Mặc dù tin rằng chính quyền đảo Đài Loan đã chống dịch COVID-19 rất tốt hồi năm ngoái, nhưng doanh nhân Miles Hu vẫn lo lắng rằng đảo này không đủ vaccine để tiêm cho 23,7 triệu dân nhanh chóng.
Ông Hu dự định sẽ tiêm vaccine COVID-19 tại Mỹ vào cuối tháng này, nhân một chuyến công tác tới thành phố Los Angeles (Mỹ). "Tôi khá chắc rằng Đài Loan sẽ không thể đảm bảo có đủ vaccine cho tất cả mọi người vào cuối năm nay, nên tôi đã quyết định kết hợp vừa đi công tác, vừa tiêm chủng", ông này cho biết.
Trả lời phóng viên Straits Times, Hu tiết lộ rằng ông sẽ đặt lịch tiêm vaccine tại một hiệu thuốc gần căn hộ ông thuê trên Airbnb. Nhiều bang ở Mỹ chấp nhận tiêm chủng miễn phí cho cả người không có giấy tờ chứng minh quốc tịch hoặc thường trú tại nước này.
Mặc dù Hu tin rằng đảo Đài Loan đã "chống dịch COVID-19 rất tốt, tốt hơn nhiều nơi khác", nhưng ông cho rằng chính quyền đảo chưa có kế hoạch rõ ràng để đảm bảo nguồn cung vaccine cho 23,7 triệu dân.
Người Đài Loan lo lắng về tốc độ tiêm chủng chậm của đảo
Ông Hu chỉ là một trong số những người dân Đài Loan đang lo lắng về tốc độ tiêm chủng chậm chạp tại đảo này. Để được tiêm vaccine, họ chấp nhận tự bỏ tiền đến Trung Quốc đại lục và Mỹ.
Trong tháng qua, số ca nhiễm COVID-19 tại Đài Loan đã tăng gấp 10 lần dù đảo này đã đạt được thành công trong đợt bùng phát dịch đầu tiên hồi năm ngoái. Đảo này ghi nhận thêm 135 ca nhiễm và 8 ca tử vong do COVID-19 trong ngày 15/6, nâng tổng số ca nhiễm lên 13.241 và số ca tử vong tăng lên 460 trường hợp.
Đài Loan đã đặt 20 triệu liều vaccine từ Moderna, AstraZeneca và sáng kiến chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tuy nhiên, các lô vaccine được chuyển đến nhỏ giọt và chỉ đủ cho các nhóm có nguy cơ cao như các nhân viên y tế và thân nhân của họ.
Ảnh minh họa: Reuters
Đến thời điểm hiện tại. Đài Loan mới chỉ nhận được 726.000 liều vaccine AstraZeneca và 150.000 liều vaccine Moderna.
Trong khi đó, người đứng đầu cơ quan y tế Đài Loan Chen Shih-chung hôm 29/5 tuyên bố rằng chính quyền đảo đặt mục tiêu tiêm chủng mũi đầu cho ít nhất 60% dân số trước tháng 10 năm nay.
Đầu tháng này, Nhật Bản đã viện trợ cho Đài Loan 1,24 triệu liều AstraZeneca, và Mỹ cũng hứa sẽ gửi 750.000 liều vaccine cho Đài Loan.
Nhưng tính đến tuần trước, đảo này mới chỉ tiêm được cho khoảng 3% dân số, khiến nhiều người lo lắng và nản lòng trước đợt "phong tỏa mềm" mới.
Trong khi Đài Loan tiếp tục nâng cảnh báo mức 2, nhiều người đã nhận được tin nhắn giới thiệu về "tour du lịch tiêm vaccine" và chủ đề này cũng được bàn luận sôi nổi trên các trang mạng xã hội.
Truyền thông địa phương đã chia sẻ hình ảnh về lộ trình tour "Tiêm vaccine Pfizer trong 21 ngày": Sau khi du khách đặt chân tới Los Angeles vào ngày 1/6, họ sẽ tiêm vaccine vào ngày hôm sau và được đi tham quan Las Vegas, San Francisco, San Diego trước khi tiêm mũi thứ 2 tại Los Angeles. Một chuyến đi như vậy có giá 12.680 USD.
Chính quyền đảo Đài Loan đã tuyên bố các tour du lịch vaccine là phạm pháp và cảnh báo rằng các công ty du lịch có thể bị phạt đến gần 5.500 USD và tước giấy phép hoạt động nếu bị phát hiện cố tình tổ chức tour này.
Một số người Đài Loan khác lại chọn sang Trung Quốc đại lục để tiêm chủng. Trung Quốc mở cửa cho người từ Đài Loan, Hồng Kông, Macau và nhiều nơi khác đến tiêm vaccine COVID-19, nhưng người dân đảo Đài Loan sẽ được ưu tiên đăng ký nhanh hơn thông qua các "kênh xanh", theo ông Xu Zhen-wen, một doanh nhân Đài Loan tại đại lục cho hay.
Theo ông Xu, người Đài Loan có thể đăng ký tiêm vaccine miễn phí thông qua một ứng dụng điện thoại hoặc tại văn phòng các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc. Sau 2 tuần cách ly, người đã đăng ký có thể được tiêm chủng.
Vào tháng 5 vừa qua, ông Kao Ren-mao, 42 tuổi, và vợ đã sang Thượng Hải để tiêm mũi vaccine Sinopharm đầu tiên, và họ đang đợi tiêm mũi vaccine thứ hai.
Ông Kao nói rằng ông biết hàng chục người Đài Loan khác cũng sang đại lục tiêm vaccine giống ông do lo ngại về tốc độ tiêm chủng của đảo này./. .
(Theo Straits Times)