Điểm cầu Bộ Giáo dục và đào tạo của hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 8 năm thực hiện đề án xây dựng xã hội học tập diễn ra ngày 18-6 - Ảnh: Nguồn Bộ GD-ĐT
Ngày 18-6, Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức hội nghị tổng kết 8 năm triển khai đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020 và đặt ra hướng đi tiếp theo.
PGS-TS Phạm Tất Dong, phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, cảnh báo trong xã hội ngày nay, nhiều người có học vấn cao cũng rơi vào tình trạng mù chữ chức năng do không cập nhật được kỹ năng mới, không đáp ứng được những thay đổi về nội dung, phương pháp lao động, sản xuất của các lĩnh vực nghề nghiệp.
Ông Phạm Tất Dong mong muốn ngoài các dòng họ khuyến học, trung tâm học tập cộng đồng như trước đây, cần có những khu công nghiệp học tập, khu chế xuất học tập để cập nhật công nghệ phục vụ chính công việc tại chỗ, phục vụ yêu cầu mới ở nhiều lĩnh vực nghề nghiệp.
Ông Nguyễn Đắc Hưng, vụ trưởng Vụ Giáo dục và đào tạo - dạy nghề (Ban Tuyên giáo Trung ương), cũng cho rằng trên 17.000 cơ sở giáo dục thường xuyên trên cả nước là thành quả trong việc xây dựng xã hội học tập của một thập kỷ qua.
Nhưng trước yêu cầu mới thì mạng lưới này lại trở nên cồng kềnh, dẫn tới tình trạng thiếu nguồn kinh phí hoạt động, thiếu giáo viên, hoạt động không hiệu quả, không đáp ứng yêu cầu mới trong bối cảnh thay đổi nhanh về công nghệ trong mọi lĩnh vực đời sống. Vì thế, cần mạnh dạn thay đổi.
"Ở giai đoạn tới, chúng ta không phải đặt ra mục tiêu xóa mù chữ cơ bản mà xóa mù chức năng, trong đó người dân nói chung cần gì, học nấy. Đây là vấn đề đòi hỏi phải đổi mới tư duy và cách làm thì mới thành công", ông Hưng nói.
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và đào tạo, trong 8 năm thực hiện đề án xây dựng xã hội học tập, mạng lưới 17.459 cơ sở giáo dục thường xuyên được định hình, bao gồm các trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện, gần 10.500 trung tâm học tập cộng đồng, trên 6.000 trung tâm ngoại ngữ - tin học, trung tâm giáo dục kỹ năng sống…
Thành quả của việc thúc đẩy phát triển xã hội học tập là phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS. Đặc biệt trong 8 năm, các địa phương đã xóa mù chữ cho trên 300.000 người độ tuổi 15-60.
Nhiều mô hình, hoạt động hữu ích được triển khai như quỹ khuyến học, dòng họ khuyến học, xây dựng thư viện, tủ sách dùng chung đến tận các xã, phường ở nhiều địa phương.
Tuy nhiên, bộ cũng cho biết có những hạn chế như công tác đào tạo, bồi dưỡng chưa gắn với yêu cầu công việc, vị trí việc làm, chức danh mà cán bộ, công chức đảm nhiệm; hoạt động của nhiều trung tâm học tập cộng đồng kém hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu học tập đa dạng của người dân. Số lượng người tham gia học tập ít, nội dung hoạt động nghèo nàn, thiếu hấp dẫn, thậm chí có nơi còn tổ chức mang tính hình thức...
Cùng với những sáng kiến, đề xuất triển khai xã hội học tập ở giai đoạn mới, để thúc đẩy phát triển xã hội học tập trước những thách thức mới, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030".
Bộ Giáo dục và đào tạo đề nghị xúc tiến dự án luật học tập suốt đời để có hành lang pháp lý cho việc thực hiện, cũng tạo động lực mạnh mẽ trong việc phối hợp giữa các bộ, ngành với địa phương trong việc triển khai.
TTO- “Với sự phát triển công nghệ thông tin, hơn bao giờ hết, nền tảng cho xã hội học tập trở nên vô cùng thuận lợi, các em có thể học bất cứ ở đâu, bất cứ khi nào”- thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh tại lễ trao giải Violympic ngày 19-5.