Bất ổn chuyện rút bảo hiểm xã hội một lần
TS. Võ Đình Trí (*)
(KTSG) - Trong lộ trình xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội mới đây đã có tờ trình gửi Chính phủ, và trong đó có một nội dung thu hút nhiều sự quan tâm, nếu không nói là bất bình của nhiều người lao động: người lao động có thể bị giảm đến 50% quyền lợi nếu rút bảo hiểm xã hội một lần.
Thoạt nghe qua chuyện giảm quyền lợi của mình, người lao động có ngay phản ứng là điều dễ hiểu. Nhưng nhìn ở góc độ toàn xã hội, thì sao việc này là cần thiết, và cần đi kèm những điều kiện gì?
Người lao động có thể bị giảm đến 50% quyền lợi nếu rút bảo hiểm xã hội một lần. Ảnh: THÀNH HOA |
Rút một lần phải là chuyện hy hữu
Có thể nói bảo hiểm xã hội (BHXH) là một trong những phát kiến tuyệt vời của xã hội loài người, vì quyền lợi của người lao động và từ đó để xã hội ổn định và phát triển. Có nhiều chế độ khác nhau trong BHXH như ốm đau, tai nạn, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tử tuất nhưng quan trọng nhất đó là chế độ hưu trí.
Chính vì vậy mà nhiều người hay đánh đồng bảo hiểm hưu trí là BHXH vì tỷ trọng của nó. Như trường hợp của Việt Nam, trong tổng số 32% đóng của cả người lao động và sử dụng lao động thì 22% là của chế độ hưu trí, trong đó phần của người lao động là 8% và 14% là phần của người sử dụng lao động.
Mục đích của bảo hiểm hưu trí qua tên gọi chắc ai cũng đã biết. Nhưng cũng cần hiểu rõ hơn cách vận hành của nó. Hệ thống bảo hiểm hưu trí mà Việt Nam đang áp dụng là xác định trước quyền lợi (Defined Benefit) theo cơ chế dùng tiền của người đang đi làm trả cho người về hưu (Pay as You Go). Do đó, việc giữ cho quỹ cân bằng là rất quan trọng.
Nếu hệ thống an sinh xã hội tốt, các hình thức hỗ trợ xã hội tốt thì cũng có thể giúp người lao động vượt qua khó khăn, không phải dùng đến lựa chọn rút BHXH một lần. |
Cho nên, nói rút BHXH một lần thực ra là rút khoản dự phòng của bảo hiểm hưu trí. Mà nếu như vậy sẽ rất nguy hiểm cho sự duy trì và hoạt động của quỹ. Quỹ bảo hiểm hưu trí, như bất kỳ quỹ bảo hiểm nào khác, cũng dựa trên quy luật số lớn. Quỹ hưu trí được tính toán để cân bằng trong một thời gian dài, và đối với mỗi người lao động, đó là một kế hoạch dài hạn.
Giờ đây nếu kế hoạch bị phá vỡ, sẽ là chấp nhận được nếu đó là những trường hợp riêng lẻ như trong quy định của Luật BHXH trong trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo hay đi định cư nước ngoài, và đây là những trường hợp hy hữu, bất khả kháng.
Nhưng nếu việc rút BHXH một lần diễn ra trên diện rộng, thì rất nguy hiểm với quỹ hưu trí. Một cách đơn giản, giả sử mức lương của mọi người lao động như nhau, một người về hưu nhận 70%, một người lao động đóng 22% (trong đó chủ sử dụng lao động đóng 14% nhưng được hạch toán chi phí nên có thể coi đây cũng là của người lao động) thì cần khoảng 3 người đóng.
Đó là đứng ở góc độ quỹ hưu trí, của nhà nước và xã hội. Đứng ở góc độ người lao động thì việc rút BHXH một lần cũng là một điều bất đắc dĩ vì quyền lợi của người lao động thực ra bị giảm.
Thứ nhất, giá trị tích lũy theo thời gian chưa nhiều cho nên giá trị ròng trên lý thuyết của khoản đã đóng góp của người lao động là thấp. Và cơ chế hoạt động của quỹ hưu trí là cân bằng nên trong mô hình tính toán, tỷ lệ bỏ giữa chừng phải là một con số rất thấp, nếu không nói là zero.
Thứ hai, việc rút BHXH một lần mà đang trong độ tuổi lao động, còn khả năng lao động thì sẽ ảnh hưởng đến số năm tích lũy nếu đi làm lại. Vì nếu gián đoạn một thời gian, thì cần phải kéo dài thời gian làm việc sau này hoặc quyền lợi hưu trí sẽ bị giảm đi.
Thứ ba, việc không có bảo hiểm hưu trí sẽ là một bấp bênh tài chính rất lớn khi người lao động đến tuổi về hưu. Khi đó, họ không chỉ là gánh nặng cho gia đình, mà còn là gánh nặng của xã hội.
Bảo hiểm thất nghiệp và việc làm
Tình trạng rút BHXH một lần thời gian qua nổi lên là điều mà cả người lao động và quỹ BHXH đều không muốn chút nào, vì “thiệt anh thiệt ả thiệt cả đôi bên”. Do đó, cần nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo và gốc rễ hơn để quyền lợi của người lao động được đảm bảo, mà quỹ BHXH, ở đây là quỹ hưu trí, được an toàn, bền vững.
Muốn vậy thì trước hết cần xem xét lại chế độ bảo hiểm thất nghiệp, về điều kiện được hưởng, thời gian được hưởng và quyền lợi được hưởng. Với người lao động, thất nghiệp là một cái gì đó rất kinh khủng, vì vậy mà ở nhiều nước, thất nghiệp gắn liền với tự tử, hay các tệ nạn xã hội. Bảo hiểm thất nghiệp cần tính toán lại để thực chất là tấm đệm cho người lao động lúc không may bị ngã, có thể tự đứng dậy được và đi tiếp.
Vấn đề thứ hai và cốt lõi hơn là việc làm. Phải tạo được càng nhiều việc làm càng tốt. Muốn vậy phải khuyến khích doanh nghiệp phát triển, kinh tế phát triển, thì nhu cầu tuyển dụng sẽ tăng. Bên cạnh đó, cũng cần các chương trình hỗ trợ tìm kiếm việc làm, hỗ trợ người lao động nâng cao kỹ năng, chuyển đổi ngành nghề. Các quốc gia phát triển đều rất chú trọng đến vấn đề này. Khi dịch Covid-19 xảy ra, nhiều lĩnh vực kinh tế bị thiệt hại nặng, nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp tăng đáng kể và vai trò của cơ quan quản lý hỗ trợ lao động của chính phủ là rất tích cực và hiệu quả.
Tóm lại, chuyện rút BHXH một lần là chuyện bất khả kháng mà không ai muốn hết. Để tránh trường hợp này xảy ra thì cần thiết kế lại chính sách bảo hiểm thất nghiệp, phát triển thị trường việc làm. Ngoài ra cũng cần nâng cao hệ thống an sinh xã hội.
Bởi vì BHXH là một cấu phần của an sinh xã hội. Nếu hệ thống an sinh xã hội tốt, các hình thức hỗ trợ xã hội tốt thì cũng có thể giúp người lao động vượt qua khó khăn, không phải dùng đến lựa chọn rút BHXH một lần. Ví dụ như ở một số nước châu Âu, bên cạnh chế độ bảo hiểm thất nghiệp, nếu hết thời gian mà người lao động vẫn không tìm được việc làm, thì hệ thống an sinh xã hội sẽ trợ cấp một nguồn thu nhập để đảm bảo cho những người này mức sống tối thiểu.
(*) Trường Đại học Kinh tế TPHCM, IPAG Business School Paris, và AVSE Global
Xem thêm: lmth.nal-tom-ioh-ax-meih-oab-tur-neyuhc-no-tab/214713/nv.semitnogiaseht.www