Tôi xuống xe ở ngã ba.
Sơn đã đứng ở đấy, có vẻ từ khá lâu. Xe khách vừa dừng lại, nhìn thấy anh chàng lơ xe lôi cái valy trong gầm xe đưa cho tôi thì Sơn bật cười. “Mày tính ở luôn hay sao mà mang cả thế giới theo vậy”. “Ở luôn. Thành phố ngột ngạt quá, sống không nổi”. Tôi leo lên xe, ngồi sau lưng Sơn, loay hoay cài dây mũ bảo hiểm rồi ậm ừ trả lời.
Từ ngã ba vào tới rẫy của Sơn chắc ba bốn cây số. Xe băng qua những mô đất gập ghềnh. Bụi tung đỏ mắt. Cây cối hai bên đường đỏ quạch vì được nhuộm bởi thứ bụi mịn ấy. Chẳng thấy bóng dáng người nào đi ngược lại. Tôi thầm nghĩ. Xứ sở gì mà thấy buồn gì đâu. Chẳng hiểu sao Sơn có thể sống ở đây gần chục năm nay cho được.
Suốt một quãng đường dài. Sơn không hề hỏi lý do vì sao tôi lại đến đây. Cứ như thể đón một người bạn thời thơ ấu như tôi đến nhà, với Sơn là quá đủ.
- Uống nước đi. Không quen đi xa, mệt không?
Vẫn cái kiểu nói chuyện trống không như cái thời hai thằng học chung lớp cấp 3. Sơn chẳng bao giờ gọi tên tôi. Lúc nào nó cũng nói chuyện mà không thèm gọi tên người đối diện.
Tôi đỡ lấy ly nước, cứ xoay mãi trong lòng của lòng bàn tay, không định uống. Cái ly được dùng từ ngày này qua ngày khác mà không hề được cọ rửa, từng lớp váng nước trà đóng lại thành quầng ố vàng làm tôi thấy ngại.
Căn nhà gỗ giữa rẫy của Sơn khá chắc chắn. Hơi chật hẹp và khá lộn xộn. Vách gỗ thủng lỗ chỗ, từ phía trong nhà có thể nhìn thấy tia nắng đang lấp loáng ngoài vườn. Chỗ nào trong căn nhà cũng sục lên mùi của cám. Bụi cám bay mù, (thậm chí lúc mới bước vào nhà, tôi đã sặc). Ngồi một lúc, cảm giác thêm có cả mùi mốc đâu đó. “Mày sống đây một mình được. Cũng giỏi”. “Giỏi gì. Ở đây tao không phải gặp ai hết. Mà mọi người ở nhà mày khoẻ không?”.
Mọi người mà Sơn hỏi là mẹ tôi. Những cuộc điện thoại của tôi gọi đến, nó đều hỏi câu đó. Những khi tôi nói mẹ tao khoẻ. Sơn lại chùng giọng. “Mày chăm sóc mẹ mày chu đáo một chút. Mày còn có mẹ. Chứ như tao…” rồi Sơn sẽ lảng qua chuyện khác. Bởi những khi ấy, từ đầu bên này điện thoại, tôi sẽ luôn hình dung ra cặp mắt đỏ hoe của nó, luôn ầng ậc nước. Như một đôi lần tôi theo chị hai Sơn vào khu nhà thăm nuôi nó trong những năm Sơn thụ án ở trại giam.
*
Sơn xách va li đi thẳng lên cầu thang. Tôi lúi húi leo lên theo sau. Cầu thang đóng bằng loại gỗ tạp rung lên làm tôi giật mình cái thột. Một cái gác xép đúng nghĩa. Mọi thứ có vẻ khá hơn phía dưới nhà. Vẫn những luộm thuộm của chăn mền không gấp, quần áo vung vãi khắp nơi. Từ dây phơi đến ghế, rồi sàn nhà. Thằng bạn nhanh nhẹn quơ tay thu dọn mọi thứ. Quần áo thì cái treo lên dây, cái móc trên đinh. Nhìn gọn hơn một chút. Sơn lôi đâu tấm đệm, đẩy sát vào góc và quăng lên hai cái gối. Hai thằng đàn ông, có vẻ cũng chẳng có gì khó khăn chỗ ngủ. Uống say, lăn chỗ nào mà không được.
