Võ Ngọc Hải Châu làm việc tại phòng thí nghiệm Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) - Ảnh: NGUYỄN HOÀNG HUY
Sau khi tốt nghiệp đại học ngành hóa học tại Đại học Stanford vào tháng 6-2020, Hải Châu quay về Việt Nam để có 1 năm "gap year". Đồng thời, Châu dự định trong thời gian này sẽ tiếp tục làm nghiên cứu trong mảng vật liệu sinh học để giúp hồ sơ tiến sĩ của mình tốt hơn.
Sử dụng mai cua để băng vết thương
Tham gia vào nhóm nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp - trưởng khoa kỹ thuật y sinh Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), được đi khảo sát thực tế, Hải Châu nhận thấy các nông trại nuôi cua có một lượng chất thải lớn từ mai cua sau mỗi mùa thay vỏ.
Qua nghiên cứu, nhóm nhận thấy mai cua là một nguồn chitin tự nhiên, từ chitin có thể điều chế các chất kháng khuẩn tốt thường dùng cho băng gạc.
Nhóm nghiên cứu bắt đầu tìm hiểu tính khả thi của việc sử dụng mai cua để băng vết thương, và có kết quả khả quan đã được công bố trên tạp chí khoa học. Ý tưởng chế tạo băng gạc từ vỏ cua lột của Hải Châu cùng nhóm nghiên cứu xuất phát từ đó.
"Sắp tới, khi sang Mỹ làm nghiên cứu sinh, tôi dự định sẽ tiếp tục phát triển các loại vật liệu sinh học phức tạp hơn, và đòi hỏi kỹ thuật cao hơn dựa trên các nền tảng nghiên cứu vết thương từ đại học và công việc sau đại học. Tôi cũng muốn mở rộng các ứng dụng của sản phẩm băng gạc không chỉ cho vết thương hở mà còn cho vết bỏng, vết thương mắt..." - Hải Châu chia sẻ.
Vật liệu sinh học chữa lành vết thương
Tháng 9-2021, Võ Ngọc Hải Châu sẽ bắt đầu học tiến sĩ theo chương trình kỹ thuật và vật lý y tế tại Mỹ. Đây là chương trình do Harvard và MIT cùng phối hợp tổ chức. Trong đó, nghiên cứu sinh tiến sĩ sẽ được theo học các lớp y dược tại Harvard và các lớp kỹ thuật tại MIT. Nghiên cứu sinh sẽ được làm việc trong bất kỳ phòng lab nào tại trường MIT, Harvard và các bệnh viện trong khu vực.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp, tại Đại học Stanford, nữ nghiên cứu viên trẻ Hải Châu đã có thành tích học tập rất tốt, bắt đầu nghiên cứu vật liệu sinh học chữa lành vết thương từ năm 2, và công trình nghiên cứu đã được công bố tại các hội nghị khoa học.
"Với chương trình học tiến sĩ tại Mỹ tới đây, Hải Châu cho biết mình mong muốn được đóng góp cho các nghiên cứu có tính ứng dụng cao, có thể đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân, nhất là ở các nước đang phát triển", bà Hiệp nói.
Để "săn" học bổng tiến sĩ
Nói về kinh nghiệm săn học bổng tiến sĩ, Hải Châu cho rằng một yếu tố khá quan trọng mà nhiều người ít biết đến là mức độ phù hợp của chương trình. Các trường tại Mỹ có rất nhiều chương trình học phục vụ cho các nghiên cứu sinh có mục đích học tập khác nhau, nên cần lựa chọn chương trình phù hợp với mình.
"Sau khi các bài báo khoa học trong cùng lĩnh vực và tìm hiểu các giáo sư tác giả làm việc tại đây, cũng như tìm hiểu từ bạn bè cùng ngành và cựu sinh viên, tôi giới hạn lại một vài chương trình thú vị. Trong đó có chương trình mình sắp theo học tại Harvard-MIT và chương trình hợp tác của Viện Công nghệ Georgia và Đại học Y dược Emory. Rất may mắn, tôi đã được nhận vào cả hai chương trình này", Hải Châu chia sẻ.
TTO - Phạm Phương Thúy - học sinh lớp 12 tin (khóa 18-21) Trường phổ thông Năng khiếu, ĐH Quốc gia TP.HCM - vừa được nhận vào chuyên ngành khoa học máy tính tại Đại học Cornell (Mỹ) với suất học bổng 290.000 USD (tương đương hơn 6,8 tỉ đồng).