Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa ban hành chỉ thị yêu cầu toàn ngành đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021.
Trong đó, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án được Bộ GTVT giao đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà thầu, tư vấn, quyết toán… Cử cán bộ thường xuyên có mặt tại hiện trường phối hợp, làm việc với các địa phương để tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), thiếu nguồn vật liệu xây dựng.
“Với mục tiêu các dự án của Bộ GTVT đến hết tháng 12-2021 đạt tỉ lệ giải ngân tối thiểu 90% và đến 31-1-2022 giải ngân 100% kế hoạch. Trong đó, các dự án có nguồn vốn kéo dài từ kế hoạch năm 2020 phải giải ngân toàn bộ trước ngày 31-12-2021…”- Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo.
Nhiều dự án giao thông hiện vướng mặt bằng nên chưa thể triển khai thi công. Ảnh: V.LONG
Vụ Kế hoạch và đầu tư được Bộ GTVT yêu cầu kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn từ dự án không hiệu quả, chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt còn thiếu vốn.
Bộ GTVT cũng giao Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện đầu tư các dự án. Đặc biệt dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, Mỹ Thuận - Cần Thơ, tuyến đường bộ nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với Cầu Giẽ - Ninh Bình và các dự án có tiến độ thực hiện, giải ngân chậm.
Theo Vụ Kế hoạch và đầu tư, năm 2021 ngành được giao vốn khoảng 43.401 tỉ đồng. Đến nay, đơn vị đã giao kế hoạch chi tiết 40.933/42.996 tỉ đồng, đạt 95,2% kế hoạch, còn hơn 2.000 tỉ đồng đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục để bàn giao.
Tính đến hết tháng 5-2021, Bộ GTVT giải ngân được khoảng 13.516 tỉ đồng, đạt 32,7% kế hoạch đã phân bổ và đạt 32,1% kế hoạch Thủ tướng giao.
Theo ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư, nguyên nhân dẫn tới kết quả giải ngân trong năm tháng đầu năm 2021 của Bộ GTVT chưa đạt so với mục tiêu đề ra chủ yếu do công tác GPMB, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật tại một số địa phương còn chậm.
Cạnh đó, nguồn vật liệu phục vụ thi công tại một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam qua các địa phương như Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đồng Nai vẫn đang thiếu hụt. Ngoài ra, một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án chưa quyết liệt việc đôn đốc thực hiện dự án.
“Để hoàn thành kế hoạch đề ra, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án cần chủ động phối hợp chặt chẽ với địa phương để tháo gỡ, vướng mắc trong công tác GPMB, sớm hoàn thiện hồ sơ thanh toán đối với khối lượng đã thi công được nghiệm thu”- ông Huy cho hay.
Tại cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng khẳng định không thể chấp nhận tình trạng dự án chậm tiến độ và sẽ có giải pháp mạnh để chấn chỉnh các đơn vị được giao đại diện chủ đầu tư. Dự án chậm tiến độ, giải ngân chậm sẽ không được giao thêm dự án mới trong thời gian tới.
Cùng với đó, chủ đầu tư nào giải ngân chậm Bộ GTVT sẽ thu hồi vốn để điều chuyển sang dự án khác giải ngân tốt, không thể để tình trạng ôm vốn rồi không giải ngân được. Ngoài ra, Bộ GTVT sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu các chủ đầu tư giải ngân chậm, để dự án chậm tiến độ.