Ở góc trái căn phòng. Mấy cái khung giá xếp gọn gàng. Tuýp màu, cọ xếp ngay ngắn trong ống, ống xếp cạnh nhau ở hộp gỗ. Tôi ngạc nhiên khi cái gì Sơn cũng lộn xộn. Nhưng góc vẽ của nó lại chăm chút một cách lạ lùng. Tôi tò mò. Một bức tranh đang phác thảo chì với vài đường nét đứt quãng. Lướt thấy cái nhìn của tôi về góc nhà. Sơn phẩy tay. “Vui thôi. Rảnh mà”. Tôi cười. “Rảnh mà hay. Mày cũng tài năng vẽ vời mà không kể tao bao giờ”. “Tài gì. Giết thời gian thôi”. Sơn ném tấm vải phủ thẳng lên giá vẽ, ý chừng muốn kết thúc sự tò mò của tôi.
Chỉ khi mở tung cánh cửa sổ, tôi mới thấy hết ở trên gác nhìn ra ngoài thích thế nào. Rợp một màu xanh của cây. Gió thổi vào mát rượi. Cái lan can chừng mét rưỡi là một địa thế lý tưởng để có thể tận hưởng điều đó. Mùi thơm thơm dịu nhẹ thoang thoảng lướt qua mũi. Tôi cười cười. “Hoa gì thơm dữ”. “Hoa cà phê”. Tôi hít một hơi. “Thơm quá”. “Mới thoảng thế thôi. Xá gì. Để sáng mai tao pha cho mày ly cà phê. Ngồi uống cà phê giữa rừng hoa cà phê, xem mày có mê chỗ này không thì biết”.
Sơn cười thoải mái. Chỉ khi này, tôi mới cảm nhận nó rất khác. Như thể một đôi lúc bất chợt vui vẻ. Sơn xuống nhà. Một lát sau có tiếng nước xối ào ào. Tiếng vo gạo lạch xạch. Tôi nằm dài trên nệm. Vẫn còn cảm giác váng vất như đang ngồi trên xe. Nhắm mắt lại một lúc nhưng vẫn không ngủ được thì lồm cồm bò dậy đến góc nhà, nơi xếp những khung gỗ, toan vẽ của Sơn. Tò mò muốn biết phía bên kia của khung tranh xếp quay mặt vào vách nhà. Những bức tranh của Sơn. Tranh nào cũng u ám, từng mảng tối đen xếp chồng lên nhau. Những quầng trăng đỏ ối như máu. Cả cánh rừng vàng rực như bốc hoả. Bức nào cũng là gam nóng. Như sự giận dữ chất chứa ở đâu đó nơi sâu thẳm trong Sơn.
Minh họa: Ngô Xuân Khôi |
Xếp lại những bức tranh. Tôi cẩn thận phủ lên tấm vải như lúc Sơn ném lên. Để khi nó lướt qua, vẫn không phát hiện ra việc tôi lục lọi. Thốt nhiên, ngay lúc này, lồng ngực tôi đau nhói. Như cái hôm nào đó khi đứng chôn chân ở sân nhà nó, lúc Công an còng tay Sơn. Chiếc còng số 8 được giấu trong cái áo khoác. Họ giải Sơn đi lúc trời chiều. sau khi nhà cô gái người yêu của Sơn làm đơn tố cáo gã thanh niên làm hại đời đứa con gái mới chớm tuổi 13 của họ.
Nó là đứa có người yêu sớm nhất.
Tôi vẫn nhớ Thương. Con bé có tóc dài ngang vai. Lúc nào cũng cười chúm chím. Nó vẫn chờ chúng tôi ở góc đường. Chỉ để gặp riêng anh Sơn nói chuyện này một chút. Giá như ký ức của tôi về Thương chỉ dừng ở đó. Tôi đã không bao giờ quên được ngày ở toà án, lũ chúng tôi bật khóc tức tưởi khi toà tuyên án Sơn tám năm sáu tháng tù. Tội giao cấu với trẻ vị thành niên.
Mẹ Sơn đổ xuống như cây chuối bị phạt ngang gốc bằng nhát dao sắc ngọt, bà ngã sõng soài giữa phòng xử án.
Con bé người yêu của Sơn, phổng phao như thiếu nữ mười bảy ấy chưa được mười ba tuổi.
