82 tuổi đời, 21 năm lãnh đạo công tác lễ tân của Văn phòng Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, rồi Tổng thống Liên Xô và hai đời Tổng thống Nga, ông Vladimir Shevchenko là người tham gia xây dựng nhiều chương trình hoạt động đối ngoại và có rất nhiều kỷ niệm về các nhà lãnh đạo cao nhất của Liên Xô, Liên bang Nga.
Vladimir Shevchenko đã nhiều lần chia sẻ với báo chí nhiều chuyện lý thú về công việc đặc thù của mình.
Nhân dịp sắp diễn ra hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden, "sếp lễ tân" giàu kinh nghiệm của Điện Kremlin đã trả lời phỏng vấn hãng thông tấn TASS, đưa ra những nhận định rất đáng chú ý.
Quan hệ Mỹ - Nga năm 2021 cũng căng như năm 1985
Vladimir Shevchenko cho rằng cuộc gặp Putin – Biden ngày 16/6/2021 tại Geneva sẽ có khả năng đột phá, giống như cuộc gặp thượng đỉnh Mikhail Gorbachov – Ronald Reagan cũng tại thành phố này năm 1985.
"Hai cuộc gặp (1985 và 2021) có bối cảnh y chang nhau. Hồi đó, tính đến năm 1985, suốt 6 năm liền không có hội nghị thượng đỉnh Liên Xô – Mỹ. Lần cuối hai nhà lãnh đạo, Tổng Bí thư Leonid Brezhnev và Tổng thống Jimmy Carter gặp nhau ở thủ đô Viên của Áo. Quan hệ Xô – Mỹ những năm đó cũng rất căng thẳng, có thể còn xấu hơn hiện nay. Nhưng may mắn là thời đó chưa có Internet, chưa có các trang thông tin trực tuyến và mạng xã hội nên chưa có đất dụng võ cho các 'chuyên gia nghiên cứu chính trị' suốt ngày phân tích, dự báo như bây giờ!" – ông Vladimir Shevchenko nhận xét.
Tổng thống Mỹ Ronald Reagan (trái) và Tổng bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachov tại hội nghị thượng đỉnh năm 1985 tại Geneva, Thụy Sĩ (Ảnh: US National Archives)
Vladimir Shevchenko cho biết, năm đó giữa Liên Xô và Mỹ đã có nhận thức chung là hai bên phải gặp nhau, phải đối thoại để tìm kiếm những điểm tương đồng.
"Mỹ gọi Liên Xô là đế chế của ác quỷ, nhưng mọi chuyện không bị thổi lên ầm ĩ mọi lúc, mọi nơi như cách làm của cái gọi là chuyên gia nghiên cứu chính trị thời nay" - ông nhớ lại.
"Điều tôi mong đợi nhất là vào ngày 16/6 tới đây hai đoàn đại biểu Nga và Mỹ sẽ có những cuộc đối thoại trực tiếp, thẳng thắn để hai Tổng thống nghe hết ý kiến của nhau và cùng đi tới hiểu biết trong vấn đề chính yếu nhất là không thể để thế giới trôi tuột tới miệng hố thảm họa. Cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra là thắng lợi chung, là đột phá".
Tuy nhiên, ông Vladimir Shevchenko đánh giá việc Moskva cho thấy không trông đợi những kết quả to lớn tại cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ là "một cách tiếp cận sáng suốt", bởi vì những sự kiện lớn bao giờ cũng chứa đựng yếu tố không lường trước được.
Putin và Biden là những nhà đàm phán tài giỏi
Vladimir Shevchenko cũng đưa ra nhận xét của mình về Tổng thống Nga và Tổng thống Mỹ. Theo ông, Vladimir Putin "là một nhà đàm phán rất tài tình, ông ấy có thể tiếp cận vững vàng với bất kỳ chủ đề nào, ông ấy thông thạo mọi lĩnh vực".
Còn Tổng thống Mỹ Joe Biden, theo Vladimir Shevchenko, "là một nhân vật dày dạn kinh nghiệm, có thâm niên hơn nửa Thế kỷ hoạt động chính trị; ông ấy là chính khách, không phải là nhà ngoại giao chuyên nghiệp, nhưng là một nhà đàm phán vững vàng, trên vai ông đã có rất nhiều cuộc thương lượng".
Vladimir Shevchenko sinh năm 1939. Từ năm 1985 làm việc tại Vụ Phục vụ các đoàn đại biểu cấp cao thuộc Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, đã trực tiếp tham gia tổ chức cuộc gặp Gorbachov – Reagan tại Geneva năm 1985.
