Công an huyện Mỹ Lộc (Nam Định) xác nhận đã ra quyết định giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với LCH (18 tuổi, học sinh lớp 12 Trường THPT Mỹ Lộc, huyện Mỹ Lộc) để điều tra về hành vi quay lén clip nhạy cảm của hai cô giáo (giáo viên Trường THPT Mỹ Lộc) nhằm mục đích tống tiền.
Bước đầu, H. khai nhận đặt camera quay lén trong nhà vệ sinh chung của trường. Sau khi có được những clip nhạy cảm của hai cô giáo, H. lập Facebook ảo rồi gửi tin nhắn yêu cầu mỗi người đưa cho mình 10 triệu đồng nếu không sẽ tung lên mạng.
Ảnh minh họa
Trao đổi với PLO, Thạc sĩ – luật sư (ThS-LS) Nguyễn Văn Dũ, Đoàn LS TP.HCM nhận định: H. đã có hành vi uy hiếp tinh thần của hai cô giáo, đó là đe doạ xâm hại đến danh dự, nhân phẩm của họ và đưa ra yêu sách về tiền nên đã đủ yếu tố cấu thành tội Cưỡng đoạt tài sản (Điều 170 BLHS).
Theo điều luật này, cấu thành cơ bản được quy định tại khoản 1 Điều 170 BLHS như sau: “Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản thì bị phạt tù 1-5 năm”.
Hành vi khách quan có thể là hành vi đe doạ dùng vũ lực tấn công người bị hại, đồng thời đưa ra yêu sách về tài sản đối với người đó, làm cho người bị hại lo sợ nếu không đáp ứng yêu sách về tài sản của người phạm tội thì họ sẽ bị tấn công…
Động cơ, mục đích bắt buộc phải có trong cấu thành tội này là khi thực hiện hành vi đe doạ sẽ dùng vũ lực thì người phạm tội phải nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.
Tội phạm này có cấu thành hình thức, nghĩa là không cần hậu quả là H. đã chiếm đoạt được tài sản của hai cô giáo hay chưa cũng đã phạm phải tội này.
“Phân tích cấu thành tội phạm như trên và đối chiếu với hành vi của H., có thể khẳng định H. đã phạm vào tội cưỡng đoạt tài sản. Vì H. chưa chiếm đoạt được tiền từ hai cô giáo nên hành vi của H. chỉ thuộc khoản 1 Điều 170 BLHS, có khung hình phạt tù 1-5 năm”, ThS-LS Văn Dũ nói.
Mặt khác, H. hiện là học sinh lớp 12 (có thể đủ hoặc dưới 18 tuổi). Theo quy định tại Điều 12 BLHS thì người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu TNHS về mọi tội phạm (trừ những tội phạm mà BLHS có quy định khác). Do đó, H. phải chịu TNHS về tội cưỡng đoạt tài sản.
Khi xét xử, toà án sẽ vận dụng quy định của pháp luật hình sự về người dưới 18 tuổi phạm tội để tuyên phạt mức án nhẹ hơn so với người từ đủ 18 tuổi trở lên.
Cụ thể, theo Điều 101 BLHS quy định: “Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định”.
Về vấn đề miễn TNHS đối với H., hiện nay chưa có căn cứ nào cho thấy H. có thể được miễn TNHS.
“Theo khoản 3 Điều 29 BLHS, người phạm tội có thể được miễn TNHS khi thực hiện tội phạm nghiêm trọng (có khung hình phạt trên ba năm đến bảy năm tù) với lỗi vô ý kèm theo một số điều kiện khác. Tuy nhiên, H. lại phạm tội nghiêm trọng do cố ý nên không đủ điều kiện để xem xét miễn TNHS” – ThS-LS Văn Dũ nhận định.