*
Cơm trưa của hai thằng đàn ông. Có rượu nhưng tôi không uống. Đi xe khách không quen nên tôi thấy người hơi chao chao. Ngồi trong nhà mà như thể vẫn lắc lư trong xe. Sơn uống một ly. Đúng hơn chỉ nhấp chứ không uống. “Một mình thì buồn. Nhưng tao không hay uống”. “Tốt”. Tôi gật gù. “Tốt khỉ gì. Rượu ngon không có bạn hiền. Không có thú gì”. Sơn lầm bầm trong miệng. Bỗng dưng tôi nhận ra. Sơn có cái kiểu lầm bầm ấy. Chắc vì sống một mình. Quen nói chuyện một mình. Ngay khi có tôi ở đây, có ngồi trước mặt thì nó cũng quên bẵng mất sự có mặt của tôi.
Trong khi Sơn cho bầy gà ăn thì tôi ngồi vắt chân lên chiếc ghế gỗ cũ nhìn nó làm việc. Tôi phải ngồi thật gượng vì sợ ghế gãy. Cảm giác như ở đây, cái gì cũng tạm. Hai tay Sơn trắng phau bởi cám hay thứ bột gì đó. Có lẽ là cám cho gà vì lúc nãy tôi nhìn thấy bầy gà chạy toé theo hướng tay Sơn vẩy thóc ra giữa sân.
Rẫy vắng một cách kỳ lạ. Cảm giác có thể nghe được cả tiếng cựa mình của cây. Thi thoảng có tiếng chim rinh rích. Cả tiếng gù gù rất khẽ. Tiếng gù khẽ ấy phát ra từ một đôi chim trống mái đậu trước cửa chuồng đặt trên gờ mái hiên. Sự yên ắng ấy cho tôi giấc ngủ ngon. Giấc ngủ không giờ giấc giữa chăn gối lùng nhùng và sặc mùi mồ hôi. Khi tỉnh dậy, tôi thấy ngực mình ấm ấm, thì ra con mèo lạ đang giúi đầu vào lòng tôi ngủ ké. Lông nó mượt, xam xám. Khi tôi cựa mình, nó đứng dậy và lẩn mất ở sau cửa sổ.
*
Thành phố có bao giờ yên ắng đâu. Ngôi nhà của tôi ở sâu trong hẻm, qua hai ba lần cua quẹo thì sự ầm ĩ của xe cộ cũng không ngớt đi. Nhất là vợ tôi. Nàng chưa bao giờ thôi cằn nhằn mỗi khi bước chân về đến nhà. Thế nên đến đây, giữa rẫy của Sơn. Tôi thấy dễ chịu lạ lùng.
Sáng nay Sơn dậy sớm, nó pha cà phê trong phin nhôm. Sơn trút cà phê vào phích giữ ấm, dắt tôi ra chòi canh. Khi leo lên chòi, hai thằng nằm gác chân lên đống bắp khoai ngổn ngang. Sơn bảo. “Ở đây, chẳng cần nghĩ ngợi về thời gian. Lúc nào cũng thong thả như vầy. Như tao với mày lúc này, uống cà phê và nói chuyện tào tao”.
Tôi nhỏm dậy nhìn quanh. Từ chòi canh này, nhìn xuống thì rẫy cà phê càng xanh mướt. Nhành hoa trắng rập rờn ong lượn. Ong nhiều đến mức độ, nếu lởn vởn quanh hoa, thể nào chúng cũng đốt. Tôi thấy hối hận sao mình không thăm thằng bạn sớm hơn. Ví dụ của chục năm trước, hình như tôi đã quên bẵng Sơn.
Ngày thứ hai khi tôi đặt chân đến rẫy. Sơn bảo tối nay nhậu cho say một bữa. Bõ công mày lặn lội vô nơi khỉ ho cò gáy. Nồi cháo gà. Con cá suối bắt lúc chiều nướng than thơm nức. Hai thằng đàn ông tựa lưng vào vách gỗ, mỗi đứa một ly.
- Rồi mày định sống như vầy hoài sao?
- Có gì đâu. Tao quen rồi. Sống thế này một mình cũng hay. Ở đây đủ yên tĩnh để làm tao quên cái quá khứ chết tiệt. Không có hàng xóm nhìn chằm chằm vào tao rồi lật đật đóng cửa vì sợ thằng tù lai vãng.
Giọng tôi nhẹ bẫng:
- Có khi nào mày nhớ đến Thương không? Tao chưa bao giờ dám hỏi câu này. Khi mày ở tù, Thương có đến thăm mày bao giờ không?
- Có. Chỉ là tao không muốn thấy mặt nó.
