"Không nên cổ súy chuyện bỏ học và trở thành tỷ phú. Người học giỏi, có bằng cấp dễ thành công và được coi trọng hơn trong xã hội"- Đó là ý kiến của Giám đốc Khối tuyển dụng Công ty Cổ phần Nguồn nhân lực Siêu Việt, chị Dương Thị Tuyết Trinh. Là người thuộc thế hệ 9X, nữ giám đốc trẻ có quan điểm trái ngược với nhiều người rằng "học giỏi khó thành công". Đối với chị Trinh: "Người học giỏi chắc chắn có tương lai và thành công hơn trong cuộc sống".
Thật ra, đây là một câu nói được trích dẫn lại từ cuộc phỏng vấn trên Trí Thức Trẻ cách đây 2 năm của Giám đốc tuyển dụng công ty Siêu Việt. Nhưng mới đây, khi được chia sẻ lại trên mạng xã hội vẫn nhận được rất nhiều ý kiến đồng tình của mọi người.
Tài khoản Trong Nhan Nguyen cho rằng: " Bỏ học rồi thành tỷ phú là một sự hiểu sai nghiêm trọng mà các khoá dạy làm giàu truyền tải.
1. Bill Gates bỏ học. Nhưng ông ta bỏ Harvard, có cha làm luật sư, mẹ làm giám đốc và gia đình triệu phú. Nhờ tiền và mối quan hệ đó nên mới dám khởi nghiệp.
2. Mark Zuckerberg thì cũng tương tự. Cha mẹ làm nha sĩ, nhà triệu phú và bản thân được coi là thần đồng.
3. Steve Jobs bỏ học. Đúng nhưng không nhờ người bạn Steve Wozniak thì sẽ là người vô danh.
Họ là thiên tài trăm năm có một. Trừ khi đó là bạn thì đừng ảo tưởng mình sẽ thành công. Cho mỗi người bỏ học rồi thành tỷ phú thì có chục vạn thấy nghiệp rồi hối hận.
Khi bạn không có bằng cấp, tiền và quan hệ thì rất khó để thuyết phục người khác. Gates mà không nhờ mẹ mình can thiệp để chủ tịch IBM cho cơ hội thuyết trình thì tạch rồi.
Sao không ai tự hỏi: Tại sao một công ty lớn lại tin lời của một kẻ bỏ học không kinh nghiệm? Trả lời là vì họ đánh cược vào tiềm năng cá nhân dựa trên gia đình.
Đừng nói với tôi là bằng cấp không quan trọng nha. Cũng đừng nói đại học không quyết định thành công. Nó là điều kiện đầu tiên để bạn bước chân vào công ty và xây dựng uy tín".
Tương tự, tài khoản Huy Phan cũng đưa ra quan điểm: "Bỏ học ở trường không có nghĩa là bỏ học. Không đi chùa không có nghĩa là không tu. Ngày nay có thể học ở zoom, ở internet mà. Trừ mấy ngành có chuyên môn cao như bác sĩ, kĩ sư... còn lại có thể học các khóa ngắn hạn và tự học, k cần lên trường. Các tỷ phú bỏ đi học ở trường, chứ không ai bỏ học cả".
Một quan điểm khác của nữ giám đốc 9X.
Tài khoản Nguyễn Tùng lấy kinh nghiệm bản thân ra làm dẫn chứng: "10 người bảo không cần học cần trải nghiệm hơn thì đều chật vật để thành công được, trong đó có mình. Nói gì thì nói chứ học thay đổi tư duy, mở mang kiến thức và trải nghiệm họ chưa chắc kém những người bỏ học nên tốt nhất đừng bao biện nghe buồn cười lắm. Không học phải nỗ lực bươn chải gấp 2 gấp 3 người ta mới thành công được".
Nhiều ý kiến đồng tình việc dừng cổ súy cho tư duy bỏ học để thành tỷ phú. Ảnh chụp màn hình.
Trường học không dạy chúng ta cách làm người thành công, cách trở thành một tỷ phú,... và không phải những gì được học ở trường sẽ áp dụng hoàn toàn vào cuộc sống và ngược lại.
Nhưng phải thừa nhận một điều rằng vai trò của trường học trong việc giáo dục, cung cấp kiến thức, kỹ năng là điều không thể chối cãi, không ai tự lĩnh hội được tất cả mọi điều mà phải có người hướng dẫn, có môi trường sư phạm làm nền tảng cho sự phát triển sau này.
Kể cả những tỷ phú đình đám nhất thế giới như Bill Gates , Mark Zuckerberg, Jack Ma,... vẫn có một điều nuối tiếc nhất cuộc đời khi quá trình học hành không được mấy vẻ vang, thường xuyên nhận điểm 1, thi trượt hàng chục lần, hay thậm chí bỏ học.
Tỷ phú Bill Gates đã từng bỏ ngang Đại học Harvard.
Trước đây, trong một buổi giao lưu về định hướng nghề nghiệp cho sinh viên Hà Nội, với câu hỏi "Có nên theo gương Bill Gates bỏ học để theo đuổi đam mê không?", nhà báo Trần Lệ Thùy (từng đoạt nhiều giải thưởng báo chí) đã từng chia sẻ: "Nhiều bạn nói với chị rằng, không cần học ở trường vẫn đi làm được. Nhưng trường đại học là môi trường giúp cho các em nạp kiến thức. Khi các em có kiến thức nền đủ tốt thì sẽ đi được xa hơn".
Theo chị, Bill Gates bỏ học, là trường hợp ngoại lệ và các bạn sinh viên Việt Nam đừng bắt chước theo, vì đã vào được ĐH Havard nghĩa là tư duy, kiến thức của người đó đã hơn nhiều bạn trẻ bình thường.
Anh Quang Tùng, một người từng nghỉ học ở trường để đi làm, và sau đó bắt đầu chặng đường mới với ngành học thiết kế đồ họa cũng không cổ súy việc bỏ học. Anh bỏ học vì cảm thấy môi trường đó không phù hợp.
Và với trải nghiệm cá nhân, anh Tùng nghĩ rằng, ngoài trường lớp, còn nhiều cách thức khác để lĩnh hội tri thức. Anh chia sẻ: "Kiến thức là thứ được truyền dạy qua thầy cô, sách vở hay bạn bè. Nhận thức là quá trình bản thân mình trải nghiệm, và đúc rút ra được lượng tri thức riêng. Anh phù hợp với cách tiếp cận thứ 2 hơn.
Nhưng cách này cũng khiến anh mất nhiều thời gian, công sức. Ở thời điểm hiện tại, anh nhận ra rằng, nếu học hỏi, tham khảo những điều trường học hoặc sách vở giúp ta nhận ra được sẽ tiết kiệm thời gian hơn nhiều".
Trước khi chủ động thôi học tại Harvard năm 2004 để tập trung phát triển Facebook, chàng sinh viên Mark Zuckerberg đã suýt bị đuổi học.
Theo đó, đối với các tỷ phú, bỏ học đại học hay kết quả học tập thấp ở trường không có nghĩa là ngừng học.
Scott Galloway, giáo sư bộ môn marketing tại Trường kinh doanh NYU Stern chia sẻ với trang Business Insider: "Sẽ luôn có những con người như Jay-Z, Kobe Bryants hay Mark Zuckerberg, những người đã bỏ học đại học. Nhưng bạn nên tự nhủ rằng, bạn không phải là họ và tốt nhất bạn nên đi học đại học thì hơn".
Hải Yến
Doanh nghiệp và Tiếp thị