Theo thống kê của Bộ NNPTNT, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản 5 tháng đầu năm 2021 đạt 22,58 tỉ USD, tăng 30,1% so với cùng kỳ năm 2020. Chế biến và thị trường là hai khâu quan trọng liên hệ mật thiết có khả năng đẩy giá trị gia tăng của nông sản nếu được chú trọng đầu tư...
Giá trị xuất khẩu nông, lâm thủy sản tăng mạnh
Theo thống kê của Bộ NNPTNT đến đầu tháng 6.2021, giá trị XK các mặt hàng nông sản chính ước đạt 7,78 tỉ USD, tăng 13%; giá trị xuất khẩu chăn nuôi ước đạt 166 triệu USD, tăng 43,9%; giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 3,24 tỉ USD, tăng 12%; giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 7,06 tỉ USD, tăng 61,8%.
Đáng ghi nhận, caosu là mặt hàng tăng trưởng mạnh nhất từ đầu năm đến nay với mức tăng lên tới 58,7% về lượng và tăng 94% về trị giá so với cùng kỳ năm trước, đạt 548.000 tấn, trị giá 923 triệu USD. Trong 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu nông lâm, thủy sản ghi nhận tăng trưởng ở nhiều ngành hàng như thủy sản, rau quả, gạo, chè do hỗ trợ của các Hiệp định Thương mại tự do lớn như: CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP... giúp Việt Nam tham gia vào các thị trường lớn.
Dự kiến, trong thời gian tới sẽ có khoảng 100 tấn vải thiều XK sang bang Nam Australia và Tây Australia; vải thiều Việt Nam đang được XK mạnh sang thị trường Nhật Bản, Mỹ, Australia, Pháp, Czech… và đặc biệt mỗi ngày chỉ riêng tỉnh Bắc Giang cũng có tới 1.000 tấn vải thiều XK sang thị trường Trung Quốc qua cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Theo Bộ Công Thương, điều đáng nói là giá trị nông sản đều tăng mạnh. Riêng vải thiều, nếu chỉ tiêu thụ trong nước, giá trị chỉ khoảng 12.000-55.000 đồng/kg tùy loại, nhưng bán tại thị trường Nhật Bản, vải thiều có giá tới 450.000 đồng/kg; tại Pháp giá 18EUR/kg, 35EUR/2kg; tại Singapore giá gần 6 dollar Singapore/kg...
Trong gần 6 tháng qua, làn sóng dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 diễn biến phức tạp, để hỗ trợ các địa phương trong việc tiêu thụ nông sản (đặc biệt là những địa phương có những nông sản đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch), Bộ Công Thương và Bộ NNPTNT và đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương để bàn giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch COVID-19; đẩy mạnh tham gia các sàn thương mại điện tử uy tín như: Alibaba, Amazon, Sendo, Voso, Shopee…; đẩy mạnh đàm phán với các nước để kết nối, thúc đẩy xuất khẩu trái cây, thủy sản sang Trung Quốc, Thái Lan, EU...
Theo ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục XTTM cho biết: Lô hàng gần một tấn vải thiều Thanh Hà Hải Dương đầu tiên có gắn tem truy xuất nguồn gốc của Cục XTTM, được nhập khẩu chính ngạch qua đường hàng không vào Pháp có ý nghĩa “khai thông” quan trọng cho trái vải nói riêng và nông sản Việt chất lượng cao nói chung.
Mặc dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng ngành gỗ và lâm sản đặt mục tiêu thu về 14 tỉ USD; ngành thủy sản đạt trên 8 tỉ USD, XK lúa gạo, cà phê, caosu... mỗi mặt hàng dự kiến cũng sẽ mang về trên 3 tỉ USD, góp vào 41 tỉ USD kim ngạch XK của ngành NN trong năm 2021.
Hiện đại hóa khâu chế biến để nâng cao giá trị nông sản
Tại Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 17.7.2019, Chính phủ đã đặt mục tiêu “nông nghiệp Việt Nam đứng trong số 15 nước phát triển nhất thế giới; trong đó ngành chế biến nông sản đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới. Việt Nam là một trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới, trung tâm logistics nông sản toàn cầu”.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT), trong những năm qua ngành nông nghiệp đã tái cơ cấu theo hướng hiện đại, công nghệ chế biến nông sản Việt Nam đã đạt mức độ trung bình của thế giới. Một số ngành hàng có công nghệ và thiết bị chế biến tương đối hiện đại mang tầm khu vực và thế giới, giá trị như: Chế biến hạt điều, cà phê, lúa gạo, thủy sản...
Việc chú trọng đầu tư chế biến sau thu hoạch, giá trị sản phẩm đã được nâng cao, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của công nghiệp chế biến nông sản đạt khoảng 5-7%/năm. Nhờ đó, kim ngạch XK nông sản tăng mạnh, bình quân tăng khoảng 8-10%/năm.
Hiện nay, nhiều khâu sản xuất nông nghiệp có mức độ cơ giới hóa cao như ở khâu làm đất lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng đạt 100%, thu hoạch lúa đạt trên 90%; khâu chăm sóc, phun thuốc bảo vệ thực vật cây hằng năm đạt trên 70%. Trong chăn nuôi, tại các trang trại quy mô lớn có mức độ cơ giới hóa ngày càng phát triển; tỉ lệ hệ thống tự động cung cấp thức ăn, nước uống, xử lý môi trường ngày càng tăng. Lĩnh vực thủy sản đã áp dụng sử dụng máy móc, công nghệ trong nhiều khâu từ việc kiểm tra nhiệt độ nước, chăm sóc, thu hoạch.
