Cô thợ máy hiếm hoi trên tàu viễn dương - Ảnh: THY HUỆ
Khi còn bé, anh trai đã tự mày mò làm cho mình một con thuyền nhỏ chạy bằng pin AAA. Chiều nào anh em cũng ra bờ sông sau nhà thả thuyền cho nó chạy. Lúc đó, mình đã ước mơ lớn lên trở thành người làm cho con thuyền chạy khắp sông, khắp biển.
Hứa Nguyễn Hoài Thương
Bóng hồng trong khoang máy
Trên chuyến hải trình của Hoài Thương, cả tàu chỉ có mình cô là nữ thủy thủ. "Trước chưa từng có, nay có đúng hai cô. Một cô thì đã đi tàu quốc tế. Còn một cô duy nhất thuộc công ty vận tải biển của Việt Nam" - ông Lê Minh Dũng, tổng giám đốc Công ty CPTM vận tải biển Trường Phát Lộc, TP.HCM, nói về nữ thuyền viên đầu tiên của công ty. Đó là cô thợ máy tàu viễn dương Hứa Nguyễn Hoài Thương, 23 tuổi.
Ngay từ bé, Hoài Thương đã thầm mơ về những con tàu giương buồm ra biển lớn. Khi vào Trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM, Hoài Thương mới nhận ra niềm đam mê đặc biệt với... phòng máy của những con tàu khổng lồ. Dù biết rằng những con tàu viễn dương có hải trình nhiều khi kéo dài cả năm, nhưng Thương vẫn chọn làm nữ thuyền viên.
Cô chia sẻ: "Mình thích cảm giác được thử thách ở nơi sẽ vận hành con tàu như buồng máy, và cũng mơ ước sẽ theo con tàu đi khắp các đại dương trên thế giới".
Cho đến nay, Hoài Thương bắt đầu công việc của một kỹ sư trong tổ máy của tàu viễn dương đã gần một năm. Trong những ngày này, cô đang lênh đênh trên chuyến hải trình quốc tế vận chuyển hàng hóa cho công ty. Thương chia sẻ về một ngày làm việc của cô trên tàu qua nhật trình:
"Mỗi buổi sáng mọi người sẽ cùng nhau tham gia buổi họp "Morning Meeting". Chief Engineer - máy trưởng là người dẫn đầu buổi họp và 2nd Engineer - kỹ sư thứ 2 sẽ phân công nhiệm vụ cần phải hoàn thành trong ngày. Tại buổi họp, mọi người cùng nhau trao đổi những khó khăn có thể xảy ra trong quá trình hoàn thành nhiệm vụ và đưa ra những hướng giải quyết dự phòng. Thông thường buổi họp khoảng 30 phút. Sau đó mọi người sẽ cùng nhau thực hiện tuần tự các công việc theo như sự phân công của 2nd Engineer.
Đối với mình, chuyến hải trình đầu tiên trong vai trò thợ máy chính thức thật tuyệt vời. Trước khi được chính thức công tác trên tàu mình đã phải trải qua nhiều lần đi thực tập trên các con tàu của công ty ở trên đà, dưới sự quan sát của phòng kỹ thuật. Mình phải học thành thạo các dụng cụ hỗ trợ và cách sử dụng, làm quen dần với các thiết bị máy móc có trong buồng máy và cách xử lý khi có vấn đề nào đó xảy ra trên tàu.
Dù đã được công ty tập huấn rất sát sao trước khi tham gia làm việc trên tàu, nhưng mình vẫn bỡ ngỡ, lo không làm tròn nhiệm vụ. Rồi sợ tay chân vụng về sẽ làm hỏng các thiết bị, máy móc. Nhưng mình nghĩ trước hết phải tự tin với kiến thức đã được học, sau đó nhờ niềm vui khi được làm việc trực tiếp trên khoang máy đã khiến mình quên hết cả lo âu.
Hiện tại trong buồng máy vẫn chưa có khâu nào làm khó được mình vì sĩ quan buồng máy luôn tìm và giao cho các anh em những công việc phù hợp với từng người. Tuy nhiên, về mặt kiến thức thì việc nắm được tất cả hệ thống đường ống trên tàu lại làm khó mình một chút và mình cần phải tìm hiểu, tích cực học hỏi hơn nữa để vượt qua thiếu sót của bản thân. Mình nhớ lần đầu tiên vận hành thành công lò đốt rác trong buồng máy dưới sự phân công và theo dõi trực tiếp của sĩ quan, đó là một cảm xúc vui sướng, lâng lâng khó tả nên lời".
Hoài Thương vận hành lò đốt rác trên tàu - Ảnh: NVCC
Niềm vui kể hoài không hết
Ở vị trí là một nữ thợ máy, Thương nói không hề cảm thấy công việc nặng nhọc. Ngược lại, với cô là niềm vui và tự hào khi một ngày trôi qua lại được sống đam mê, cống hiến hết mình cho những con tàu ra khơi an toàn.
