Dù vài chục nghìn đồng nhưng khách hàng vẫn chọn phương thức cà thẻ để thanh toán - Ảnh: NG.TRÍ
Nhiều tiểu thương, thương nhân cho biết doanh số bán hàng vẫn tăng trưởng tốt nhờ thích ứng với phương thức thanh toán đa dạng như chuyển khoản, cà thẻ, ví điện tử... Theo một số tiểu thương, doanh số thanh toán không tiền mặt ngày càng tăng và chiếm đến 20 - 40% tổng doanh số bán hàng trong mùa dịch. Trong đó, không chỉ với những món hàng có giá trị lớn mà ngay cả khi mua một miếng thịt, bó rau..., nhiều khách hàng cũng sẵn sàng cà thẻ thanh toán.
Tiểu thương "học chuyển khoản"
Khoe tin nhắn báo chuyển khoản thanh toán đơn hàng của khách, bà Nguyễn Hồng Nga (65 tuổi), chuyên bán hải sản khô tại chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết trước đây mù tịt về khoản này. Tuy nhiên, từ cuối năm 2020, sau khi lượng khách đến mua hàng tại sạp thưa dần với lý do lo ngại dịch COVID-19, bà Nga quyết định đa dạng hình thức bán hàng và thanh toán theo gợi ý của một vài khách quen, đó là bán hàng và thanh toán online để phòng chống dịch.
Ngoài việc sắm một chiếc điện thoại thông minh, bà Nga nhờ mấy đứa cháu hướng dẫn sử dụng rồi đưa ra ngân hàng để mở tài khoản thanh toán. Sau khi thành thục các thao tác, bà Nga chủ động "chào hàng" và bắt đầu có khách quen gọi điện đặt hàng rồi thanh toán chuyển khoản. Và trong đợt dịch thứ 4 này, theo bà Nga, dù lượng khách có giảm nhưng tỉ lệ thanh toán chuyển khoản tăng dần, đặc biệt là những đơn hàng có giá trị lớn.
Là một trong nhiều khách hàng quen tại cửa hàng của bà Nga, bà Vân (quận Gò Vấp) cho biết mỗi khi cần mua món hàng gì, số lượng bao nhiêu sẽ gọi điện nhờ bà Nga chọn và gửi hàng qua người quen rồi chuyển thanh toán, đôi khi dồn nợ lại rồi chuyển một lần."Mỗi lần chuyển khoản mất vài chục giây là có tin nhắn báo cụ thể nên không sợ mất, nhầm lẫn hay chối cãi gì cả" - bà Vân nói.
Những ngày giữa tháng 6, trong khi phần lớn các quầy sạp tại chợ Bến Thành (quận 1) đều đóng cửa, sạp Xuân Trang vẫn thường xuyên "sáng đèn" nhờ lượng khách mua hàng online.
Theo bà Trần Xuân Trang (chủ sạp), từ khi dịch COVID-19 bùng phát, sạp hàng này chủ động chào bán online cho lượng khách quen trước đó, chủ yếu là du khách từng đến mua hàng, trong đó có cả khách từ Hà Nội, Đà Nẵng...
"Cứ tiền chuyển vào tài khoản là tôi gửi hàng ngay cho khách, nên vẫn duy trì được hoạt động kinh doanh trong thời gian TP. HCM đang giãn cách" - bà Trang cho biết.
Là người có thâm niên trong kinh doanh gia vị, ông Lý Đại Lâm - tiểu thương sạp cà ri Anh Hai (chợ Bến Thành) cho biết không còn xa lạ với máy cà thẻ, ví điện tử MoMo... Tuy nhiên, từ khi dịch COVID-19 bùng phát, các hình thức thanh toán không tiền mặt này mới như "cá gặp nước".
Theo ông Lâm, do lo ngại dịch bệnh nên nhiều khách yêu cầu "ship" hàng tận nơi và thanh toán bằng chuyển khoản. Đến nay, khoảng 80% giao dịch tại cửa hàng này được thanh toán không dùng tiền mặt.