Năm 1990 thành lập và đứng đầu Vụ Lễ tân, thuộc Văn phòng của Tổng thống đầu tiên của Liên Xô M. Gorbachov.
Từ 1992 đến 2000 lãnh đạo Cục Lễ tân của Tổng thống Nga Boris Yeltsin.
Từ 2008 đến 2011 là Cố vấn của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev.
Nói về một vài khía cạnh cụ thể của các cuộc gặp thượng đỉnh, Vladimir Shevchenko cho biết, nhiều khi công chúng thấy hình ảnh hai nhà lãnh đạo dạo chơi, trò chuyện với nhau không cần phiên dịch… Nhưng đó chỉ là những lời hỏi thăm "riêng tư" về gia đình, về con cái thôi, chứ trao đổi về công việc thì bao giờ cũng phải có người phiên dịch.
Ông khẳng định mặc dù Tổng thống V. Putin biết tiếng Anh nhưng chắc chắn trong cuộc gặp Geneva sắp tới phải có sự phục vụ của các phiên dịch.
Ở Liên Xô trước đây, Cao ủy Ngoại giao Maxim Litvinov (giữ trọng trách này trong các năm 1930-1939) hay Andrei Gromyko, Bộ trưởng Ngoại giao từ năm 1957 đến 1985, đều là những người thông thạo tiếng Anh. Nhưng truyền thống của ngoại giao Liên Xô, Nga là đàm phán thì đều phải thông qua phiên dịch.
Covid-19 không phải là trở ngại lớn
Tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở Nga và nhiều nước khác, nhưng Shevchenko cho rằng đây "không phải là trở ngại lớn cho bộ phận lễ tân của hai Tổng thống, nó chỉ có thể ảnh hưởng đến các phương án tổ chức cuộc gặp".
Theo ông, trong điều kiện Covid-19, có thể phải tính toán, thỏa thuận cụ thể phương thức làm việc phối hợp của hai đoàn đại biểu, cách thức bắt tay, chào hỏi, đi lại v.v… Các đoàn tiền trạm đã sang Geneva để phối hợp với nước Thụy Sĩ chủ nhà giải quyết các vấn đề phòng chống dịch, trong đó có quy định đeo khẩu trang, sát khuẩn, những vấn cụ thể về đón tiếp, hộ tống Tổng thống, đoàn đại biểu…
Nhớ lại tình hình năm 1985, ông cho biết, "Thụy Sĩ hồi đó rất yên lành, thiên nhiên tươi đẹp, không khí trong sạch, không hề có vấn đề gì về dịch bệnh, mặc dù các biện pháp cần thiết về y tế luôn luôn phải được quan tâm trong khâu tổ chức những sự kiện lớn, đặc biệt có hiện diện các nhà lãnh đạo cao nhất.
Năm 1985, tuy gặp gỡ tại Geneva, nhưng danh nghĩa là phía Mỹ đón tiếp, vì địa điểm là biệt thự Fleur d'Eau, cho nên, theo quy tắc lễ tân, Tổng thống Mỹ chìa tay ra trước bắt tay Tổng bí thư Liên Xô. Hồi đó không có dịch bệnh, bắt tay nhau là đương nhiên!"
Vladimir Shevchenko kể lại: "Các cuộc gặp năm 1985 và 1986 đều diễn ra trong mùa Thu là mùa cúm, nhưng không hề có quy định phải tiêm chủng đối với các thành viên hai đoàn đại biểu. Trong tất cả những chuyến thăm của Tổng Bí thư Gorbachov hay Tổng thống Yeltsin, tôi chưa từng thấy trường hợp nào có thành viên của đoàn đại biểu bị cảm cúm buộc phải nghỉ cả. Đơn giản vì các chuyến đi được chuẩn bị rất kỹ càng, mọi thứ được kiểm soát".
Cuộc gặp giữa Tổng Bí thư Trung ương Đảng cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachov và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan diễn ra lần đầu tại Geneva trong các ngày 19-21/11/1985 và trong hai ngày 11-12/10/1986 tại Reykjavik, Iceland.
Trong cuộc gặp Geneva, hai bên cam kết không để xẩy ra chiến tranh hạt nhân, không tìm cách giành ưu thế quân sự đơn phương. Cuộc gặp tại Reykjavik là một bước quan trọng thúc đẩy đối thoại Xô - Mỹ về thủ tiêu tên lửa tầm trung và cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược. Cuộc gặp này được cho là sự kiện đánh dấu kết thúc Chiến tranh lạnh.