuộc sống, ai cũng có những khiếm khuyết ở cả hai phương diện ngoại hình và tính cách.
Sự không trọn vẹn, hoàn hảo tồn tại ở mọi lĩnh vực. Đề văn này giúp học sinh có cái nhìn tích cực, khách quan về những điều không trọn vẹn, để biết bao dung, mở lòng, biết yêu bản thân và nỗ lực hoàn thiện mình".
Cô Trịnh Thu Tuyết - nguyên giáo viên ngữ văn Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) - cho biết: "Yêu thương chính những điều không hoàn hảo" vốn không phải vấn đề mới mẻ, từ ngàn xưa, con người đã thấu hiểu lẽ "nhân vô thập toàn", hiểu để chấp nhận, hiểu để bao dung, hiểu để tự điều chỉnh, khắc phục và hướng tới sự hoàn hảo dẫu chỉ là tương đối (tất nhiên sự hoàn hảo, hoàn thiện luôn chỉ là tương đối trong cuộc sống, con người hay thiên nhiên vũ trụ)!
Vấn đề dù không mới nhưng trong thời đại của thông tin, của những sự cố khủng hoảng truyền thông, của sự cạnh tranh và đánh giá nghiệt ngã, của bạt ngàn những cơ hội lựa chọn với nghề nghiệp hay các mối quan hệ… thì việc để học sinh bàn luận và thấu hiểu cả thế gian cũng như mỗi con người đều "có những điều không hoàn hảo" chính là cách giúp các em bình tâm, mạnh mẽ, nhân hậu hơn trước cuộc sống muôn màu sắc.
Đề bài cũng có khả năng gợi mở cho học sinh những nghịch lý, những bí ẩn kỳ diệu trong tâm hồn con người khi chúng ta thậm chí có thể yêu thương chính những vênh lệch, hao hụt, khuyết thiếu mà hờ hững với những sự được coi là hoàn hảo, toàn vẹn
Tuy nhiên, câu lệnh: "Từ gợi dẫn trên kết hợp với hiểu biết xã hội, hãy viết một bài văn nghị luận bàn về những điều chưa hoàn hảo mà em yêu thương" có đôi điều cần suy nghĩ thêm.
Câu lệnh này có ít nhất hai định hướng. Thứ nhất là định hướng về đối tượng nghị luận, đó không phải là chủ thể cảm nhận, mà là đối tượng cảm nhận. Cụ thể, đó là "những điều chưa hoàn hảo mà em yêu thương" - trong khi cái hay, sâu, kỳ diệu của vấn đề mở ra không chỉ ở đối tượng, mà chủ yếu lại là chủ thể.
Thứ hai là định hướng về xúc cảm của học sinh khi chỉ có lựa chọn duy nhất là "yêu thương" những điều chưa hoàn hảo nào đó các em nhắc tới, học sinh sẽ không có không gian độc lập cho lựa chọn thái độ hoặc xúc cảm trước "những điều chưa hoàn hảo" - bởi không nhất thiết chỉ có sự yêu thương, chấp nhận hay bao dung trước "những điều chưa hoàn hảo" của mình, của người!
Bản chất của cuộc sống, con người là vận động hướng tới sự hoàn thiện, hoàn hảo - khao khát những vẻ đẹp tận thiện tận mỹ luôn là khao khát đẹp đẽ, nhân văn của con người. Chính vì vậy, học sinh có thể đặt ra những vấn đề rộng hơn, xa hơn về khát vọng hoàn hảo nếu không bị đề giới hạn trong định hướng".
Nhiều học sinh thi môn chuyên văn ngày 14-6 nhận xét đề mở, cho phép nói suy nghĩ cá nhân về một vấn đề thú vị, nhưng cũng khó vì dễ lan man, sai lạc.
TTO - Nhiều năm nay, đề thi môn văn ở các kỳ thi mở ra các vấn đề thời sự, gần gũi cuộc sống cho thí sinh bàn luận. Có những đề thi được đánh giá cao, nhưng cũng có đề nhận nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận và nhà chuyên môn.