Chiều 16.6, Bộ Y tế đã làm việc với Công ty cổ phần vắc xin Việt Nam (VNVC) thống nhất phân bổ lô hàng 288.000 liều vắc xin Covid-19 mà VNVC đã nhận được từ AstraZeneca (Anh), ưu tiên cho các tỉnh đang có dịch.
Bản tin Covid-19 ngày 16.6: Ngày dịch bệnh "kỷ lục" ở TP.HCM; virus len lỏi tấn công bệnh viện |
“Mắc kẹt” do chưa có cơ chế bàn giao, chi trả
Trước đó, từ cuối năm 2020, Công ty VNVC đã đạt được thỏa thuận mua 30 triệu liều vắc xin Covid-19 từ AstraZeneca và VNVC chi trả toàn bộ kinh phí. Trong số 30 triệu liều, đã có 2 lô về Việt Nam. Cụ thể: lô đầu tiên (117.600 liều về Việt Nam cuối tháng 2.2021) đã được bàn giao cho Bộ Y tế để triển khai tiêm đợt 1 (ngày 8.3 vừa qua). Đợt 2 với 288.000 liều đã về Việt Nam từ 25.5. Tuy nhiên, lô vắc xin này đã “mắc kẹt” trong kho bảo quản trong 20 ngày qua do chưa có cơ chế bàn giao, liên quan thủ tục mua, đấu thầu, thẩm định giá.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, việc mua vắc xin khẩn cấp chưa từng có tiền lệ, và là mua với giá đàm phán, không qua đấu thầu, do đó cũng chưa có cơ chế chi trả, nên Bộ Y tế không thể quyết định được việc chi trả, thủ tục phân phối. Trong khi đó, thông tin từ đơn vị nhập khẩu cho hay, việc “mắc kẹt” 288.000 liều vắc xin trong 20 ngày qua, nếu không được tháo gỡ thì tới đây, số lượng lớn vắc xin sẽ về dồn dập trong tổng 30 triệu liều đã được AstraZeneca cam kết cung cấp, cũng có nguy cơ bị mắc kẹt, trong khi nhu cầu phòng chống dịch rất lớn.
Theo Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, vắc xin có hạn sử dụng ngắn (khoảng 6 tháng), trong khi đó quá trình phân phối đã mất khoảng 2 tháng để về đến Việt Nam. Do đó, vắc xin về Việt Nam cần khẩn trương phân bổ, vận chuyển bàn giao về các địa phương và đẩy nhanh tiến độ tiêm.
Chiều qua, Bộ Y tế cho biết Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết về việc mua toàn bộ số lượng vắc xin Covid-19 AZD1222 (do AstraZeneca sản xuất) theo giá phi lợi nhuận, bao gồm cả 288.000 liều do VNVC đã nhận từ AstraZeneca.
Vắc xin Covid-19 AstraZeneca có chống lại biến thể vi rút Delta đang lưu hành ở TP.HCM? |
Ưu tiên TP.HCM hơn 800.000 liều vắc xin
Trao đổi với báo chí nhân dịp vào hỗ trợ chống dịch Covid-19 (lần 2) tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng TP.HCM là địa phương được Thủ tướng Chính phủ đề xuất có ưu tiên về vắc xin, như đợt này TP.HCM sẽ được phân bổ hơn 800.000 liều, nhiều nhất cả nước. Viện Pasteur TP.HCM và các kho chứa của ngành đảm bảo việc tiếp nhận. Ngoài tiêm cho đối tượng theo Nghị quyết 21 thì còn tập trung vào bảo vệ các khu công nghiệp và công nhân. Về tổ chức tiêm chủng, theo Thứ trưởng Bộ Y tế, không chỉ các đơn vị ngành y tế, mà còn huy động lực lượng quân đội, các trường đại học, bệnh viện từ trung ương đến địa phương, trạm y tế phường xã tổ chức các kíp tiêm... Về địa điểm tiêm, sẵn sàng tổ chức điểm tiêm lưu động để thực hiện chiến dịch tiêm đủ số lượng vắc xin cho các đối tượng mà Chính phủ phân bổ cho TP.HCM trong thời gian ngắn nhất.
Về năng lực tiêm vắc xin tại TP.HCM, theo GS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, TP có thể xây dựng kịch bản tiêm 200.000 mũi/ngày. Như vậy, với 800.000 liều thì có thể tiêm trong vòng 7 - 10 ngày.
Ghi nhận thêm 414 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nướcTheo Bộ Y tế, ngày 16.6, Việt Nam ghi nhận thêm 423 ca mắc Covid-19. Trong đó, 9 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại Tây Ninh (4 ca), Kiên Giang (2 ca), TP.HCM, Quảng Nam và Khánh Hòa mỗi địa phương 1 ca; 414 ca lây nhiễm trong nước, ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang 279 ca, TP.HCM (99), Bắc Ninh (27), Hà Tĩnh (4), Nghệ An (3), Hà Nam và Bắc Kạn mỗi tỉnh 1 ca. 398/414 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa; 16 ca đang được điều tra về nguồn lây nhiễm. Trong ngày, 47 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Từ đầu dịch đến nay, VN có 9.980 ca mắc do lây nhiễm trong nước và 1.655 ca nhập cảnh; riêng trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4) đến nay, có 8.410 ca, trong đó có 1.816 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Liên Châu |
TP.HCM sắp nhận được 800.000 liều vắc xin Covid-19 từ Chính phủ |
Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về việc nhiều tổ chức, doanh nghiệp muốn nhập vắc xin Covid-19 nhưng nguồn vắc xin thì rất khó, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói: “Thời điểm hiện tại thì tiền có thể không thiếu, doanh nghiệp đứng ra nhập cũng không thiếu, chỉ có thiếu là nguồn cung. Hiện cả Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và doanh nghiệp đều phải tuân thủ nguyên tắc công bằng vắc xin giữa các nước, trong các nước thì công bằng vắc xin giữa những đối tượng, công bằng vắc xin giữa những người dân, không có việc ưu tiên tiêm vắc xin được. Đối với các doanh nghiệp khi tiếp cận được nguồn vắc xin, nếu có được thì số lượng rất nhỏ lẻ, không thể có số lượng lớn. Vắc xin về theo đường chính thống vẫn là nguồn viện trợ của tổ chức như COVAX Facility và các doanh nghiệp có sự cam kết của Chính phủ thì mới có số lượng lớn”.
Về thực hiện điều phối, giám sát khi vắc xin nhập về, theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, khi tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu và ý định nhập vắc xin về Việt Nam thì phải tuân thủ quy định về xuất nhập khẩu, đảm bảo chất lượng, kho lưu trữ và kế hoạch tiêm, đối tượng tiêm. Vấn đề này nếu giải quyết trên địa bàn 1 tỉnh thì có thể làm được, nhưng trên toàn quốc thì phải thông qua điều phối của Bộ Y tế là cần thiết.