Cảnh sát Ý đã triệt phá một mạng lưới rửa tiền và buôn lậu kim loại tái chế giữa Ý và Trung Quốc - Ảnh: NOOR
Theo Hãng tin Reuters, cảnh sát đã phối hợp cùng phòng công tố chống xã hội đen tại thành phố Trieste, phía đông bắc Ý, để điều tra suốt 3 năm và phát hiện nhiều tổ chức tội phạm cùng tham gia mạng lưới trên.
Cảnh sát Ý phát hiện mạng lưới tội phạm này bao gồm nhiều công ty hoạt động từ năm 2013 đến nay và đã bán khoảng 150.000 tấn kim loại phế thải có tổng trị giá khoảng 300 triệu euro (363 triệu USD).
Các lô hàng này bao gồm đồng, đồng thau và nhôm đến từ nhiều nguồn khác nhau. Mạng lưới tội phạm đã lợi dụng lỗ hổng của luật bảo vệ môi trường và trốn thuế để trục lợi.
Để số kim loại trên trở thành hợp pháp khi đến tay người dùng cuối cùng, các công ty tại CH Czech và Slovenia đã ngụy tạo giấy tờ chứng minh chúng đến từ Trung Quốc. Để giúp những hồ sơ này giống thật hơn, nhóm tội phạm đã gửi khoảng 150 triệu euro (180 triệu USD) tiền cọc cho một số ngân hàng Trung Quốc để giả làm giao dịch thanh toán cho các lô hàng.
Phía cảnh sát cho biết khi nguồn tiền phạm pháp này đến Trung Quốc, các doanh nhân Ý tham gia đường dây sẽ nhận được một khoản tiền lớn. Cảnh sát từng bắt được một trường hợp giao tiền qua túi nhựa với trị giá lên đến 200.000 euro (240.000 USD).
Theo Reuters, Ý đã đưa 53 đối tượng vào diện điều tra chính thức, thực hiện 5 cuộc bắt giữ và tịch thu 66 triệu euro (79 triệu USD). Cuộc điều tra vẫn đang tiếp tục.
Nhóm tội phạm tại Trung Quốc được cho là có "nguồn tiền mặt đáng kể nhờ hoạt động kinh tế ngầm và các hoạt động tội phạm khác". Thế nhưng nhóm này lại gặp nhiều rào cản về hậu cần và pháp lý trong việc đưa tiền về nước an toàn.
"Liên minh này cho phép các bên, những nhóm có hoạt động bất hợp pháp độc lập, hợp tác để cùng đạt được mục tiêu", cảnh sát Ý tuyên bố.
TTO - Bộ Công an Trung Quốc cho biết đã bắt 1.100 người liên quan đến việc dùng tiền ảo để rửa lợi nhuận từ các hoạt động phạm pháp, một phần trong nỗ lực trấn áp nạn đầu cơ và rửa tiền trong lĩnh vực này.