Công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản thực sự có tiến bộ lớn và thu hút được sự quan tâm đầu tư của các DN trong và ngoài nước, góp phần đáng kể vào nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, tiêu thụ đầu ra cho sản xuất nông nghiệp.
Hiện nay, cả nước đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản với trên 7.500 cơ sở quy mô lớn và hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ, lẻ. Tỉ lệ nông sản chế biến xuất khẩu chiếm tới 45% tổng kim ngạch XK nông sản; tăng trưởng xuất khẩu một số mặt hàng nông sản đạt kết quả khả quan, như: Thủy sản đạt 6,6%/năm, rau quả đạt 15,1%/năm, điều nhân đạt 5%/năm, gạo đạt 8,9%/năm, caosu đạt 11,3%/năm, sản phẩm gỗ đạt 14,9%/năm…
Ông Nguyễn Thanh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Công Thương Phú Yên - nhấn mạnh: Chế biến sau thu hoạch được xem là khâu then chốt làm gia tăng giá trị nông sản, giảm hao hụt và thất thoát; đồng thời giúp các doanh nghiệp chủ động thị trường tiêu thụ và nâng cao giá trị cho nông sản. Chính vì vậy, thời gian qua, nắm bắt xu thế thị trường, nhiều cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã tăng cường đầu tư công nghệ chế biến, tạo sự phong phú cho các mặt hàng nông sản.
Đồng thời, các cơ sở chế biến liên kết với các HTX, hộ nông dân mở rộng vùng trồng nguyên liệu có chất lượng đồng nhất và ổn định về sản lượng. Từ sản phẩm thô, qua khâu chế biến, giá trị của nông sản được tăng lên gấp nhiều lần.
Tuy chỉ mới dừng lại ở mức nhỏ lẻ, nhưng trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 23 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần nâng cao giá trị nông sản, giảm tình trạng ùn ứ, hư hỏng làm giảm giá trị của sản phẩm. Tương tự, tại các địa phương có sản lượng nông sản lớn tại ĐBSCL, hay một số tỉnh phía Bắc như Sơn La, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nội... nhiều cơ sở chế biến, bảo quản nông sản đã được đầu tư xây dựng.
Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản thông tin, từ năm 2017 đến nay các địa phương đã thu hút hơn 70 dự án đầu tư vào lĩnh vực chế biến các sản phẩm nông, lâm, thủy sản với quy mô khoảng hơn 59.000 tỉ đồng. Trong đó, năm 2021 có 6 dự án, nổi bật là khởi công Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa Công nghệ cao An Giang - Tập đoàn TH (tại Xã Vĩnh Phước, Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn, An Giang) với quy mô 10.000 bò sữa; 135 tấn/ngày; vốn đầu tư lên đến 2.655 tỉ đồng.
Giá hồ tiêu khởi sắc, nhưng đừng vội mở rộng diện tích
Theo Bộ NNPTNT, sản lượng hồ tiêu của Việt Nam chiếm hơn 40% về sản lượng và gần 60% về thị phần XK hồ tiêu của thế giới. 95% khối lượng hạt tiêu của Việt Nam dùng cho XK, còn lại 5% tiêu thụ ở thị trường trong nước.
Khối lượng hạt tiêu xuất khẩu tháng 5 năm 2021 ước đạt 30.000 tấn, với giá trị đạt 102 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu tiêu 5 tháng đầu năm 2021 đạt 124.000 tấn và 387 triệu USD, giảm 15,6% về khối lượng nhưng tăng 25,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Giá tiêu xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm 2021 đạt 3.039 USD/tấn, tăng 42,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong những tháng đầu năm 2021, giá hồ tiêu trong nước và giá XK liên tục tăng. Hồ tiêu đang dần khởi sắc sau một thời gian dài rớt giá. Đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành hồ tiêu nói chung và nông dân sản xuất hồ tiêu nói riêng. Tuy Việt Nam đứng số 1 thế giới về sản xuất hồ tiêu nhưng còn nhiều bất ổn, chưa bền vững. Việt Nam đã XK hồ tiêu đến 105 nước và vùng lãnh thổ với kim ngạch XK đạt cao nhất năm 2016 với 1.429,2 triệu USD, sau đó giảm dần vào các năm 2017, 2018, 2019 và năm 2020 chỉ đạt 660,6 triệu USD trong khi lượng XK đạt cao nhất với 285,3 nghìn tấn.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, tình hình xuất khẩu hồ tiêu đang có dấu hiệu lạc quan hơn, khi giá hồ tiêu đã tăng trở lại vào tuần cuối tháng 5.2021 sau 3 tuần ảm đạm trồi sụt thất thường. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã nhận được đơn hàng, trong bối cảnh nguồn cung cạn dần do vụ thu hoạch tiêu đã kết thúc. Dự báo giá tiêu toàn cầu sẽ tăng trong thời gian tới, song mức tăng không lớn.
Bộ NNPTNT cũng khuyến cáo người dân cần cẩn trọng, trong thời điểm này chưa nên mở rộng diện tích hồ tiêu bởi hiện nay giá tiêu còn bấp bênh, chưa ổn định. Vũ Long
Xem thêm: odl.142129-neib-ehc-ut-uad-ohn-hnam-gnat-teiv-nas-gnon-irt-aig/gnourt-iht/nv.gnodoal