Cô thợ máy trẻ tâm sự: "Niềm vui thì kể mãi cũng không hết được. Mình luôn được sĩ quan phân công những việc phù hợp với thể lực nhất, và lúc nào cũng được mọi người tận tình chỉ dạy. Và vì nhỏ tuổi nhất trên tàu nên lúc nào mọi người cũng xem mình như đứa em gái trong gia đình, được cưng chiều hết mực luôn.
Chẳng hạn như lúc đăng ký thực phẩm, mọi người thường đặt thêm rất nhiều bánh trái và nước ngọt dành riêng cho mình. Hay những ngày tàu neo, vào buổi tối sau giờ làm, mọi người thường tìm những thú vui giải trí như câu mực, câu cá trên biển. Những con mực, con cá nướng tươi rói được câu từ biển lên thật sự là rất ngọt và rất ngon".
Có một nguyên nhân được một số người cho rằng giới nữ ít được lên tàu làm việc vì ảnh hưởng sức khỏe sinh sản. Trước khi chọn công việc lênh đênh trên biển, Thương cũng hay nghe đồng nghiệp nói về điều này.
Cô chia sẻ: "Qua trải nghiệm thực tế của mình trên tàu thì những tác hại nghề nghiệp đến sức khỏe chỉ xảy ra khi chúng ta không tuân thủ quy định, không trang bị bảo hộ cá nhân theo yêu cầu trước khi tiếp xúc hóa chất hay bất kỳ thiết bị nào. Khi đã nắm được quy tắc an toàn thì sẽ không ảnh hưởng gì đến sức khỏe".
Cô thợ máy cũng chia sẻ những vất vả trong công việc và một hình mẫu sĩ quan tàu viễn dương mà cô thầm ngưỡng mộ: "Hồi đó, một sĩ quan mà mình đã có dịp làm việc chung trên tàu Spring 3. Những ngày tàu lên đà bảo dưỡng là những ngày vất vả và áp lực nhất đối với thuyền viên, với một số lượng công việc lớn phải làm nhưng anh lúc nào cũng vui vẻ, hòa đồng. Mình rất ngưỡng mộ cách làm việc và cách sống của anh, một người sống và làm việc bằng tất cả tinh thần và trách nhiệm. Đó là một hình mẫu mà mình sẽ nỗ lực để được giống như anh".
Chọn công việc "hàng hiếm" với phụ nữ xưa nay, Thương may mắn có được sự ủng hộ từ gia đình và đồng nghiệp. Thuyền trưởng Nguyễn Đức Cương nói về cô "học trò" nhỏ: "Hoài Thương là cô gái hòa đồng, mẫn cán, ham học hỏi và không sợ khó. Ước mơ của bạn ấy là muốn được trở thành sĩ quan máy tàu biển trong tương lai gần. Và tôi tin là Thương sẽ làm được".
Còn đồng nghiệp trực tiếp hướng dẫn Thương hiện tại, máy trưởng Phạm Ngọc Ảnh, chia sẻ: "Hoài Thương đã cố gắng rất nhiều trong công việc, tìm hiểu chuyên môn nghề nghiệp và tiếp cận với công việc nhanh. Thương cũng sống hòa đồng với mọi người. Tuy là thợ máy nữ nhưng Hoài Thương không thua kém đồng nghiệp cùng cấp".
Dự định sắp tới của Thương là sẽ học hỏi thêm kiến thức để trở thành kỹ sư bậc 4 như một người anh trong nghề mà cô ngưỡng mộ. Và đó cũng là những bậc thang vững chắc để Thương tiếp tục giong buồm cho ước mơ lênh đênh trên đại dương của cô...
Ông Lê Minh Dũng chia sẻ: "Khó khăn của các nữ thuyền viên là việc cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn từ Cục Hàng hải dù Luật Lao động năm 2019 đã công nhận. Thương đang đi trên tàu với các giấy huấn luyện cơ bản của Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM cấp. Đó là các chứng chỉ huấn luyện cơ bản liên quan đến an toàn sinh mạng trên biển như: cứu sinh, cứu hỏa, sơ cứu, an ninh...
Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn là để Thương nhận một chức danh chính thức trên tàu. Việc này khiến Thương thiệt thòi khi chưa được ghi nhận chức danh chính thức trong sổ thuyền viên vì chưa được cấp giấy".
---------------------------
Kỳ tới: Nữ võ sĩ đặc biệt
Được phong kiện tướng quốc gia cả 5 môn võ nhưng cô đã có thời gian phải đi... "đấm thuê" cho các đơn vị để nuôi nghiệp võ.
TTO - Những cô gái trẻ đẹp thức dậy sớm để 6h sáng vào lớp luyện kiếm đạo Nhật Bản (kendo) ở Câu lạc bộ (CLB) Nitoukan, Nhà thi đấu Phú Thọ, TP.HCM.
Xem thêm: mth.6072020241601202-gnoud-neiv-uat-yam-oht-oc-5-yk-hnam-caig-mac-hciht-gnoh-gnob-gnuhn/nv.ertiout