Sự đa dạng trong mua bán, thanh toán đã giúp sạp hàng của bà Trang tại chợ Bến Thành vẫn có khách vào mùa dịch - Ảnh: NG.TRÍ
Doanh số tăng nhờ thanh toán không tiền mặt
Khi nghe tin TP.HCM tiếp tục giãn cách 15 ngày nữa, ông Trần Quốc Thịnh - người sáng lập hệ thống lẩu gà ớt hiểm 109 (quận Phú Nhuận) - cho biết cũng không quá lo lắng, bởi đã chuẩn bị sẵn các phương án "sống chung với dịch ", trong đó sẽ tập trung đầu tư cho hình thức kinh doanh online, do dự báo dịch COVID-19 còn phức tạp và kéo dài.
"Với kế hoạch tăng kinh doanh qua kênh Facebook, YouTube, TikTok..., đơn vị đã xây dựng hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt đa dạng. Và đến nay khách mua hàng của chúng tôi đều có thể trả tiền bằng chuyển khoản, cà thẻ hay ví điện tử" - ông Thịnh nói. Đồng thời cho biết 95% các giao dịch thanh toán tại 10 cửa hàng của đơn vị này trong mùa dịch là không tiền mặt.
Ông Trần Văn Trường, giám đốc Công ty hải sản Hoàng Gia (quận Phú Nhuận), cũng cho biết trong suốt mùa dịch, hoạt động kinh doanh của đơn vị này không bị gián đoạn, thậm chí doanh thu tăng 50% nhờ chuyển sang kênh online kịp thời.
"Các sản phẩm cá chép kho, hải sản nướng... vẫn hút khách. Đặc thù của các món ăn này thường có giá trị cao nên người giao hàng thường không thể trả tiền trước thay khách. Tôi khuyên khách chọn cà thẻ hoặc chuyển khoản là cách thanh toán tiện lợi nhất cho đôi bên" - ông Trường nói.
Theo ông Trường, chiếc điện thoại đã quá quen thuộc với nhiều người, việc phát triển kinh doanh online là tất yếu và xu hướng chuyển đổi tích cực. Những đơn hàng thanh toán không tiền mặt đều là khách có đơn hàng giá trị cao, khách quen. Để tạo thuận lợi cho khách mua hàng online, công ty này đã làm việc với nhiều ngân hàng, ví điện tử... Nhờ đó, hơn 90% doanh thu của đơn vị này hiện được thanh toán online.
Ông Trường cho rằng với số lượng người sử dụng điện thoại đông đảo và ngày càng bận rộn, việc phát triển kinh doanh online là tất yếu. Do đó, thời gian tới tất cả hoạt động mua bán, thanh toán đều được đơn vị này số hóa trên ứng dụng điện thoại.
Trong khi đó, để duy trì số ít cửa hàng còn lại hoạt động, ông Thạch Xuân Khai - giám đốc Công ty TNHH Sáng Thịnh (quận 1) - cho biết một trong những giải pháp được đơn vị đưa ra là tăng liên kết với các ngân hàng, ví điện tử để đa dạng thêm cách thanh toán không tiền mặt, nhằm duy trì kênh bán hàng online mùa dịch.
Hưởng lợi từ Ngày không tiền mặt
Hoạt động vài năm qua nhưng theo ông Phan Công Thảo - chủ cửa hàng đồ uống R&B Tea (quận Gò Vấp), bước ngoặt của đơn vị là được lắp đặt miễn phí máy POS (máy cà thẻ) của Sacombank trong chương trình Ngày không tiền mặt do báo Tuổi Trẻ tổ chức năm 2020.
Theo ông Thảo, máy POS cho thanh toán từ vài chục nghìn đồng và chấp nhận hầu hết các loại thẻ ngân hàng như từ thẻ ghi nợ đến các thẻ thanh toán nội địa như Napas, thanh toán quốc tế như Visa, JCB của Vietcombank, HDBank, Agribank, SHB... nên rất tiện dụng.
