Thị trường chứng khoán Việt Nam ngày 16/6 đã có một phiên giao dịch khó khăn khi sắc đỏ áp đảo ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và đẩy các chỉ số đi xuống. Nhóm cổ phiếu tài chính (ngân hàng và chứng khoán), thép cùng một số cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản đồng loạt giảm sâu và tác động tiêu cực đến các chỉ số thị trường.
Khởi động phiên một cách thận trọng, các chỉ số biến động giằng co quanh mốc tham chiếu trước sự phân hóa mạnh ở nhóm cổ phiếu trụ cột. Trong đó, nhóm cổ phiếu dầu khí đồng loạt tăng tốt và góp phần nâng đỡ thị trường, đôi lúc giúp các chỉ số nhích lên trên mốc tham chiếu. Trong đó, GAS tăng đến 3,6%, PLX tăng 2,2%, PVD tăng 2%, PVS tăng 2,1%...
Tuy nhiên, trước áp lực bán quá mạnh của nhiều mã vốn hóa lớn khác nên chỉ số chính VN-Index nhanh chóng lao dốc. Đôi lúc, lực cầu xuất hiện và giúp các chỉ số hồi phục nhưng lực bán nhanh chóng áp đảo trở lại và tiếp tục khiến thị trường chìm trong sắc đỏ.
Đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng, dù những tin đồn về “thao túng giá” xuất hiện trước đó được cho là thất thiệt nhưng 2 trong 3 “nhân vật chính” của câu chuyện này là SHB và LPB vẫn giảm rất sâu. Trong đó, SHB giảm 3,6% xuống 27.000 đồng/cp, LPB cũng giảm 3,4% xuống 28.000 đồng/cp. Các cổ phiếu ngân hàng như SSB, TCB, CTG, HDB… cũng đua nhau giảm giá.
Trong khi đó, sau một phiên “bùng nổ”, các cổ phiếu chứng khoán đã có sự điều chỉnh đáng kể trở lại, trong đó, SSI giảm 5%, VND giảm 4,5%, VCI giảm 3,4%...
Đối với nhóm cổ phiếu bất động sản, hầu hết các mã vốn hóa lớn đều giảm giá ở phiên 16/6 và cũng có tác động không nhỏ khiến VN-Index đi xuống. Trong đó VIC giảm 2,1%, VHM giảm 2,3%. VIC và VHM cũng là 2 mã ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index khi lấy đi của chỉ số này lần lượt 2,52 điểm (-0,18%) và 2,45 điểm (-0,18%). Bên cạnh đó, VRE giảm 0,2%, PDR giảm 0,5% còn BCM giảm 0,2%. THD là mã bất động sản vốn hóa lớn hiếm hoi giữ được sắc xanh khi tăng 0,3%.
Trong khi đó, sự phân hóa ở nhóm bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ diễn ra rõ nét. Các mã như TDH, BVL, FIT, FLC, VPI… đồng loạt tăng giá mạnh bất chấp những rung lắc của thị trường chung. BVL tiếp tục tăng trần lên 21.800 đồng/cp, đây cũng là phiên tăng trần thứ 4 liên tiếp của cổ phiếu này kể từ khi lên sàn UPCoM từ hôm 11/6.
TDH cũng tăng trần lên 7.750 đồng/cp. Ngày 14/6, TDH đã thông qua nghị quyết về chủ trương thoái vốn tại công ty liên kết. Cụ thể, công ty sẽ chuyển nhượng toàn bộ gần 3,04 triệu cổ phiếu GLS của CTCP Chứng khoán Sen Vàng, tương ứng 22,49% vốn điều lệ tại GLS. Thời gian thực hiện trong vòng 2 tháng kể từ ngày thông qua chủ trương. Giá chuyển nhượng không thấp hơn 5.000 đồng/đơn vị.
Ở chiều ngược lại, khá nhiều cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao lao dốc mạnh, trong đó, SCR bất ngờ giảm 6,2% xuống 11.400 đồng/cp, DXG giảm 4,4% xuống 23.900 đồng/cp. Các quỹ thành viên trong nhóm cổ đông Dragon Capital vừa bán ra tổng cộng gần 5,1 triệu cổ phiếu DXG. Theo đó, tổng cả nhóm cổ đông ngoại đã hạ sở hữu từ 15,7% xuống còn 14,8% vốn. Giao dịch thực hiện vào ngày 8/6/2021.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 10,84 điểm (-0,79%) xuống 1.356,52 điểm. Toàn sàn có 176 mã tăng, 222 mã giảm và 43 mã đứng giá. HNX-Index giảm 4,64 điểm (-1,46%) xuống 313,65 điểm. Toàn sàn có 86 mã tăng, 115 mã giảm và 168 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,05 điểm (-0,06%) xuống 88,82 điểm.
Giá trị khớp lệnh trên toàn thị trường phiên 16/6 ở mức 28.100 tỷ đồng. FLC và ITA là 2 mã bất động sản nằm trong top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường với lần lượt 29 triệu cổ phiếu và 23,5 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại bán ròng hơn 100 tỷ đồng trong phiên 16/6, trong đó, dòng vốn này tập trung bán mạnh các mã như MBB, KDC hay SSI. CII, KBC và NVL là 3 mã bất động sản cũng nằm trong danh sách 10 cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất phiên 16/6 với lần lượt 28,5 tỷ đồng, 26,4 tỷ đồng và 24 tỷ đồng. Trong khi đó, PDR đứng đầu danh sách mua ròng với 91 tỷ đồng. VRE và VHM cũng là 2 mã bất động sản khác được khối ngoại mua ròng mạnh với lần lượt 59,3 tỷ đồng và 37 tỷ đồng.
Theo phân tích của CTCP Chứng khoán MB (MBS), thị trường điều chỉnh kỹ thuật khi tiếp cận vùng đỉnh cũ, dòng tiền vẫn tìm kiếm cơ hội đầu tư ở các nhóm khác, nổi bật là nhóm cổ phiếu dầu khí. Về kỹ thuật, phiên giảm này không ảnh hưởng đến đà hồi phục về đỉnh cũ (1.370 điểm). Tuy vậy, thị trường diễn biến khá thận trọng trong bối cảnh các nhà đầu tư đang tập trung vào tuyên bố của Fed khi kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày vào tối 16/6 và hôm nay là phiên đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 6./.
Xem thêm: lmth.64540000042210202-6-61-neihp-o-od-cas-gnort-mihc-nol-sdb-ueihp-oc/nv.semitaer