Theo FiinGroup, định giá cổ phiếu ngân hàng không còn hấp dẫn trong khi dư địa tăng trưởng khối bảo hiểm, bất động sản và bán lẻ còn nhiều.
Theo FiinGroup, ngành còn dư địa tăng giá là ngành mà giá cổ phiếu đã tăng nhưng vẫn chưa phản ánh toàn bộ vào giá chứng khoán. Điều này thể hiện qua việc so sánh giữa chỉ số P/E (hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) dự báo (forward) và P/E hiện tại cũng như bình quân của 3 năm qua. Riêng khối ngành tài chính, FiinGroup sử dụng chỉ số P/B (hệ số giá trên giá trị sổ sách) trong đánh giá này.
Theo FiinGroup, nhóm cổ phiếu ngân hàng đóng góp đến 43% lợi nhuận toàn thị trường, dự báo khối ngân hàng sẽ có lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 23,8% trong năm 2021. Đáng chú ý, chỉ số nhóm đã tăng trưởng 34,4% kể từ đầu năm cho thấy, định giá cổ phiếu nhóm này không còn nhiều hấp dẫn so với triển vọng lợi nhuận năm 2021.
Với nhóm cổ phiếu ngân hàng, FiinGroup cho rằng, yếu tố rủi ro pha loãng cũng khá lớn. Số lượng cổ phiếu mới phát hành của toàn bộ doanh nghiệp niêm yết là 102,6 nghìn tỉ, trong đó các ngân hàng chiếm 21,4% và lên tới 22 nghìn tỉ đồng. Do đó, lãi cơ bản trên cổ phiếu EPS nhóm ngân hàng có mức tăng trưởng thấp hơn nhiều lợi nhuận sau thuế, dự báo chỉ đạt 4,6%; P/B dự kiến năm 2021 là 2,0x, thấp hơn so với mức hiện tại (2,6x).
Với nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhà đầu tư cần theo dõi các thay đổi chính sách như lãi suất huy động, tỉ lệ trích lập dự phòng nợ xấu, tăng trưởng lợi nhuận cũng như hoạt động phát hành pha loãng.
FiinGroup cũng nhận định, cổ phiếu ngành bảo hiểm, bất động sản và bán lẻ đang còn dư địa tăng trưởng nhiều, đang được định giá khá hấp dẫn.
Theo dữ liệu của FiinGroup, cổ phiếu ngành bảo hiểm đã giảm 3,0% kể từ đầu năm nay và chỉ tăng 27,2% trong vòng 1 năm qua cho dù đây là ngành có lợi nhuận năm 2020 tăng trưởng tốt (+25%) bất chấp ảnh hưởng của dịch COVID-19. Định giá P/B của ngành đang ở mức 1,5x, tương đương với P/B forward 2021 nhưng thấp hơn so với mức trung bình 3 năm (2,2x).
FiinGroup nhận định xu hướng lãi suất tăng trở lại trong nửa cuối năm 2021 là yếu tố tác động đến lợi nhuận của ngành bảo hiểm vì phần lớn danh mục đầu tư của họ là tài sản nhạy cảm với lãi suất (70%-80% là tiền gửi).
Ngoài ra, câu chuyện về thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đầu ngành bảo hiểm như Tập đoàn Bảo Việt (BVH), Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh (BMI) và Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIG) có thể là yếu tố xúc tác cho cổ phiếu ngành bảo hiểm.
FiinGroup cho biết, chỉ số giá nhóm cổ phiếu bất động sản đã tăng 26,6% kể từ đầu năm, nhưng định giá chung của ngành bất động sản vẫn khá hấp dẫn. Hệ số định giá P/E của ngành năm 2021 được dự báo ở mức 20,4x, thấp hơn so với mức trung bình 3 năm (24,8x) và mức định giá hiện tại (22,2x). Hiện P/B ngành đang ở mức 3,2x, thấp hơn so với mức trung bình 3 năm (5,7x).
Giá cổ phiếu bán lẻ đã tăng 22,8% từ đầu năm 2021. Năm 2021, dự kiến doanh thu tăng trưởng 16,1% và lợi nhuận sau thuế tăng 32,2%. Trong quý I, về cơ bản doanh số bán hàng chưa có sự bứt phá mạnh, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế tăng mạnh (+36,5% so với cùng kỳ năm trước) nhờ biên lợi nhuận cải thiện. Cổ phiếu ngành bán lẻ hiện có định giá P/E ở mức 17,9x, vẫn hấp dẫn nếu so với triển vọng tăng trưởng lợi nhuận 2021 dù đã cao hơn so với mức trung bình 3 năm.
Xem thêm: odl.696029-gnat-aid-ud-ueihn-oab-ud-coud-el-nab-nas-gnod-tab-meih-oab-ueihp-oc/et-hnik/nv.gnodoal