Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm
Theo thống kê của Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 5, cả nước mới giải ngân được gần 117,5 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 20,3% kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước. Đặc biệt, nguồn vốn vay nước ngoài ODA giải ngân rất chậm, chỉ đạt hơn 7% kế hoạch cả năm.
Theo Bộ Tài chính, hiện mới có 7 Bộ và 8 địa phương giải ngân đạt trên 25% kế hoạch như: Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định, Thanh Hóa, Hà Nam và Kiểm toán nhà nước. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tới 39/50 Bộ, ngành và 17/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%. Đặc biệt, có 13 Bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn và 8 Bộ có tỷ lệ giải ngân dưới 1%.
Cùng với sự chậm trễ giải ngân, nhiều Bộ, ngành, địa phương cũng không thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ về tình hình thực hiện, thanh toán vốn đầu tư công và đề xuất giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Tình hình giải ngân vốn đầu tư công của nhiều Bộ, ngành và địa phương vẫn còn khá chậm. Ảnh minh họa.
Cần sớm xử lý vướng mắc thúc giải ngân vốn đầu tư công
Có nhiều nguyên nhân khác nhau đã được các Bộ, ngành và địa phương đưa ra để giải thích cho sự chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công trong nửa đầu năm nay như là dịch bệnh, nguyên vật liệu thiếu hụt và giá cả tăng cao đột biến, đặc biệt là giá thép xây dựng... khiến tiến độ thi công của nhiều nhà thầu bị ảnh hưởng.
Việc sớm xử lý những vướng mắc này đang là bài toán cấp thiết đặt ra đối với các cơ quan chức năng để có thể hoàn thành giải ngân gần 80% vốn đầu tư công còn lại trong nửa cuối năm như mục tiêu Chính phủ đã đề ra.
Thép xây dựng tăng đến 40% khiến không ít nhà thầu tại dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông phải thi công cầm chừng, thậm chí dừng hẳn với tâm lý chờ đợi giá cả ổn định trở lại. Theo đại diện Bộ GTVT, các dự án giao thông trọng điểm đều thông qua đấu thầu và ký hợp đồng nên dù có biến động về giá vẫn không được điều chỉnh. Nhà thầu vẫn phải đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình.
"Đứng về quản lý, trách nhiệm của nhà thầu, nhưng cũng xem xét hướng tháo gỡ vì nhà thầu không làm thì vi phạm hợp đồng, còn làm có khả năng lỗ", ông Lê Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình, Bộ GTVT nói.
Việc sớm xử lý những vướng mắc này đang là bài toán cấp thiết đặt ra đối với các cơ quan chức năng để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh minh họa.
Còn theo đại diện Bộ NN-PTNT, tính đến hết tháng 5, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của đơn vị này đạt gần 2.600 tỷ đồng, bằng gần 26,5% kế hoạch năm. Những khó khăn về tăng giá nguyên vật liệu cũng đang được tích cực tháo gỡ.
Ông Nguyễn Tất Đại - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ NN-PTNT cho biết: "Rà soát lại các hợp đồng đã ký với các nhà thầu nếu trong hợp đồng có quy định về điều chỉnh giá thì khẩn trương tính toán để thực hiện điều chỉnh giá theo đúng quy định pháp luật".
Ngoài những nguyên nhân khách quan, các nguyên nhân chủ quan liên quan đến việc lập kế hoạch, lựa chọn và phê duyệt dự án của các Bộ ngành, địa phương chưa hiệu quả cũng làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2021 - 2025 sẽ có khoảng 1.200 dự án phải cắt giảm vì chưa thực sự cần thiết.
"Giao quyền quyết định cho người đứng đầu các ngành, Bộ ngành và địa phương để quyết định dự án nào cần trước, dự án nào sau để tránh áp lực không đáng có lên chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ", ông Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng cho hay.
Mới đây, Chỉ thị số 13 về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, nêu rõ sẽ cắt giảm số lượng dự án đầu tư công chưa thực sự cần thiết.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương phải kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường kiểm tra giám sát, đánh giá thực hiện và khen thưởng kỷ luật nghiêm minh… Đảm bảo mục tiêu vốn đầu tư công thực sự đóng vai trò dẫn dắt, là vốn mồi để thu hút các nguồn lực kinh tế khác.
37 địa phương chưa giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn nước ngoài VTV.vn - Đến cuối tháng 5, có 37 trong 63 địa phương chưa giải ngân được đồng nào vốn đầu tư công từ nguồn vốn nước ngoài ODA, vốn vay ưu đãi. | Nhiều vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn nước ngoài VTV.vn - Đến hết ngày 10/6, giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn nước ngoài của các bộ ngành theo kế hoạch vốn năm 2021 mới đạt 1.253 tỷ đồng, tức khoảng 7,5% dự toán được giao. | Giải ngân đầu tư công từ nguồn nước ngoài mới đạt 7,5% dự toán VTV.vn - Một trong những nguyên nhân là do tình hình dịch COVID-19 nên ảnh hưởng tới quá trình làm thủ tục với nhà tài trợ nước ngoài. |
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.93234230151601202-gnoc-ut-uad-nov-nagn-iaig-hca-i-hneb-tab/et-hnik/nv.vtv