Tối 17/6 theo giờ Việt Nam, giá vàng kỳ hạn tháng 8/2021 trên sàn New York giảm mạnh xuống mức 1.778,1 USD/ounce, thấp nhất kể từ đầu tháng 5/2021. Vàng giao ngay cũng chỉ quanh 1.776 USD/ounce, thấp hơn 2% so với cuối phiên trước.
Tại Việt Nam, giá vàng chiều 17/6 cũng giảm mạnh, vàng SJC giá mua vào – bán ra còn 56,25 triệu - 56,85 triệu đồng/lượng, giảm khoảng 400.000 đồng/lượng so với một ngày trước đó.
Trong khi đó, chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền chủ chốt – tăng 0,3%, sau khi đã tăng 0,8% ở phiên liền trước, mức tăng trong 1 ngày nhiều nhất kể từ tháng 3/2020.
So với Euro, USD đã tăng 0,5% trong ngày thứ Năm (17/6), lên 1,19 USD/EUR.
Chủ tịch Fed, Jerome Powell, hôm 16/6 vẫn tái khẳng định lạm phát tăng cao trong năm nay chỉ là nhất thời, song không thể bỏ qua những rủi ro mà nó gây ra. Fed dự báo tỷ lệ lạm phát Mỹ trong năm 2021, với chỉ số chi tiêu cá nhân (PCE) sẽ lên tới 3,4%, cao hơn mức 2,4% dự báo trong kỳ họp trước. Lạm phát của nước này trong tháng 5 vừa qua đã tăng mạnh nhất trong vòng 13 năm. Áp lực lạm phát dự kiến sẽ tiếp tục trong năm 2022, với CPE dự báo sẽ tăng 2,1%, cao hơn mức 2% dự báo hồi tháng 3.Fed dự báo lạm phát năm 2023 sẽ là 2,2%, cũng tăng so với con số 2,1% dự báo trước đây.
Lạm phát lõi (không tính giá thực phẩm và năng lượng) được Fed dự báo là sẽ tăng 3% trong năm nay, cao hơn rất nhiều so với mức 2,2% dự báo trước đây; tăng tiếp 2,1% trong năm 2022 (so với 2% dự báo trước đây), và năm 2023 sẽ là 2,1%, không thay đổi so với dự báo trước.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã tăng mạnh nhất trong vòng 3 tháng sau khi Fed kết thúc kỳ họp vào ngày 16/6. Lãi suất ở Mỹ tăng sẽ khiến đầu tư vào trái phiếu Mỹ trở nên hấp dẫn đối với người nước ngoài, từ đó làm tăng nhu cầu đối với USD từ các nhà đầu tư bên ngoài nước Mỹ.
Giá vàng lao dốc trong khi USD vọt lên sau cuộc họp của Fed
Bernard Dahdah, nhà phân tích hàng hóa cấp cao của Natixis cho biết: "Trái với suy nghĩ của nhiều người rằng lạm phát cao dẫn đến giá vàng cao, vàng sẽ chỉ được hưởng lợi lớn nếu lạm phát tăng trên 4%", và "Không còn là câu chuyện Covid-19 ảnh hưởng đến vàng, mà đó là câu chuyện phục hồi, và mối quan tâm chính là Fed tăng lãi suất."
Nhiều nhà đầu tư đã cho rằng đồng USD tiếp tục suy yếu trong phần lớn năm qua do kỳ vọng kinh tế toàn cầu sẽ hồi phục trên diện rộng và đà hồi phục sẽ ngày càng mạnh lên ở nhiều quốc gia.
Quan điểm đó đã bị nghi ngờ trong 3 tháng đầu năm nay, khi Mỹ khởi động một làn sóng Chính phủ chi tiêu mạnh mẽ để thúc đẩy nền kinh tế. Có vẻ như Mỹ sẽ vượt lên trên các đối thủ khác trong "cuộc đua" tăng trưởng và lạm phát, khiến cho lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và đồng USD sẽ ngày càng tăng giá thêm nữa.
Nhưng kể từ sau đó, đồng USD suy yếu trở lại khi các quan chức của Fed nhiều lần nói rằng lãi suất sẽ không thay đổi trong một thời gian dài, và bất cứ sự gia tăng lạm phát nào cũng sẽ chỉ là tạm thời.
