Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil) vừa ra văn bản gửi các đơn vị trực thuộc, theo đó yêu cầu người lao động không làm thêm những công việc có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 như shipper, taxi công nghệ, bán hàng...
Văn bản cũng nêu rõ: Nếu thực sự có nhu cầu phải làm thêm các công việc này, nhân viên PVOil được yêu cầu làm đơn xin nghỉ việc để tổng công ty, đơn vị xem xét hỗ trợ một lần theo quy định.
Văn bản của PVOil đưa ra trong bối cảnh tổng công ty có người lao động làm thêm công việc lái xe taxi công nghệ vô tình chở trúng ca F0, làm nhiều người trong đơn vị và gia đình trở thành F1, F2... phải cách ly, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh và cuộc sống nhiều người liên quan.
Tổng Giám đốc PVOil Đoàn Văn Nhuộm cho biết Tổng công ty cũng như nhiều doanh nghiệp đang từng bước khắc phục khó khăn để vừa bảo đảm sản xuất kinh doanh, vừa phòng, chống dịch hiệu quả.
Do vậy, bằng khả năng, tổng công ty đang cố gắng tạo mọi điều kiện để người lao động có việc kinh doanh và cuộc sống ổn định bình thường nhất có thể, văn bản của PVOil nêu rõ.
VietNamNet dẫn lời ông Đoàn Văn Nhuộm - Tổng Giám đốc PVOil - xác nhận có ra công văn với nội dung như trên.
"Có hiện tượng một số anh em các đơn vị đi làm thêm. Ví dụ mua xe chạy Grab, bán hàng trong lúc tình hình dịch phức tạp là rất nguy hiểm. Hiện tại công ty vẫn duy trì công việc cho cán bộ nhân viên, đảm bảo các quy định về phòng dịch khi đi làm", ông Nhuộm nói.
Liên quan đến văn bản cấm làm thêm công việc có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao, ông Cao Hoài Dương - Chủ tịch HĐQT PVOil - trả lời trên VnExpress: "Khó khăn thực sự nhưng tới giờ chúng tôi vẫn đảm bảo thu nhập cho người lao động, chưa sa thải bất kỳ ai và chưa nợ lương của anh em đồng nào".
"Chúng tôi muốn nhắc nhở, chấn chỉnh người lao động trước diễn biến rất phức tạp của dịch bệnh, khi trong hệ thống đã có nhiều F1, F2 phải cách ly, ảnh hưởng lớn tới chuỗi sản xuất, kinh doanh. Đây là việc bảo vệ sức khoẻ của tập thể, số đông người lao động trong hệ thống".
Đêm 14/6, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - công ty mẹ của PVOil, đã yêu cầu doanh nghiệp này rút lại văn bản trên.
Bình An
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị