Chu kỳ đăng kiểm ô tô hiện nay như thế nào?
Đăng kiểm xe ô tô (kiểm định xe ô tô) được xem là một thủ tục bắt buộc theo quy định của Bộ GTVT đối với những ai đang sở hữu xe ô tô tại Việt Nam.
Theo đó, tùy theo từng loại xe, năm sản xuất, cơ quan chuyên ngành đăng kiểm sẽ đưa ra các tiêu chí kiểm định theo chu kỳ thời gian cụ thể để đánh giá xem liệu xe có đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật hay không?
Với các chủ sở hữu ô tô hay những tài xế lái xe lâu năm, việc đăng kiểm ô tô không còn quá xa lạ, trái lại những “tài mới” hay những người lần đầu sắm ô tô thường không chú ý chu kỳ, các mốc thời gian đăng kiểm xe, dẫn tới việc bị phạt khi đăng kiểm muộn. Vì vậy, bên cạnh các kiến thức kỹ năng sử dụng ô tô, các tài xế, chủ xe cũng cần nắm rõ chu kỳ đăng kiểm đối với chiếc xe đang sở hữu.
Hiện nay, chu kỳ kiểm định kỹ thuật phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đang được thực hiện theo các quy định tại khoản 2, điều 9 thuộc Thông Tư 70/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải. Thông tư này quy định chi tiết về chu kỳ thời gian kiểm định đối với các xe ô tô cũng như các phương tiện cơ giới đường bộ dựa theo 3 yếu tố chính gồm: Ô tô thuộc loại nào? Số chỗ ngồi và mục đích sử dụng xe?
Cụ thể, đối với ô tô chở người dưới 9 chỗ không kinh doanh vận tải, chu kỳ kiểm định lần đầu là 30 tháng. Khi đã hoàn thành đăng kiểm lần đầu, các mốc đăng kiểm kế tiếp được quy định dựa vào năm sản xuất của xe. Trong đó, xe sản xuất dưới 7 năm có chu kỳ kiểm định được quy định là 18 tháng. Những xe sản xuất từ 7 năm đến 12 năm có chu kỳ là 12 tháng và những xe sản xuất trên 12 năm có chu kỳ kiểm định là 6 tháng.
Trong khi đó, ô tô chở người dưới 9 chỗ có kinh doanh dịch vụ vận tải và ô tô chở người các loại trên 9 chỗ sẽ được chia ra thành 2 loại. Đầu tiên với các loại ô tô chưa cải tạo, tức là chưa thay đổi tính năng sử dụng hay chưa thay đổi các hệ thống như lái, phanh (trừ trường hợp lắp thêm bàn đạp phanh phụ), treo và truyền lực… Sẽ có chu kỳ đăng kiểm lần đầu là 18 tháng, chu kỳ kế tiếp sẽ là 6 tháng/lần.
Trường hợp ô tô chở người dưới 9 chỗ có kinh doanh dịch vụ vận tải và ô tô chở người các loại trên 9 chỗ có cải tạo lại sẽ có chu kỳ đăng kiểm lần đầu là 12 tháng và tiếp theo cũng sẽ là 6 tháng/lần.
Đối với ô tô chở người các loại trên 9 chỗ đã sản xuất từ 15 năm trở lên, ô tô tải các loại, ô tô đầu kéo đã sản xuất từ 20 năm trở lên sẽ có chu kỳ đăng kiểm ngắn nhất là 3 tháng/lần.
Các loại ô tô sau khi đăng kiểm sẽ được cấp giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Trường hợp quá hạn đăng kiểm ô tô, dù chỉ một ngày thì cũng đồng nghĩa với việc ô tô chưa đủ điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường để lưu thông và sẽ bị xử phạt theo quy định.
Sẽ điều chỉnh chu kỳ kiểm định một số loại xe ô tô
Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành công văn số 5617/BGTVT-VT nêu ý kiến về các kiến nghị hỗ trợ hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo đó, bên cạnh đề xuất cho phép lùi thời hạn thực hiện lắp camera trên xe khách từ 9 chỗ ngồi trở lên, xe đầu kéo chở công-ten-nơ thì tại công văn này, Bộ GTVT cũng nêu ý kiến về việc tăng thời gian cho chu kỳ kiểm định xe chở người các loại đến 9 chỗ có kinh doanh vận tải.
Cụ thể, hiện nay Bộ Giao thông Vận tải đang chỉ đạo các cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 70/2015/TT-BGTVT ngày 09/11/2015 về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Trong đó, sẽ điều chỉnh chu kỳ kiểm định xe ô tô chở người các loại đến 9 chỗ kinh doanh vận tải như sau:
- Chu kỳ đầu: Tăng từ 18 tháng theo quy định hiện nay lên 24 tháng.
- Chu kỳ định kỳ: Tăng từ 6 tháng theo quy định hiện nay lên 12 tháng.
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cũng cho ý kiến về nội dung có chính sách, cơ chế phù hợp đối với các nhà đầu tư BOT (Bộ Tài chính ban hành Thông tư 112/2020/TT-BTC về giảm phí sử dụng đường bộ nhưng các nhà đầu tư BOT không thực hiện, vì cho rằng nếu giảm phí thì Bộ Tài chính cần có các cơ chế chính sách đối với nhà đầu tư) để các nhà đầu tư BOT thực hiện Thông tư 112/2020/TT-BTC và kéo dài thời hạn thực hiện Thông tư 112/2020/TT-BTC đến hết ngày 31/12/2021 (thay vì 30/6/2021).
Về nội dung này, theo Bộ GTVT, Thông tư 112/2020/TT-BTC quy định mức phí sử dụng đường bộ (phí thu trên đầu phương tiện) đối với xe ô tô kinh doanh vận tải của doanh nghiệp kinh doanh vận tải, hợp tác xã kinh doanh vận tải, hộ kinh doanh vận tải. Việc thu phí dịch vụ đường bộ không thuộc đối tượng quy định tại Thông tư 112/2020/TT-BTC, do đó các Nhà đầu tư không phải thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư 112/2020/TT-BTC.
Trong quá trình triển khai thực hiện công tác thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ, một số Dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư do Bộ GTVT quản lý đã thực hiện giảm phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; giảm phí sử dụng đường bộ đối với các vùng lân cận trạm thu phí và một số dự án BOT chưa được xem xét tăng giá sử dụng đường bộ mặc dù đã đến thời điểm tăng giá từ năm 2019, 2020, 2021.
Ngoài ra các Nhà đầu tư BOT cũng là các doanh nghiệp và cũng đều chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 do giảm lưu lượng phương tiện lưu thông qua trạm làm giảm doanh thu ảnh hưởng đến khả năng cân đối tài chính của doanh nghiệp; phát sinh tăng chi phí lãi vay và chi phí hoạt động của doanh nghiệp.
Hoàng Mai