Ông David Riley, chiến lược gia đầu tư thuộc BlueBay Asset Management phân tích rằng: "Một trong những nguyên nhân khiến USD yếu đi là quan điểm cho rằng không có ngân hàng trung ương nào khác trên thế giới có thể ôn hòa như Fed". Ông nói: "Tôi nghĩ rằng bây giờ đã có một giả định kém an toàn hơn nhiều."
Trong cuộc họp ngày 16/6, Fed vẫn giữ quan điểm của mình rằng lạm phát có thể chỉ là tạm thời. Nhưng các quan chức của Fed cho biết có nhiều rủi ro hơn khi lạm phát tiếp tục cao và bắt đầu ảnh hưởng đến nhận định của người tiêu dùng đối với lạm phát. Những dự đoán về lạm phát cao đó có thể dẫn đến lạm phát thực tế tăng lên.
Và thực tế là ông Powell đã đổi giọng khi báo hiệu rằng Fed sẽ ít có khả năng để lạm phát vượt quá mục tiêu 2% trong hai năm tới hoặc lâu hơn thế. Về vấn đề này, ông Riley nói: "Chúng tôi nghĩ rằng họ sẽ giữ thái độ kiên trì khi lạm phát vượt mục tiêu trong khoảng thời gian từ 12-18 tháng, nhưng không thể kiên trì lâu hơn nữa", "Chúng tôi đã rất thận trọng khi nhận định về việc đồng USD sẽ tiếp tục yếu".
Trên thị trường trái phiếu, bình luận của ông Powell hôm 16/4 đã khiến lợi suất thực tế tăng vọt do nhà đầu tư chuyển hướng dồn tiền vào trái phiếu để bù đắp cho lạm phát.
Theo Tradeweb, lợi suất thực của trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã tăng từ âm 0,9% lên âm 0,77% trong ngày 16/6, và tăng tiếp lên âm 0,76% vào 17/6. Thực tế là lợi suất thực tế tăng hơn so với lợi suất danh nghĩa cho thấy các nhà đầu tư hiện nay nghĩ rằng việc tăng lãi suất có nhiều khả năng xảy ra hơn so với suy nghĩ trước đây.
Về triển vọng tăng trưởng, Fed dự báo GDP của Mỹ sẽ tăng 7% trong năm nay, cao hơn mức 6,5% dự báo trước đây, tăng tiếp 3,3% trong năm 2022 và 2,4% năm 2023 (cao hơn mức 2,2% dự báo trước đây).
Về thị trường lao động, Fed dự báo thị trường này sẽ tiếp tục hồi phục sau khi bị dịch Covid-19 tàn phá trong năm 2020. Theo đó, tỷ lệ thất nghiệp năm 2021 sẽ giảm xuống 4,5%, không thay đổi so với dự báo hồi tháng 3, nhưng năm 2022 sẽ giảm xuống 3,8%, thấp hơn mức 3,9% dự báo trước đây, và giảm tiếp xuống 3,5% trong năm 2023.
Với những nhận định lạc quan hơn về triển vọng kinh tế như vậy, việc Fed sẽ thay đổi quan điểm về chính sách trong thời gian tới là điều hoàn toàn có thể.
Avery Shenfeld, nhà kinh tế cấp cao của CIBC, mô tả tuyên bố chính sách tiền tệ của Fed là sẽ không có bất cứ sự cắt giảm nào trong chương trình mua trái phiếu của ngân hàng trung ương, nhưng đã "diều hâu" hơn trong quan điểm về lãi suất.
Ông Shenfeld nói: "Cả lạm phát tăng đột biến hay tốc độ tăng trưởng quý 2, mà theo quan điểm của chúng tôi là 9%, đều có thể thực sự làm Fed lung lay". Mà lạm phát tăng sớm thì áp lực giảm giá đối với thị trường vàng cũng sẽ đến sớm.
Tham khảo: Wall Street Journal, Kitco
Xem thêm: nhc.7162732271601202-ecnuo-dsu-0871-ioud-gnoux-cod-oal-peit-maig-gnav-aig/nv.fefac