Một bệnh nhân ở Ấn Độ đã bị một loại nhiễm trùng nấm mới sau khi được chữa khỏi COVID-19, gây thêm lo ngại về các chủng nấm có thể tiếp tục đe dọa người dân nước này sau đại dịch, đài NDTV (Ấn Độ) ngày 16-5 đưa tin.
Một bệnh nhân 34 tuổi ở bang Madhya Pradesh (Ấn Độ) được xác nhận nhiễm “nấm lục”. Người này đã chống chọi với COVID-19 trong hai tháng trước khi được xuất viện trong khoảng hai tuần.
Sau khi bị chảy máu cam nghiêm trọng và sốt, người này được nhập viện trở lại với nghi ngờ nhiễm “nấm đen” - loại bệnh nguy hiểm do chủng nấm mucormycosis gây ra ở các bệnh nhân COVID-19 mà giới y khoa Ấn Độ cảnh báo trước đó.
Bệnh nhân nhiễm "nấm lục" ở Madhya Pradesh được máy bay đưa tới Mumbai điều trị. Ảnh: NDTV
Bệnh nhân này bị tổn thương phổi, trong khi máu và xoang cũng bị nấm tấn công. Tuy nhiên sau xét nghiệm, các bác sĩ xác định người này không nhiễm nấm mucormycosis.
Bác sĩ Ravi Dosi, người đứng đầu khoa Các vấn đề về ngực tại Viện Y khoa Sri Aurobindo (SAIMS) của bang này, cho biết bệnh nhân trên là trường hợp nhiễm trùng “nấm lục” do một loại nấm thuộc chủng aspergillosis. Đây được coi là ca nhiễm “nấm lục” đầu tiên ở Ấn Độ.
Bệnh nhân này đã được chuyển đến điều trị tại TP Mumbai ở bang láng giềng phía nam Maharashtra.
Ông Rosi cho biết phương pháp điều trị “nấm lục” khác với phác đồ cho bệnh nhân nhiễm “nấm đen”, đồng thời lưu ý rằng cần thêm nhiều nghiên cứu để hiểu rõ về loại nhiễm trùng mới này.
Cùng là loại mầm bệnh gây nhiễm trùng cơ hội ở các bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, bao gồm các trường hợp từng nhiễm COVID-19, nhưng aspergillosis là chủng nấm lớn và phổ biến hơn so với mucormycosis.
Các ca nhiễm “nấm đen” đã được báo cáo và cảnh báo ở Ấn Độ từ tháng trước. Sau đó, một số bệnh nhân COVID-19 khác được báo cáo nhiễm “nấm trắng” và “nấm vàng” - hai loại bệnh cùng do nấm thuộc chủng aspergillosis gây ra.
Bệnh “nấm đen” thường xảy đến với các bệnh nhân gặp vấn đề về các loại thuốc steroid, với các triệu chứng như mũi đổi màu, mờ mắt, đau một bên mặt, đau răng, đau tức ngực và khó thở, một số trường hợp bệnh nhân còn ho ra máu, theo kênh News18-CNN. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong.
Các ca nhiễm “nấm đen” ở bệnh nhân nhiễm COVID-19 đã được báo cáo ở Pakistan, Nga, Oman… nhưng Ấn Độ vẫn là nước chiếm tỉ lệ nhiễm loại nấm này cao nhất.
Bệnh “nấm trắng” cũng có thể gây tử vong nến không được thăm khám kịp thời. Loại nhiễm trùng này ảnh hưởng xấu tới phổi, có thể gây tổn thương não, hệ thống hô hấp và tiêu hóa. Các triệu chứng phổ biến là đau ở ngực, ho, khó thở, nhức đầu, đau toàn thân, nhiễm trùng hoặc sưng tấy ở một số bộ phận cơ thể.
Bệnh “nấm vàng” khá phổ biến ở các loài bò sát trước khi các ca nhiễm đầu tiên ở người được phát hiện. Nấm thường âm thầm gây bệnh với các triệu chứng không riêng biệt như rỉ mủ, vết thương chậm lành, thờ ơ, chán ăn, sụt cân và mắt trũng sâu, lúc nặng có thể gây suy nội tạng. Bệnh này cũng có thể làm chết người.