Sơn gà gật. Thầm thì như nói một mình.
- Tao muốn quên đi nó. Quên như chưa bao giờ nhớ đến nó hết.
- Rồi quên được không?
- Mày nghĩ tao quên được không?
Sơn quay lại nhìn chằm chằm vào mặt tôi. Cái nhìn của Sơn nhói buốt. Như ngày nó vừa bước xuống khỏi thùng xe bít bùng, bật khóc oà khi thấy đám bạn.
Tôi không kể với Sơn rằng Thương đã tìm gặp tôi. Cô ấy gửi cho Sơn lá thư. Một chút bánh trái. “Em có lỗi với anh Sơn quá. Hồi đó em còn non dại. Có ngờ đâu”. “Ngờ cái gì. Cô đã đẩy nó vào tù”. Tôi đã hét vào mặt Thương. Căm phẫn. Đứa con gái mười bảy tuổi ôm mặt khóc ngất. Ngay khi nó run lên từng chập ấy, tôi cũng kịp nhận ra Thương trổ mã trở thành cô gái xinh đẹp hơn ngày trước rất nhiều.
- Vì tao mà mẹ tao mới lên cơn đau tim. Mày nghĩ cái đứa bất hiếu như tao có thể tha thứ cho mình được không?
Sơn cười chua chát. Rồi dốc ly uống một hơi cạn sạch. Đoạn với tay lấy cây đàn ghi ta treo trên vách xuống. So dây. Nhưng tiếng đàn kiểu bật bông nhát gừng, lừng phừng của nó làm tôi thất vọng. Ngày xưa, khi là đứa trai 16 tuổi, nó là đứa biết đàn ghi ta đầu tiên trong đám thanh niên loai choai chúng tôi.
Tôi chờ Sơn hỏi rằng mày có gặp Thương bao giờ không? Nhưng Sơn không hỏi. Cứ như thể đó là vết thương đau đớn tận cùng của một thanh niên ngu ngơ nhất trên đời mà Sơn nhất quyết không muốn nhớ tới. Đôi khi tôi tự hỏi. Nếu ngày xưa, Thương lẽo đẽo theo tôi chứ không phải Sơn. Rồi khi hai đứa rủ nhau đi xem phim, trên đường về ngang rẫy vắng thì nàng níu tay tôi dúi vào ngực mình. Thổn thức em yêu anh đó. Thì tôi có giống Sơn không?
Sau cái lần tôi nhận thấy Thương rất đẹp thì tôi không còn hận nàng nữa. Bằng chứng là khi Thương gọi điện, tôi sẽ bắt máy. Và nhẫn nại ngồi bên cạnh Thương khi nàng tu tì tì hết ly này đến ly khác. Nếu nàng say, tôi sẽ đưa Thương về. Chỉ có điều tôi không thể chạm tay lên vồng ngực phập phồng của nàng. Ngay cả khi Thương nằm phơi mình trên tấm đệm mỏng trong căn phòng trọ chỉ có hai người chúng tôi.
Thương bảo em tìm được việc. Mà việc rất nhàn mà lương thì không ít. Bởi em đẹp mà anh. Tôi sửng sốt khi đón nàng ở nhà trọ, Thương leo lên sau yên xe tôi trong bộ váy ngắn cũn cỡn. Đồng phục của nhân viên tiếp thị hãng bia làm sao đủ độ dài để che được cặp chân trắng muốt, dài miên man của Thương. Hôm ấy, chị hai Sơn bắt gặp cảnh tôi nghiêng xe cho Thương bước xuống. Chị đến phòng trọ, gom hết quần áo của tôi. Quyết liệt. “Về nhà ở với chị. Mày không được sa chân vào mạng của quỷ nhền nhện đó”. Tôi ngẩn người. Không thể chối. Nhất là khi chị hai Sơn vừa khóc vừa lôi tôi sềnh sệch khỏi dãy trọ.
Thành phố nhỏ. Nhưng thật lạ, chỉ cần thay sim điện thoại. Không quay về dãy nhà trọ nữa. Tôi chưa hề gặp lại Thương một lần nào. Hay khi người ta không có duyên phận gì với nhau, thì sẽ lướt qua nhau nhẹ bẫng như thế.
