Câu chuyện cầu thủ bóng đá Cristiano Ronaldo từ chối quảng bá cho Coca Cola trong buổi phỏng vấn và cổ vũ uống nước lọc đã làm chấn động giới truyền thông cũng như khiến cổ phiếu của thương hiệu này mất hàng tỷ USD.
Vậy tại sao từ một người từng đam mê nước ngọt có ga, Ronaldo lại thay đổi đến vậy? Câu trả lời vô cùng đơn giản: Đường.
Vào năm 2013, Coca Cola đã phải thừa nhận rằng đồ uống của họ có quá nhiều đường. Đó là lần đầu tiên trong hơn 126 năm kể từ ngày Coca được phát minh ra mà nhà sản xuất thừa nhận sản phẩm của họ có liên quan đến các chứng bệnh tiểu đường, béo phì cùng những triệu chứng khác.
Cũng tương tự như sự thật được tiết lộ vào năm 1903 rằng Coca có chứa một phần nhỏ cocaine, qua đó buộc hãng phải thay đổi nguyên liệu này sau bài đăng của một tờ báo, việc Coca thừa nhận sản phẩm của mình có quá nhiều đường đã gây chấn động giới chuyên gia. Chỉ có điều lần này họ lấp liếm được mối tương quan giữa đường và sức khoẻ.
Khoảng 1/3 số người Mỹ hiện nay bị thừa cân hoặc béo phì nhưng Coca không chịu thay đổi công thức bởi họ sợ lặp lại thất bại năm 1985 khi đồ uống mới dù ngon hơn nhưng khách hàng vẫn phản đối vì đã quá quen mùi vị cũ.
Các số liệu so sánh cho thấy năm 1882, người trưởng thành tại Mỹ mất 5 ngày để tiêu thụ lượng đường có trong mỗi lon Coca thì ngày nay, bình quân 7 tiếng là một người Mỹ lại uống hết 1 lon này. Tất nhiên hệ quả là 1/3 số người dân đang mắc bệnh béo phì.
Gây nghiện
Những nghiên cứu khoa học cho thấy nếu ăn thêm 150gr đường mỗi ngày sẽ làm giảm khả năng điều tiết Insulin của cơ thể, qua đó làm tăng khả năng mắc bệnh huyết áp cao, béo phì hay tiểu đường.
Về lý thuyết rất nhiều loại thực phẩm có thể phân tách thành đường Glucose, trở thành năng lượng cho các tế bào cũng như thần kinh. Thế nhưng việc tiêu thụ các thành phần Carbonhydrates đơn giản như nước ngọt có ga sẽ dễ dàng cấp thêm đường vào máu, qua đó tạo những tác động phụ lên cơ thể.
Trước thế kỷ 16, chỉ có người giàu mới hay được tiêu thụ sản phẩm giàu đường nhưng tình hình đã đổi khác kể từ sau thời kỳ thuộc địa. Trong thập niên 1970-1990, mức tiêu thụ đường syro ngô tại Mỹ trong các đồ uống ngọt đã tăng gấp 10 lần, đương nhiên đi cùng với đó là tình trạng béo phì.
Theo một nghiên cứu kéo dài 15 năm tại Mỹ, những người tiêu thụ 25% tổng số Calories hàng ngày của mình thông qua đồ ngọt nhân tạo sẽ có khả năng tử vong vì đau tim cao gấp đôi người thường. Trong khi đó nghiên cứu từ thập niên 1990 đã cho thấy phụ nữ uống nhiều hơn 1 lon nước ngọt có ga hoặc nước trái cây đóng hộp mỗi ngày sẽ có khả năng mắc bệnh tiểu đường cao gấp đôi so với bình thường.
Tất nhiên thí nghiệm này chưa hoàn toàn được chứng minh được tác hại của nước ngọt, nhưng chúng cho thấy mối tương quan giữa việc tiêu thụ quá nhiều đường với sức khỏe con người.
Cai nghiện
Anh Azlan Sohoni, công dân 47 tuổi người Singapore có thói quen bắt đầu một ngày mới với cốc Milo của Nestle. Khi đi làm, anh uống trung bình 5 lon Coca mỗi ngày và anh rất ghét Diet Coke hay Coke Zero bởi chúng chẳng đủ ngọt.
"Tôi nhận thức được rằng uống nhiều những loại đồ uống này chẳng tốt cho sức khỏe nhưng tôi đã quen với những đồ uống ngọt mất rồi", anh Sohoni thú nhận.
Câu chuyện của anh Sohoni không phải cá biết mà rất nhiều người trên thế giới cũng đang nghiện các sản phẩm nhiều đường và chính phủ thì không thích điều này. Tại Đông Nam Á, nhiều nước đang lên kế hoạch tăng thuế với các sản phẩm nhiều đường gây hại sức khỏe cho người tiêu dùng.
Tỷ lệ người dân bị béo phì và tiểu đường tại các nước Đông Nam Á
Tại Singapore, chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe đã tăng 10% trong năm tài khóa 2019 và Bộ trưởng y tế nước này phải thừa nhận họ đang trong cuộc chiến với bệnh tiểu đường khi người dân tiêu thụ đồ ngọt quá nhiều.
Cùng năm đó, Tổ chức y tế thế giới (WHO) cho biết 9% dân số trên 18 tuổi của Singapore mắc bệnh tiểu đường, còn 35% thì bị béo phì. Đây là 2 trong số những nguyên nhân chính dẫn đến các biến chứng nặng như đau tim, đột quỵ và suy thận.
Tại Malaysia, con số này là 10% và 37%. Thái Lan cũng không chịu kém cạnh với 10% và 32%.
"Cứ 2 người Malaysia thì có 1 người thừa cân béo phì", Bộ trưởng tài chính Lim Guan Eng đã từng thừa nhận vào năm 2019.
Ngay lập tức, chính phủ Malaysia nhắm đến việc tăng thuế nước ngọt, trở thành quốc gia thứ 4 trong khu vực hành động. Trước đó Brunei và Thái Lan đã ban hàng thuế này vào năm 2017, còn Philippines theo sau đó vào năm 2018.
Phía WHO vô cùng hoan nghênh những động thái này và cho biết chúng có thể cứu sống 24.000 người tử vong vì bệnh tiểu đường, đột quỵ và đau tim trong 20 năm tới.
Theo hãng Coca Cola, bình quân một lon 330ml có chứa 35gr đường, trong khi WHO khuyến cáo chỉ nên bổ sung thêm lượng đường bằng 5% tổng lượng Calories tiêu thụ mỗi ngày, tương đương khoảng 25gr.
Bất chấp việc bị chính phủ quay lưng, những hãng nước ngọt như Coca vẫn không chịu từ bỏ công thức đem lại lợi nhuận béo bở cho mình. Tại Anh, hãng giảm dung tích chai truyền thống từ 1,75 lít xuống 1,5 lít nhưng lại tăng giá nhằm né thuế mới cho nước ngọt.
Về phía người tiêu dùng, để thoát khỏi cơn nghiện đường là điều chẳng hề dễ dàng. Anh Sohoni người Singapore cho biết mình sẽ hạn chế uống nước ngọt nếu tăng thuế, nhưng từ bỏ thì không.
"Tôi sẽ không bao giờ từ bỏ uống Coca Cola", anh Sohoni thú nhận.
Huyền Băng
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
Xem thêm: nhc.81675744171601202-iohc-ut-yat-gnaht-odlanor-am-oan-eht-iah-yag-togn-coun/nv.zibefac