Bên trong Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM sau khi có thông báo tạm dừng tiếp nhận khám chữa bệnh để phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 sáng 16-6 - Ảnh: NHẬT THỊNH
Trong cuộc họp báo thông tin về dịch COVID-19 mới đây, ông Nguyễn Trí Dũng - giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) - cho biết đặc điểm lớn nhất của các chuỗi lây nhiễm trong đợt dịch này là biến chủng B.1.617.2 (biến chủng Delta, phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ).
Tại TP.HCM, lần đầu tiên ghi nhận biến chủng này là hai ca nhiễm ở Thủ Đức và quận 7 từng đến một công ty ở quận 3 làm việc, tiếp đó là 7 thành viên trong nhóm truyền giáo Phục Hưng. Cho đến nay, thành phố đã ghi nhận những người trong một gia đình, người làm trong cơ quan, trong cùng tòa nhà, chung cư… tại nhiều quận, huyện cũng mắc biến chủng này.
Theo ông Dũng, sự lây lan của biến chủng Delta hoàn toàn khác so với những biến chủng trước đây tại TP.HCM. Ông dẫn chứng nguyên nhân hình thành chuỗi lây tại quán bar Buddha (quận 2) bởi khoảng cách tiếp xúc giữa các bệnh nhân rất gần. Thế nhưng với biến chủng này thì chỉ riêng Công ty Thiên Tú FN đã có 71 ca mắc COVID-19 trong số hơn 300 người cùng làm việc trong một không gian kín.
Đặc biệt, qua khảo sát và đánh giá những người mắc COVID-19 có triệu chứng, cơ quan y tế nhận thấy rất nhiều người mắc biến chủng này chỉ tiếp xúc trong vòng 3 ngày thì đã có triệu chứng. Theo đó, có đến 66% người bệnh mắc chủng Delta có triệu chứng (trong khi đó biến chủng Anh là 20%) và chỉ trong vòng 3 ngày chúng đã tạo ra một chu kỳ mới.
"Khi phát hiện những ca chỉ điểm ở Củ Chi, Hóc Môn qua khám bệnh, chúng tôi đã nhanh chóng truy vết người trong gia đình, hàng xóm của họ. Ngay trong đêm đã có hai mươi mấy trường hợp nhiễm, tức bệnh đã lây từ trước. Khi điều tra biết được những người trong gia đình đã có triệu chứng từ trước" - ông Dũng nói.
Giải thích vì sao tốc độ lây lan của biến chủng Delta diễn ra nhanh, ông Dũng cho hay đặc điểm của biến chủng này là có tỉ trọng nhẹ hơn các biến chủng khác nên thời gian chúng lơ lửng trong không khí lâu hơn trước khi rơi xuống các bề mặt.
Ông Dũng cũng đánh giá biến chủng Delta này gần giống như cúm H1N1, tuy nhiên tỉ lệ người mắc cúm H1N1 có triệu chứng cao hơn, đặc biệt là ho rất nhiều. Về tỉ lệ bệnh nặng và tử vong khi mắc biến chủng này, theo ông Dũng, cần phải có thời gian để đánh giá chính xác.
"Chúng tác động đến quần thể người Việt Nam nặng như thế nào, để lại biến chứng ra sao, hay dễ tử vong hay không thì còn phụ thuộc vào bệnh nền của người mắc COVID-19" - ông Dũng chia sẻ thêm.
Theo Bộ Y tế, tính đến trưa 16-6, TP.HCM đã có 1.015 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, chỉ đứng sau hai điểm nóng dịch ở Bắc Giang và Bắc Ninh. Từ tháng 5-2021, Sở Y tế TP.HCM đưa ra 3 phương án ứng phó tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn, trong đó tình huống cao nhất là dịch bùng phát trong cộng đồng với số ca bệnh dao động từ 1.000 - 5.000 người (tối đa 1.000 giường hồi sức).
TTO - Tính đến trưa 16-6, TP.HCM ghi nhận hơn 1.000 ca mắc COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là ngưỡng ca bệnh đòi hỏi TP.HCM phải chuyển đổi sang kịch bản chống dịch COVID-19 khác. Kịch bản đó như thế nào?
Xem thêm: mth.43312154161601202-mch-pt-o-hnahn-nal-yal-atled-gnuhc-neib-oas-iat/nv.ertiout