Ngoài thanh toán tại chỗ, máy POS này còn được ông Thảo bỏ túi mang đi để thanh toán tận nơi cho khách. Nhờ đó, doanh thu cửa hàng tăng dần, hiện đạt khoảng 20 - 30 triệu đồng/ngày, trong đó thanh toán không tiền mặt chiếm khoảng 30%.
"Nhu cầu thanh toán không tiền mặt ngày càng phổ biến, ngay cả sinh viên cũng chọn cà thẻ khi tính tiền trà sữa, nên nhà kinh doanh mình phải đáp ứng nhu cầu đó để tăng doanh thu" - ông Thảo nói.
Trong khi đó, sau khi chọn lắp đặt ví điện tử MoMo qua chương trình Ngày không tiền mặt do báo Tuổi Trẻ tổ chức trước đó, đến nay Công ty kinh doanh cà phê Ri Roastery (quận Tân Bình) đã triển khai toàn hệ thống các cửa hàng do lợi ích của việc thanh toán không tiền mặt mang lại.
Theo bà Hoàng Nguyễn Uyên Thy - đại diện đơn vị này, do nhận thấy ngày càng nhiều khách hàng có xu hướng sử dụng điện thoại để thanh toán qua ví MoMo nên đơn vị lắp đặt thêm cách thanh toán này.
"Số khách thanh toán qua MoMo chiếm khoảng 20% trong tổng số thanh toán của công ty, và tỉ lệ này đang tăng nhanh nhờ sự tiện lợi và nhiều ưu đãi mà ví này dành cho khách hàng" - bà Thy thông tin.
Ngoài máy POS được Sacombank lắp đặt miễn phí theo chương trình Ngày không tiền mặt, ông Nguyễn Trung Hiếu - chủ cửa hàng thời trang Hiếu (huyện Hóc Môn) - cho biết vẫn lắp đặt thêm máy POS của HDBank để tăng hỗ trợ thanh toán cho khách.
"Nhu cầu chuyển khoản, cà thẻ của khách hàng ngày càng tăng với nhiều loại thẻ mới, tiện dụng như Napas, Visa, JCB... nên mình phải đa dạng cách thức thanh toán" - ông Hiếu cho biết.
Giao dịch không tiền mặt ngày càng tăng
Theo đại diện Grab VN, người tiêu dùng VN mua sắm trực tuyến ngày càng nhiều hơn và ưa chuộng các phương thức thanh toán kỹ thuật số. Sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng này là hệ quả của việc giãn cách xã hội và hạn chế tiếp xúc trong cộng đồng, nhưng cũng đến từ nhu cầu của người dùng về nâng cao vấn đề an toàn và vệ sinh trong mùa dịch.
Trong thực tế, ứng dụng này đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể trong việc áp dụng các phương thức thanh toán kỹ thuật số. "Dữ liệu nội bộ của Grab cho thấy 45% tổng số giao dịch trên ứng dụng được thực hiện qua phương thức thanh toán không tiền mặt. Điều thú vị là dù đại dịch phần nào được kiểm soát, hãng nhận thấy các giao dịch không tiền mặt và tần suất sử dụng ví điện tử trên ứng dụng vẫn tiếp tục tăng" - đại diện đơn vị này cho biết.
N.BÌNH
TTO - Ngày 14-6, chương trình Ngày không tiền mặt năm 2021 vừa chính thức công bố với nhiều hoạt động đổi mới, tập trung hướng đến đối tượng là giới trẻ như sinh viên, người tiêu dùng phổ thông, công nhân, người thu nhập trung bình, thấp.
Xem thêm: mth.36072838081601202-naohk-neyuhc-eht-ac-gnuc-uar-ob-tiht-gneim-aum/nv.ertiout