Sơn không đàn nữa, tay chỉ đập khe khẽ lên thùng đàn và hát khẽ. Tôi nằm dài ra sàn gỗ, hai tay gác sau gáy. Giữa sự yên ắng của đêm thì tiếng hát của Sơn rất rõ. Rồi một lúc lâu. Khi rượu ngấm. Hai đứa thi nhau hát. Gân cổ hết sức để hát. Để hét. Kiểu như những thanh niên của mười năm trước.
Khi giọng khàn đặc. Nghiêng ngả. Tôi nói với Sơn
- Mày không hỏi vì sao tao đột ngột vô đây sao?
- Không.
- Để nói với mày tin Thương vô tù.
- Nhưng sao?
Sơn bật dậy. Giọng hốt hoảng. Như thể cả buổi tối chưa uống giọt rượu nào. Tôi ngửa cổ tu một hơi hết ly. Chẳng biết tôi kể về Thương, Sơn có nghe được tiếng thầm thì ấy hay không. Thương có duyên với nghề tiếp thị bia đến mức. Chỉ sau ba năm nàng đã là Tổ trưởng tiếp thị của hãng bia. Uy tín và được giao hẳn quyền tuyển chọn nhân viên dưới trướng. Nghe đâu Thương cầm quân gần ba mươi thiếu nữ. Trẻ trung và đẹp. Chân em nào cũng dài hun hút. Tất cả các em đều tôn sùng Thương. Chị quá xinh đẹp. Chị quá tài.
Thương có nhiều người tình. Chỉ có điều yêu nhất là cậu thanh niên thua nàng trên dưới chục tuổi. Thương rất chiều. Mua xe. Điện thoại. Quần áo hàng hiệu thay liên tục. Người tình trẻ có mỗi việc đi đâu là cứ ngồi bên chị Thương chứ không phải em gái non tơ xinh đẹp nào khác. Chẳng có gì hết nếu chàng thanh niên không phải lòng một cô nàng mới tinh mà Thương vừa tuyển về đội. Thập thò nhắn tin khen em xinh thế, nhìn tinh khôi đến mức không thể không yêu.
Thương đã bắt gặp hai người hẹn hò ở góc khuất con hẻm. Một cú tát như trời giáng vào mặt con bé nứt mắt đã giành người yêu chị. “Dám phản lại chị mày mà sống yên sao?”. Thương hét khản giọng. Nhào đến vừa dúi vừa đạp cô bé xinh đẹp xuống đất. Gã người yêu nhảy bổ đến, không kịp bênh người yêu bé nhỏ thì Thương lụi nhát dao vào bụng. Nhát dao rất sắc. Và ngọt. Gã thanh niên ngã xuống như cây chuối, sõng soài giữa đường. Chỉ kịp nghe tiếng rú thất thanh. “Giết người. Trời ơi”.
*
Sơn không hỏi. Người tình trai trẻ của Thương có còn sống không? Tôi không biết. Tôi chỉ biết hôm Thương được đưa ra toà xét xử, tôi không đủ can đảm đến toà. Tôi chỉ nghe loáng thoáng chị hai Sơn nói điều gì đó về Thương. Rằng trên đời, ông trời công bằng lắm, nào có để ai bị thiệt đâu.
…
Bộ lông mềm của mèo lướt qua mặt làm tôi bừng tỉnh.
Lúc xuống bậc thang gỗ. Sơn đã đợi tôi ở dưới nhà. Hai tay dính đầy bột trắng.
- Ăn sáng đi. Mai về nhà đi. Hôm nào tao sẽ về thăm chị hai tao. Nói với chị ấy như vậy.
Tôi định hỏi rằng Sơn bao giờ sẽ rời chốn này. Rằng Sơn có định đi thăm Thương không? Người đàn ông như Sơn như con chim bị ngã lộn cổ sau một lần trượt chân. Có lẽ bây giờ cành cây nào cũng khiến nó chùn chân. Định hỏi điều gì tương tự như ở chốn xa lắc này, mày có cơ hội gặp một người phụ nữ nào đó để quên đi Thương mà làm lại cuộc đời không?
Bỗng dưng thoáng nhớ đến những quầng trăng đỏ ối trên bức tranh úp mặt vào tường của nó. Cả những đường đứt quãng trên bản thảo chì nữa. Chớm nghĩ đến đó thì yên lặng. Thời gian chẳng thể xoa dịu được những nỗi đau. Chỉ có con người mới tự làm lành vết thương của mình mà thôi.
Truyện ngắn của Niê Thanh MaiXem thêm: /541646-uc-yagn-gnouht-teV/neyurT/nv.moc.dnac.acnv